Cánh đại bàng trên đỉnh Trường Sơn

08-07-2011 11:31 | Xã hội
google news

Trong màu xanh tít tắp của cao su, cà phê với những thung lũng, con đường đất đỏ và bóng núi lừng lững uy nghiêm của Tây Nguyên đã có biết bao câu chuyện đượm lòng người. Chuyện về ông - cánh chim đại bàng trên đỉnh Trường Sơn

Trong màu xanh tít tắp của cao su, cà phê với những thung lũng, con đường đất đỏ và bóng núi lừng lững uy nghiêm của Tây Nguyên đã có biết bao câu chuyện đượm lòng người. Chuyện về ông - cánh chim đại bàng trên đỉnh Trường Sơn - như cổ tích hiện đại thấm đẫm chất lính hòa trong hồn cốt đất và người Tây Nguyên có nắng, có gió hú đại ngàn, có tiếng sóng reo trên những dòng sông chảy ngược về phía Tây cứ chạm vào nỗi nhớ những người dù chỉ một lần đến với Binh đoàn 15. Ông là Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang - Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Sau khi đi thực tế ở 3 công ty 72, 78, 732 nằm sát vùng biên của Binh đoàn 15, chúng tôi trở về Pleiku mới có dịp ngồi ăn một bữa với các anh trong Bộ Tư lệnh binh đoàn. Ngồi gần tôi là một “già làng” mắt sáng, giọng Quảng Bình nhẹ nhàng như lời “bật mí” của ai đó. Hóa ra “già làng” là tên thân mật của bà con Tây Nguyên đặt cho ông Thiếu tướng Tư lệnh đang mặc thường phục trước mặt tôi được anh em gọi riết thành quen. Bình dị đến thế ư, con người hai lần nhận danh hiệu anh hùng đang đứng đầu một đơn vị quân đội làm kinh tế trên dọc tuyến biên giới 210km từ Quảng Bình, qua Kon Tum đến tận Gia Lai. Thấy tôi ngạc nhiên, ông Thiếu tướng Tư lệnh kiêm Tổng giám đốc chỉ mủm mỉm cười.
 Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang.

Sáng tác kịch bản, văn chương là phải có nhân vật và đang mừng vì “vớ” được nhân vật có thật ngoài đời với nhiều chuyện lan truyền như huyền thoại thì “nhân vật” cứ cười kêu bận sau lời đề nghị tìm hiểu. Thôi thì đành thu thập kiểu du kích vậy.

Ông Sang quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình, năm 1969 chưa đầy 18 tuổi đã xin đi bộ đội và vào ngay chiến trường Bình Trị Thiên, có mặt ở cả chiến dịch “Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm”. Chiến tranh đầy vất vả hy sinh ai cũng biết nhưng cánh lính “ăn cơm Bắc đánh giặc Nam” ngày ấy quả là chịu nhiều ác liệt nhất bởi chưa nói đến đánh chác, cứ ra ra vào vào qua túi bom túi đạn suốt ngày đêm trên tuyến địa đầu ấy cũng không ít hy sinh. Anh lính Nguyễn Xuân Sang qua 3 năm chiến trận trở thành trung đội trưởng và được kết nạp ngay trên trận địa còn khét mùi thuốc súng hôm 20/10/1972.

Sau Hiệp định Paris, vùng giải phóng và vùng địch chiếm xen nhau như xôi đỗ và bên kia tranh thủ lấn chiếm. Lúc này, Sang chỉ huy đơn vị cắm cờ giữ đất. Khổ cho “B trưởng” Sang là trên không cho nổ súng trước nhưng phía bên kia cứ xông lên nhổ cờ ta ném xuống đất. Nói không xong, bắn không được, anh “B trưởng” chỉ còn cách xông lên, tay không quật ngã thằng địch cao to hơn mình. Vừa đấm đá vừa dạy dỗ rằng “uýnh nhau thì chúng mày không giữ được đâu. Đừng có hèn, lấn như đàn bà thế! Mày có cầm cờ của tao cắm lại như cũ không?”  Thằng địch cao to lủi thủi cắm lại cờ ta khiến bên kia xanh mắt. Chuyện đánh chửi của anh tưởng bị phê bình nào ngờ được trung đoàn biểu dương và lấy đó làm gương trước tư tưởng “hòa bình chủ nghĩa” xuất hiện trong một số cán bộ chiến sĩ.

Thiếu tướng - Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sang bắt đầu sự nghiệp từ đôi chân trần người lính, đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… Hỏi ông những bí quyết để làm nên sự nghiệp, ông chỉ cười: “Ngẫm ra tôi chả có tài cán gì, chẳng qua là ý chí anh em gộp lại” - “ Nhưng tập hợp được những trí lực thiên hạ gộp lại thành sức mạnh cũng là tài đấy chứ?”. Vị Thiếu tướng Tư lệnh bị dồn lại nhoẻn miệng cười hiền khô như đành phải chỉ ra bí quyết: “Chắc là cái tâm tôi gắn với mảnh đất này”.

Chiến tranh kết thúc, Nguyễn Xuân Sang được điều về Tây Nguyên sau khi học xong lớp huấn luyện ở Trường Quân chính Quân khu 5. Đời lính của ông từ đây bắt đầu gắn với núi Ngọc Linh cao vút, với những dòng sông chảy ngược về phía Tây như Pôcô, Sêrrêpốc, Đakbla… Những nhà rông hình lưỡi búa kiêu hãnh và tiếng cồng chiêng, tiếng đàn t’rưng, krôngput mang hồn khí Tây Nguyên bắt đầu ngấm trong từng mạch máu ông.

Năm 1985, Binh đoàn 15 được thành lập với nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh khiến Nguyễn Xuân Sang vui lắm. Xưa cụ Lê Lợi đánh giặc xong còn trả lại gươm để cầm cày bởi binh đao chỉ có thể giữ nước nhưng không thể làm nước giàu. Nước có giàu mới mạnh. Mạnh mới ngăn được những ý đồ dòm ngó, khỏi cần dụng đến binh đao.

Những ngày đầu đến Tây Nguyên đầy khó khăn. Chiến tranh vừa dứt, gạo không có mà ăn, anh em nhiều khi phải ăn quả bơ trừ bữa. Bên kia biên giới, bọn Pônpốt, Iêngxari luôn rình rập, khiêu khích. Ngay trên mảnh đất các anh đứng, lũ Fulrô ngóc đầu phá hoại. Khó khăn hơn là trăn trở trong chính mình khi tiếng súng dứt, những đồng đội được trở về trong mái ấm ngôi nhà quanh người thân nhưng cũng có người lại tiếp tục xốc ba lô lên đường như các anh đến vùng đất mới nhớ về Bắc đến nao lòng. Nguyễn Xuân Sang không phải không biết suy bì so sánh nhưng những lần xuống các bon làng, đêm về ông cứ ứa nước mắt ra tự hỏi: Đất Tây Nguyên một dải bazan trù phú thế, người Tây Nguyên cần cù thế lại là ân nhân nuôi giấu cán bộ trong kháng chiến vậy mà hòa bình rồi sao vẫn khổ vậy? Kỷ niệm những ngày đi đánh giặc được đồng bào che chở, nuôi nấng bằng những món măng le đắng ngâm chua, lá mì nấu lòng heo với cà đắng cứ ùa về. Những giọt nước mắt ngày ấy rửa sạch tâm hồn, là động lực khiến ông “ba cùng”, tự gắn đời mình với núi rừng và đồng bào Tây Nguyên. Người lính chẳng vô tình. Ông gắn trái tim mình với đại ngàn nhưng còn vợ con dưới quê? Mà đàn ông hình như anh nào cũng phải gắn với một “hậu phương” vững chắc mới yên tâm mà làm công việc của mình. Thế là Nguyễn Xuân Sang động viên năn nỉ, vận động vợ con lên rừng cùng ông. Bà Sang là người yêu chồng nhưng còn họ hàng nội ngoại, xóm giềng lời ra lời vào về cái sự “rừng thiêng nước độc”. Vả lại phụ nữ ngại thay đổi nên chuyện rủ được vợ lên Tây Nguyên kể cũng là một chiến công của ông. Hóa ra phẩm chất của người anh hùng không chỉ là những chiến công anh hùng mà còn là biết truyền  được ngọn lửa trong mình sang người khác. Đối với gia đình, với đồng đội, với binh đoàn ông chỉ huy, phẩm chất anh hùng trong ông luôn tỏa sáng.

Mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ hơn 30 năm qua đã in đậm dấu chân của Thiếu tướng, Tư lệnh Binh đoàn 15 kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty 15. Ông và anh em trong đơn vị luôn có “2 trong 1”. Lúc hòa bình thì là tổng giám đốc, tiến sĩ, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân của một tổng công ty vì sự giàu mạnh của Tổ quốc nhưng khi hữu sự thì tất cả trở thành binh đoàn chiến đấu để giữ gìn thành quả, bảo vệ an ninh, chủ quyền nơi miền biên ải.

30 năm ấy từ lúc còn là anh sĩ quan cấp úy đến lúc thành vị tướng đứng đầu một binh đoàn làm kinh tế, trái tim ông luôn đập cùng nhịp với bà con các dân tộc, bước chân ông luôn bước cùng nhân dân của mình. Người dân những vùng có Binh đoàn 15 đóng quân gọi ông là “già làng” và thuộc lòng công thức của ông là “Suối - Dân - Bộ đội”. Công thức đó theo thứ tự bắt đầu là suối, từ hai bên suối kéo dài 200m dành cho đồng bào gieo trồng sau đó mới tới phần bộ đội khai hoang ngược lên đồi, lên núi.

 Tư lệnh - Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang gặp gỡ và tặng quà bà con người dân tộc thiểu số ở địa phương.

Hôm chúng tôi về Công ty 78 đóng ở xã Morai (một xã rộng bằng cả tỉnh Thái Bình) nằm sát biên giới, gặp đồng bào, bà con bảo “bộ đội Sang, bộ đội binh đoàn tốt lắm, đã nhường cái phần đất tốt, nước tốt cho dân bon làng rồi. Mình được già làng Sang bảo cách làm ăn, đã tốt rồi, phải làm tốt hơn thôi”. Nhìn vùng B3 ác liệt của chiến trường xưa khó có thể tin rằng nơi đây từng chằng chịt hố bom, bãi mìn, là vùng đất khô cằn, cỏ úa xác xơ bởi chất độc hoá học do giặc Mỹ rải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Điều gì nhỉ khiến một miền đất chết chóc âm u này thành màu xanh kì diệu của hàng ngàn hécta cây cà phê, rừng cao su ngút ngàn với màu đất bazan đỏ au xen vào cứ bừng lên trong nắng mới. Có dạo, Công ty 78 khai hoang trồng cao su mà đồng bào không chịu vì con ma rừng thiêng lắm, không làm được đâu. Anh em nói thế nào đồng bào cũng không nghe. Cứ như ở đồng bằng thì ra quyết định rồi tập trung lực lượng cưỡng chế sẽ nhanh và gọn nhất nhưng vị tư lệnh không làm thế. Ông đi 170 cây số đến tận nơi, uống chung ché rượu, ngồi chung cái chiếu với bà con và bảo: “Bộ đội về khai hoang trồng cao su, cà phê, trồng rồi giao cho đồng bào chăm sóc, thu hoạch. Đất của đồng bào, cà phê cao su của đồng bào. Bộ đội cũng chẳng mang rừng đi nên con ma rừng không giận đâu”. Thế là xong và cho đến nay đồng bào dân tộc vào làm công nhân của binh đoàn không ít. Ông hiểu rằng, có mang lại cho đồng bào cuộc sống ấm no, được tin yêu thì đồng bào mới không bỏ mình. Những công nhân binh đoàn vừa có lương (trung bình 4 triệu/tháng) vừa tăng gia tự trồng cấy, chăn nuôi, đời sống khấm khá hơn nhiều.

Nhân dân và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên coi ông Sang như “già làng” thổi hồn vào mảnh đất đỏ bazan này. Trong mắt người dân, ông là hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” được dân tin tưởng và quý trọng. Binh đoàn của ông đã giúp cuộc sống người dân Tây Nguyên thay đổi từng ngày. Dân có công ăn việc làm, bỏ dần những hủ tục lạc hậu như du canh, du cư, trở về định canh, định cư ngay trên chính mảnh đất cha ông… Ông cùng đồng đội của mình tạo lập những khu dân cư, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo cho con em người lao động được học hành, ăn ở bán trú để công nhân và người lao động yên tâm đi làm không còn cảnh các bà mẹ, ông bố phải địu con lên nương lắt lay, dầm mưa giãi nắng như trước. Đường sá được mở mang, nhiều đường được rải nhựa, có điện sinh hoạt, nhà lợp ngói, có nước sạch, nơi ở hợp vệ sinh… Hằng năm, công nhân viên chức, người lao động được khám sức khỏe định kỳ và cấp phát thuốc miễn phí, ốm đau được quan tâm, chế độ chính sách ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện…

Chia tay Binh đoàn 15, chia tay ông “già làng” Nguyễn Xuân Sang, tôi bỗng nhớ và bỗng liên tưởng tới cánh đại bàng trên đỉnh Trường Sơn…

Lê Quý Hiền


Ý kiến của bạn