Một con diều lớn bỗng nghiêng cánh làm cho tiếng sáo chênh chao như bị say gió vậy. Một cảm giác lâng lâng, bồng bềnh trong tâm hồn tôi…
Những cánh diều kỳ dị
Người kể chuyện ở đình làng khẳng định, ông tổ nghề làm sáo diều là Phò mã Đô úy Trần Quốc Thi - một tướng giỏi thời nhà Trần. Ngài đã có công giúp Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên Mông. Thường mỗi khi về nhà ngài đều chơi thả diều trên cánh đồng làng. Ngài đã có công chế tác ra những cặp sáo diều ẩn chứa các âm vực hòa tấu nên một bản nhạc. Ngài đã dạy cho mọi người cách chơi sáo diều và những bí ẩn của âm thanh sáo khi bay lên cao. Còn đặc biệt hơn là chiếc diều ngài làm không bình thường như các vùng quê khác. Đó là chiếc diều có đuôi. Mà cái đuôi cũng khác lạ, khung hình hai bên đuôi tựa như hai quả cật của người đàn ông, được nối với cánh diều chính bằng đường viền gọi là bẹn diều. Với nghĩa nôm là một ống hai hòn. Nên dân gian thường gọi chiếc diều của Đại Trà với cái tên hài hước là: “Diều Dái”. Đó là một quan niệm xa xưa về tín ngưỡng phồn thực và đề cao sức mạnh của người đàn ông. Vì thế, diều ở Đại Trà đều lớn để có sức nâng cả dàn sáo và giữ thăng bằng, không bị chao lật khi gió mạnh thổi tới. Vậy có thể nói nghề chơi sáo diều của làng Đại Trà đã có hàng trăm năm nay, với những nét độc đáo về cả diều và sáo.
Chơi thả diều.
Tôi có dịp gặp ông Nguyễn Văn Lộc - người suốt một đời mải mê sáo diều, cho dù khá bận bịu với việc làng việc xã. Cứ rảnh chút là ông vớ lấy dụng cụ làm bộ sáo mới. Đang thời kỳ làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban xã, ông vẫn không bao giờ xa rời những bộ sáo. Ông chính là người đề xướng và cùng các nghệ nhân trong làng làm chiếc diều sáo kỷ lục hồi năm 2012, cho đến nay vẫn đứng vững chưa có nơi nào vượt nổi. Các nghệ nhân đã miệt mài làm trong 3 tháng trời mới xong chiếc diều có sải cánh dài 7,2m, cao 4,4m. Riêng bộ sáo thật đặc sắc với 13 chiếc và cấu trúc âm thanh rất du dương. Chiếc sáo lớn dài 1,5m, các sáo khác ngắn dần, đến chiếc sáo thứ 13 dài 8cm. Hôm thả diều lớn này, cả làng ra xem chật cả cánh đồng. Phải 20 người mới đưa được chiếc diều bay lên. Nhất là những người cầm dây diều phải chạy cả nửa cây số mới dòng được con diều bay lên trời. Dàn sáo rền vang làm cả làng hò reo, vỗ tay, hét lên vì sung sướng. Đó là sự thành công vượt qua sức tưởng tượng của mọi người. Bộ sáo 13 chiếc rung lên những âm thanh vi vu trên cao, hòa tấu cùng nhau, tạo nên bản nhạc đồng quê. Cứ mỗi lần gió đổi chiều hay đổi hướng, dàn sáo lại du dương với những âm sắc tươi mới. Cánh diều kỷ lục này có thể chịu được sức gió cấp 5, không bị chênh phô về âm thanh.
Khi dẫn tôi ra đình làng, ông Lộc say sưa nói về bộ sáo mà ông thiết kế và tự tay chế tác. Ông chỉ cho tôi từng chiếc sáo một và nói vì sao chúng tạo nên một bản nhạc chứ không vo vo, đơn điệu như diều chỉ có 1 sáo. Tôi ngạc nhiên khi biết người khoét sáo phải làm sao cho chính xác và đúng theo nguyên tắc: “Mẹ gọi (sáo cái), con thưa (sáo thứ 2), cháu vỗ tay (sáo thứ 3)”. Điều bí mật ở tiếng sáo được ông giảng giải cụ thể: trước tiên, sáo cái (lớn nhất) kêu một tiếng, sau đó sáo nhì kêu 3 tiếng, rồi mới đến sáo 3 kêu 2 tiếng. Nếu không nắm được nguyên tắc này, khoét sáo vụng dễ bị chập âm, 3 sáo cùng kêu một lúc, coi như vứt. Đó chính là âm thanh “Sáo gọi chó”. Dàn sáo tối thiểu thường có 3 chiếc. Còn bộ 5 hay 7 hoặc 9 chiếc sáo với kích thước khác nhau lại càng đòi hỏi sự thẩm âm điêu luyện mới lấy tiếng đúng được. Ông Lộc còn nhấn mạnh, chính vì thế, không ít bộ sáo ở trong làng đã trở thành gia bảo của các nghệ nhân chơi diều sáo. Bởi trong thực tế làm hàng chục bộ sáo, may ra có bộ thật ứng ý, ngọt lỗ tai. Vậy nên có nhà hiện giữ bộ sáo cổ trả bao nhiêu tiền cũng không nhượng lại. Bởi bán đi là mất. Không bao giờ làm lại được dàn sáo hay như vậy. Tôi cứ hình dung, các nghệ nhân như những nghệ sĩ với tình yêu và đam mê với những âm thanh của mình. Họ làm sáo chỉ để thưởng thức chứ không phải mang đi bán. Mỗi khi vào hội thi diều sáo hàng năm, thực ra đó là cuộc thi của những dàn sáo là chính. Theo ông Lộc, trong làng có những nghệ nhân cả đời mới làm được một bộ thực sự ưng ý. Vậy nên những bộ sáo hay trở thành của quý hiếm trong làng. Nghề của làng phát triển hiện nay như một làng nghệ thuật, làm sáo diều được coi là một loại nhạc cụ dân gian, bán cho người chơi diều khắp vùng duyên hải. Lúc này, một số cháu bé chạy ào vào sân đình. Trên tay mỗi bé có một cánh diều. Chúng vừa chạy vừa đưa cánh diều lên cao. Đó là những chiếc diều đang bay theo trí tưởng tượng của trẻ thơ. Cùng chơi trò thả diều, bọn trẻ còn hát vang lời đồng dao: “Cầm dây cho chắc. Nhắc dây cho đều. Bố đi đâm diều. Lấy gạo con ăn”.
Những nhạc công trên mây
Trong các nhạc cụ dân gian thì sáo diều vào loại khó làm và khó xử lý nhất, vì chỉ khi có gió thổi mới nghe được âm thanh thực sự của nó. Sau đó, bộ sáo mới được đánh giá. Điều này tôi được chiêm nghiệm khi gặp nghệ nhân Nguyễn Văn Thênh. Ông đã hơn 70 tuổi, là một trong số nghệ nhân cùng với ông Lộc thiết kế làm sáo diều kỷ lục của làng. Tôi đến đúng lúc ông đang ăn cơm khá muộn. Ông bỏ ngay bát đũa rồi ra tiếp tôi. Nói thế nào thì nói, ông dứt khoát bỏ dở cơm để trò chuyện về sáo diều. Giọng ông sang sảng vì hơi men. Tôi cũng chưa kịp hỏi thì ông bắt ngay vào câu chuyện về cách khoét miệng sáo. Ông nói bí ẩn của tiếng sáo là ở đây. Vì thân sáo ai cũng có thể làm với các chất liệu như mai, vầu, giang… nhưng tạo nên âm sắc lại ở bàn tay nghệ nhân qua việc khoét miệng sáo. Tôi ngỡ như mọi thứ đã có công thức hay tiêu chuẩn kích thước của miệng sáo rồi chứ!? Nghe tôi hỏi, ông cười lớn rồi bộc bạch, đúng là như thế, nhưng chỉ ra một thứ âm thanh giống nhau đơn điệu chết đi được. Sáo diều phải du dương, êm đềm, ngọt như rót vào tai ấy chứ. Độ rung cảm tự trong trái tim nghệ nhân dường như điều khiển bàn tay khéo léo. Ông vỗ đùi đọc mấy câu thơ do chính ông viết: “Nghề chơi cũng lắm công phu. Làng chơi thì phải biết cho đủ điều. Chim lồng, cá chậu, sáo diều. Gà chọi, cây cảnh cũng nhiều thú vui. Nhưng không bằng nhạc gió trời. Ngân nga tiếng sáo chơi vơi đồng làng…”.
Nghệ nhân Thênh mỗi lúc một say câu chuyện về sáo diều. Ông đưa cho tôi xem những bản thiết kế về miệng sáo. Ông còn với trên trần nhà xuống khoảng 10 bộ sáo diều lần lượt đưa cho tôi xem. Rồi ông mới nói, miệng sáo nào bằng gỗ mít, gỗ sến hoặc có khi bằng sừng trâu. Chọn gỗ mít làm miệng sáo là tốt nhất nhưng phải có tuổi cây từ 30 năm trở lên, vừa nhẹ vừa bền, dễ điều chỉnh âm thanh. Ông kể, trong làng hiện nay còn một số người khoét sáo có âm sắc lạ tai như các ông Lộc, Nheo, Tàm, Nở, Coong… Đó là những người chơi nhạc đúng với nghĩa biết lấy tiếng sáo và có âm thanh của riêng mình. Nghệ nhân Thênh nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ với những cuộc thi nuôi sáo diều trên cao. Sáo nào ngủ ngon trên cao mà vẫn vang ngân giọng sáo trong veo là thắng cuộc. Người thắng được cõng chạy vòng trong bãi tha ma của làng. Người cõng còn phải luôn mồm hát đi hát lại bài đồng dao cho đến đủ 5 vòng mới thôi. Nay ông vẫn nhớ những câu ca cổ vui tai ngày xưa ấy: “Diều phải no gió. Sáo phải du dương. Để người đi đường. Bỏ quên phiên chợ. Diều phải no gió. Sáo phải ngân nga. Để người đi qua. Lạc đường lạc lối…”. Đôi mắt ông Thênh lóe lên niềm vui của tuổi thơ trở lại trong ký ức dạt dào bấy lâu.
Một thời ông Thênh có tới 40 bộ sáo diều (nhiều nhất làng) nhưng nay chỉ còn 17 bộ, trong đó có dàn sáo của cha ông để lại cách đây hơn 60 năm. Vầng trán khô của ông Thênh hằn lên những nếp nhăn thời gian. Ông như tiếc nuối vì nhiều lý do mà ông phải bán dần những bộ sáo mà mình ưng ý. Sự dằn vặt trong lòng bấy lâu nay vẫn chưa làm ông nguôi ngoai nỗi buồn cho dù cuộc sống đã khấm khá hơn. Cho đến nay, ông vẫn còn nhớ đến tiếng ru thơm cả gió trời của dàn sáo ngày ấy. Tiếng sáo như lòng người, kể chuyện một cách dịu dàng, nuôi những ước muốn trong cuộc đời.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thênh cột dàn sáo diều.
Nghe tiếng sáo biết thời tiết ngày mai
Chính sự hòa nhập giữa con người và vũ trụ mà cánh diều cũng biết lắng nghe thiên nhiên, luôn bày tỏ những âm thanh tương ứng. Khi trong khi đục. Khi trầm khi bổng là vì vậy. Dân trong làng có kinh nghiệm nghe tiếng sáo diều để dự báo thời tiết của hôm sau. Tùy công việc trên cánh đồng làng đều theo những tiết gió mùa, gió biển, cứ thế mà theo. Theo như ông Thênh nói, nếu hôm nào có gió mang hơi nước từ phía Đông thổi tới là tiếng sáo hơi nghẹn đi một chút là biết ngay hôm sau có mưa đến. Cữ gió Nam bao giờ cũng căng, cánh diều no gió ngủ say trên trời, tiếng sáo trong veo du dương. Người nông dân biết ngay là mai trời sẽ khô ráo hay nắng to, tha hồ mà làm mọi việc thảnh thơi. Có đóng cọc thả diều suốt đêm cũng được.
Vào những đêm trăng sáng, cánh diều bay lên mang theo bản du ca muốn gửi lên cung hằng, về ước vọng lãng mạn của con người, bay cao bay xa về vũ trụ vô tận. Khi ấy, những đôi trai gái trong làng thường dạo chơi trên cánh đồng, cùng nhau nghe những bản hòa nhạc sáo diều mơ màng. Mỗi khi im lặng, đã có tiếng sáo diều trò chuyện nói hộ lòng mình. Hai người chung tay cầm dây diều lựa theo chiều gió. Cánh diều mỗi lúc một cao. Đó là bài ca của bản hòa tấu - Hạnh phúc cầm tay. Còn khi tiếng sáo ngân vang, tựa hồ đôi bạn đã tìm lại chính mình và nở nụ cười cùng nhau. Sự giao hòa giữa tâm hồn với thiên nhiên đã rung lên với cảm giác: “Bay lên nhẹ một kiếp người. Vui đi để nở nụ cười thênh thang”.