Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm số thí sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng chỉ chiếm chưa đến 30%, còn lại gần 70% thí sinh phải chấp nhận rời xa cánh cửa đại học... Điều đáng nói là sau mỗi kỳ thi đại học, công luận lại xôn xao về những vụ án đau lòng về cái chết của những thí sinh thi trượt. Cũng theo thống kê cho thấy, cứ sau mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng, có khoảng 2 - 3 vụ học sinh tự tử vì thi trượt. Bên cạnh đó, con số các bệnh nhân đến khám tâm thần vì sốc hay trầm cảm do trượt đại học cũng tăng đáng kể... Đằng sau những hành động nông nổi của các em còn ẩn chứa trong đó nhiều nguyên nhân.
Theo các chuyên gia tâm lý, sau kỳ thi đại học năm nào cũng có vài trường hợp không làm được bài mà tự tử. Ở đây, lý do đầu tiên phải thuộc về cá nhân mỗi em, các em tự chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình vì áp lực thì ai cũng bị, rất nhiều người được gia đình kỳ vọng, mong muốn nhưng các em không đáp ứng được mong muốn đó, tìm đến sự giải thoát bằng cái chết.
Vấn đề đặt ra là phải chăng đại học là con đường duy nhất để lập nghiệp? Chính vì tâm lý chung của nhiều bậc phụ huynh đã đặt nặng áp lực lớn đối với các thí sinh trong mỗi kỳ thi, thậm chí, nhiều bậc phụ huynh đặt mục tiêu cho con cái của mình không đúng với tầm, vượt quá khả năng của con cái. Để lấp đi cái “quá tầm” của con cái, nhiều bậc phụ huynh còn “treo” những giải thưởng về mặt vật chất như mua xe máy, đi du lịch... và nếu không đỗ thì bị dọa đủ thứ khiến các em bị ép vào áp lực rất lớn. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh chỉ chú tâm vào mục tiêu thi đỗ của con em mình mà quên mất vấn đề ăn uống, dinh dưỡng tốt đảm bảo sức khỏe và tâm lý cho các em, nhắc nhở các em ôn tập, thậm chí hướng dẫn các con phương pháp làm bài thi một cách khoa học... Chính những sự quan tâm vừa thừa, vừa thiếu của không ít bậc phụ huynh đã dẫn đến những hệ lụy buồn.
Trước thực trạng một số thí sinh tự tử sau mỗi kỳ thi đại học, các bậc phụ huynh cũng như các sĩ tử nên đặt ra các câu hỏi: Tại sao lại có những chuyện bi thảm như thế xảy ra? Có một điều chắc chắn đó là: Con đường đi đến thành công có nhiều cách và luôn rộng mở với những ai biết nỗ lực. Đại học không phải là con đường duy nhất để đến thành công vì trong thực tế có nhiều người không học đại học cũng thành công, vì thế gia đình và bản thân các em cần cân nhắc kỹ để lựa chọn một ngành học mà mình thấy phù hợp. Thi trượt đại học nhưng tương lai vẫn chờ đón các em ở phía trước với rất nhiều ngành nghề học khác mà xã hội đang rất cần.
Mai Lan