Cảnh giác bẫy tín dụng đen vay tiền qua ứng dụng điện thoại

09-10-2019 07:37 | Pháp luật

SKĐS - Bằng những lời có cánh như: “Giải ngân trong ngày, thủ tục đơn giản”; “khoản vay linh hoạt, lãi suất ngân hàng”; “không cần thế chấp tài sản”;... được quảng cáo rầm rộ trên mạng để nhắm đến người có nhu cầu vay tiền.

Hình thức vay tiền qua ứng dụng (app) này đang khiến nhiều người tìm đến để giải quyết khó khăn về kinh tế. Tuy nhiên, họ không hề biết rằng, đằng sau đó là những chiếc bẫy tín dụng đen.

Vay siêu nhanh, lãi suất cũng siêu cao

Vào Google, Facebook... gõ cụm từ “vay online”, “vay trực tuyến”, “vay nhanh” sẽ thấy xuất hiện rất nhiều các trang web cho vay tiền siêu nhanh như Credy, vaytieudung, doctordong, SHA, robocash.vn... Những cái tên này thường tạo sự thu hút của người lướt web bằng những lời đường mật hấp dẫn như vay tiền không cần thế chấp, vay tiền không cần gặp mặt... Để hấp dẫn hơn nữa, có trang web còn đưa ra đủ “chiêu” như cho vay với lãi suất 0%/năm trong 10 ngày đầu tiên, phí tư vấn 0%, phí dịch vụ 0%; thủ tục vay siêu nhanh, siêu đơn giản với gần 100% đơn xin vay vốn được chấp nhận. Tuy nhiên, đây chỉ là những lời đường mật. Anh Hoàng Tiến Hải ở Từ Sơn, Bắc Ninh là một trong các nạn nhân của việc vay tiền thông qua app VĐồng. Anh Hải cho biết, trên app này quảng cáo lãi suất cho vay 19,71%/năm, hạn mức vay được phê duyệt là 1,3 triệu đồng nhưng đã bị trừ ngay 364.000 đồng và khách hàng chỉ thực nhận hơn 936.000 đồng. Như vậy, tính ra lãi vay của VĐồng đối với số tiền 1,3 triệu đồng lên đến 26.000 đồng/ngày, tương đương 60%/tháng và khoảng 720%/năm. “May tôi vay ít và đã trả được nợ ngay. Nếu chưa có tiền trả nợ, các đối tượng sẽ dụ mình vay tiếp ở các app khác để trả nợ. Cứ thế người vay sẽ rơi vào mê hồn trận không rút ra được” - anh Hải cho biết thêm. Một nạn nhân khác là anh Đỗ Trọng Minh ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, ngày 31/7, anh đăng ký vay 4 triệu đồng. Sau khi làm theo yêu cầu của đối tượng, chỉ sau khoảng 1 tiếng, anh nhận được tiền qua tài khoản nhưng tiền vay chỉ còn hơn 3 triệu. Bên cho vay nói trừ tiền phí. Đến ngày 27/8 (gần 1 tháng sau), bên cho vay gọi điện yêu cầu phải thanh toán cả gốc, lãi là 6,35 triệu (gấp đôi số tiền vay). Do chưa đủ nên anh Minh xin trả trước 5 triệu, 15 ngày sau, anh phải trả tiếp 3 triệu nữa mới hết nợ.

Theo nhận định của Đại tá Lê Xuân Minh - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an, trên thực tế, các trường hợp khách hàng vay trực tuyến qua app đã phải gánh chịu hậu quả rất lớn nếu không trả nợ. Bên cạnh đó còn tiềm ẩn rủi ro lớn cho công tác đảm bảo an ninh tiền tệ và nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân. Do khi vay tiền, nạn đã cung cấp danh bạ điện thoại (đây là yêu cầu bắt buộc nếu muốn vay) nên khi đến hạn chưa trả được nợ, lập tức, các đối tượng đã gọi điện cho tất cả những người trong danh bạ điện thoại của chị Mai sỉ nhục, chửi bới, đe dọa. Thậm chí, các đối tượng còn lấy ảnh trong kho ảnh của nạn nhân, cắt ghép rồi đưa lên mạng với mục đích bôi nhọ, gây sức ép khiến nạn nhân phải trả nợ.

Các đối tượng cho vay nặng lãi qua “app” bị Công an Quận 2 (TP.HCM) bắt giữ.

Các đối tượng cho vay nặng lãi qua “app” bị Công an Quận 2 (TP.HCM) bắt giữ.

Cần có khung hành lang pháp lý rõ ràng

Trước đó, Công an Quận 2, TP. HCM đã bàn giao 9 nghi phạm (6 người Trung Quốc, 3 người Việt Nam) cùng hồ sơ, tang vật cho Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM để điều tra về hành vi hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi thông qua “app”. Cụ thể, vào chiều 14/9, Công an Quận 2 nhận tin báo của một người dân về việc bạn của người này ở trong một căn nhà ở phường An Phú (Quận 2) và đang lo sợ bị người Trung Quốc sát hại, nhờ công an ứng cứu. Lực lượng công an nhanh chóng đến hiện trường, phát hiện có 6 người Trung Quốc và 3 người Việt Nam là Nguyễn Vương Bảo, Nguyễn Thị Hoàng Mỹ, Phạm Viết Thanh Nhã. Cơ quan công an đã làm rõ: Nguyễn Vương Bảo là nhân viên thu hồi nợ của Công ty Star City, chuyên tạo các “app” BDong, Udong... cho vay tiền tín chấp qua mạng. Bảo cho biết, mình có mâu thuẫn với một số người Trung Quốc về việc nghi vấn Bảo chiếm đoạt tiền của công ty, đồng thời sợ bị số người Trung Quốc này “xử”. Bảo khai chính mình đã nhờ bạn trình báo công an. Các đối tượng khai tại địa chỉ trên có 2 công ty (Công ty TNHH Kyushu và Công ty Star City) đang hoạt động cho vay tín chấp, do Nguyễn Khắc Hạnh làm giám đốc, Yan Xin (quốc tịch Trung Quốc) làm Phó giám đốc. 2 công ty này đăng ký kinh doanh tại quận Gò Vấp trong tháng 4 và tháng 5/2019, có khoảng 30 nhân viên là người Trung Quốc và người Việt Nam. Sau khi tạo các “app”, 2 công ty thông qua mạng xã hội Facebook để quảng cáo hình thức cho vay tiền nhanh, gọn trên ĐTDĐ. Khách vay tiền phải chịu phí dịch vụ là 24% trên tổng số tiền vay, thời hạn vay là 6 ngày, với lãi suất 4%. Hết thời hạn vay, khách vay phải trả đủ số tiền vay và tiền lãi, nếu không sẽ bị phạt thêm 4%/ ngày. Nếu con nợ chậm trả, phía công ty sẽ cho “lực lượng đòi nợ” làm đủ trò như: đe dọa, khủng bố, nói xấu trên mạng xã hội...

Theo luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng Luật sư Việt Lý (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, lãi suất vay do các bên tự thỏa thuận, nhưng mỗi khoản vay lãi suất không được vượt quá 20%/năm, tức 1,666%/tháng. Nếu quá lãi suất quy định của pháp luật sẽ có đủ yếu tố cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với mức phạt cao nhất là phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trước tình hình tội phạm cho vay lãi nặng có xu hướng tăng đột biến, diễn biến phức tạp như hiện nay, với hình phạt tù cao nhất của tội danh này là 3 năm tù là chưa đủ răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung trong xã hội, do vậy rất cần một hành lang pháp lý rõ ràng, đủ sức răn đe hơn.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn