Cánh diều 2016 - giải thưởng điện ảnh do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức dự kiến sẽ trao giải vào tháng 4 tới. Đã có 118 tác phẩm đến với Cánh diều 2016, qua đó cho thấy giải thưởng điện ảnh năm nay của Hội nghề nghiệp có nhiều sức hút. Nói không với phim Việt hóa để tôn vinh phim nội và hạng mục quan trọng nhất - phim truyện điện ảnh có quá nửa phim chất lượng “vừa phải” là những điểm đáng chú ý của Cánh diều năm nay.
Không có “cửa” cho phim Việt hóa
Đó là khẳng định của Ban Tổ chức giải Cánh diều 2016. Theo đạo diễn Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, những bộ phim được Việt hóa sẽ không phù hợp và không được góp mặt tại giải Cánh diều 2016 bởi mục tiêu của giải nhằm khích lệ sự phát triển của các bộ phim điện ảnh trong nước và giải thưởng năm nay đề cao các tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và có hiệu quả xã hội tích cực.
Tấm Cám - chuyện chưa kể là một ứng viên giải Cánh diều 2016 hạng mục phim truyện điện ảnh.
Theo lý giải của đạo diễn Đặng Xuân Hải, phim Việt hóa tức là kịch bản gốc của nước ngoài, khi đưa về Việt Nam thực hiện, kịch bản sẽ được điều chỉnh, nâng cao hơn rất nhiều. Ngoài ra, kinh phí thực hiện kịch bản ở nước ngoài và Việt Nam cũng chênh lệch. “Nếu để các phim Việt hóa tranh giải sẽ không cân sức, không công bằng với những sản phẩm điện ảnh thuần Việt” - đạo diễn Đặng Xuân Hải nhấn mạnh. Ngoài việc từ chối phim Việt hóa, tác phẩm điện ảnh do đạo diễn nước ngoài thực hiện nhưng êkíp Việt Nam tham gia cũng chỉ được tranh những giải thưởng cá nhân dành cho quay phim, diễn viên, âm thanh… Chính những tiêu chí này đã nhận được sự đánh giá cao của công chúng, dù không ít phim Việt hóa thời gian qua làm mưa làm gió tại các rạp chiếu cũng như sóng truyền hình. Hướng đến sự phát triển và tạo ra ngày hội phim nội, không chỉ giúp các nhà làm phim Việt trao đổi, học hỏi kinh nghiệm mà còn là dịp đánh giá, nhìn nhận sự phát triển của các tác phẩm điện ảnh nước nhà và đó chính là mục tiêu Cánh diều 2016 cũng như các mùa giải trước hướng tới.
Tính đến thời điểm hiện tại, Cánh diều 2016 đã nhận được tổng số 118 phim đăng ký dự giải, trong đó có 19 phim truyện điện ảnh; 20 phim truyện truyền hình; 13 phim hoạt hình; 39 phim tài liệu; 11 phim khoa học; 16 phim ngắn... Với số lượng các tác phẩm tham dự đông đảo, Cánh diều 2016 hứa hẹn sẽ tạo nên những cuộc chạy đua sôi động của nền điện ảnh Việt.
Và trăn trở phim truyện điện ảnh
Giải Cánh diều thời gian qua vẫn luôn tạo được sự chú ý đối với giới làm nghề cũng như khán giả với hạng mục quan trọng nhất phim truyện điện ảnh. Năm nay, hạng mục này có sự tham gia của 19 tác phẩm: Bao giờ có yêu nhau, Sút, Tấm cám chuyện chưa kể, Chạy đi rồi tính, Fan cuồng, Sài Gòn anh yêu em, Sứ mệnh trái tim, Chờ em đến ngày mai, 12 chòm sao: vẽ đường cho yêu chạy, Truy sát, Nàng tiên có năm nhà, Lộc phát, Bảo mẫu siêu quậy 2, Phim trường ma, Cao thủ ẩn danh, Tik Tak anh yêu em, Lục Vân Tiên - Tuyệt đỉnh Kungfu, Vệ sĩ Sài Gòn, Cha cõng con.
Qua danh sách trên có thể thấy một số bộ phim đã từng ra rạp và có chất lượng “thường thường bậc trung”, chủ yếu mang tính giải trí, hài là chủ yếu như Bảo mẫu siêu quậy 2, Lộc phát, Nàng tiên có năm nhà, Chạy đi rồi tính, Fan cuồng, 12 chòm sao: vẽ đường cho yêu chạy, Lục Vân Tiên - Tuyệt đỉnh Kungfu… Dù không đến mức nhảm, thảm họa song những bộ phim kể trên không tạo được điểm nhấn và dấu ấn trong lòng khán giả khi ra rạp. Phim chủ yếu hướng tới mặt doanh thu hơn là tạo ra một sản phẩm nghệ thuật có sức sống lâu bền với người xem.
Trong các bộ phim truyện điện ảnh còn lại của Cánh diều 2016, một số bộ phim chất lượng có thể chấp nhận được nhưng cũng không được đánh giá cao. Phim Sứ mệnh trái tim (đạo diễn Đức Thịnh) có những hình ảnh đẹp cùng nội dung tạo được cảm xúc với khán giả song lại có nhiều chi tiết thiếu logic, trang phục hiện đại của diễn viên tương phản với sự xơ xác, nghèo khó của cư dân trong bối cảnh chung. Phim cũng không thiếu các tình tiết khiên cưỡng như sự xuất hiện của một anh chàng béo nặng cả tạ trong quân ngũ để gây cười. Bên cạnh đó, Truy sát (đạo diễn Trương Ngọc Ánh) - một phim hành động Việt nhưng phần kỹ xảo và hậu kỳ của phim được thực hiện hầu hết ở nước ngoài, còn đa số diễn viên tham gia trong phim cũng là người Việt kiều. Nếu so sánh chất lượng võ thuật của Truy sát với các phim nước ngoài thì tác phẩm vẫn chưa có nhiều đường chuyển động đẹp mắt.
Tại hạng mục phim điện ảnh, nhiều người dự đoán sẽ là cuộc chạy đua giữa Tấm Cám - Chuyện chưa kể (đạo diễn Ngô Thanh Vân) với Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng). Phim của Ngô Thanh Vân lấy chất liệu từ câu chuyện cổ tích trong dân gian, bộ phim đã được thổi vào lớp vỏ cổ trang chút hơi thở hiện đại để trở thành một bộ phim hay và phù hợp với giới trẻ. Với Cha cõng con của Lương Đình Dũng, tác phẩm này đã có sức lan tỏa ở một số liên hoan phim quốc tế thời gian gần đây, quan trọng hơn, Cha cõng con là một câu chuyện dung dị nhưng thấm đẫm tinh thần nhân văn cao quý. Tình phụ tử đầy yêu thương được nâng cánh bằng ước mơ trong sáng trong trí tưởng tượng của trẻ thơ để chạm vào trái tim khán giả.