Là bác sĩ người dân tộc thiểu số, gắn bó với vùng cao biên giới Lào Cai, những năm qua, anh vượt qua nhiều khó khăn, đã thực hiện thành công hàng trăm ca mổ cột sống, thay khớp háng cho bệnh nhân - đây là một kỹ thuật khó mà ở những bệnh viện trung du, miền núi phía Bắc có nơi chưa thực hiện được. Anh cũng là tác giả của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. Anh là BS. Lù Tà Phìn - Trưởng khoa Ngoại - Chấn thương, Bệnh viện đa khoa (BVÐK) tỉnh Lào Cai. BS. Nông Tiến Cương - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai tự hào khẳng định, BS. Phìn xứng đáng là một trong những cánh chim đầu đàn của ngành y tế ở vùng cao biên giới “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”.
Bác sĩ có “ bàn tay vàng” và trái tim rộng mở
Kim đồng hồ điểm 13 giờ 45 phút. Hôm ấy, BVĐK tỉnh Lào Cai đón bệnh nhân là một thanh niên bị tai nạn lao động nghiêm trọng, gãy xương cột sống khiến hai chân bị tê liệt hoàn toàn. Nhìn người bệnh nằm liệt giường trong cơn đau đớn, BS. Lù Tà Phìn cũng cảm thấy như chính mình đang phải chịu đựng cơn đau như vậy. 14 giờ, các y - bác sĩ trong kíp mổ đã có mặt đầy đủ trong phòng với các dụng cụ cần thiết để tiến hành ca phẫu thuật phức tạp. Không gian phòng mổ như lặng im, chỉ nghe thấy tiếng tít... tít đều đều phát ra từ chiếc máy đo nhịp tim, nhịp thở của người bệnh.
Ánh đèn mổ màu vàng trên cao hắt xuống chỉ đủ soi sáng đúng vị trí phẫu thuật và hắt lên gương mặt đeo khẩu trang y tế để lộ ra ánh mắt chăm chú của BS. Lù Tà Phìn cùng bác sĩ phụ mổ. Tất cả đều đang tập trung cao độ từng giây một... Hơn một tiếng sau, ca mổ mới hoàn thành và bệnh nhân được chuyển sang phòng hồi sức.
Từ phòng mổ bước ra, nét mặt BS. Lù Tà Phìn đã bớt đi sự căng thẳng nhưng những giọt mồ hôi vẫn lấm tấm trên trán... Đây chỉ là một trong hàng trăm ca mổ cột sống phức tạp đã được BS. Phìn trực tiếp thực hiện thành công trong những năm qua mà không cần phải chuyển bệnh nhân về các bệnh viện tuyến Trung ương.
BS. Lù Tà Phìn (bên trái) thực hiện thành công nhiều ca mổ phức tạp.
BS. Lù Tà Phìn là người Nùng, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nấm Lư, huyện Mường Khương. Ngay từ nhỏ, chứng kiến cảnh đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao quê mình phải chịu nhiều nỗi đau đớn vì bệnh tật, anh đã mơ ước và quyết tâm học tập để trở thành bác sĩ, cứu giúp các bệnh nhân nghèo.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên, năm 1995, anh được nhận về công tác tại Khoa Ngoại, BVĐK số 1 tỉnh và giờ là Trưởng khoa Ngoại - Chấn thương, BVĐK tỉnh Lào Cai. Nhắc đến BS. Phìn là nhắc đến những ca mổ khó, đặc biệt là mổ cột sống, mổ thay khớp háng, mổ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và cổ, mổ tái tạo dây chằng khớp gối,... mà hiện nay ở nhiều bệnh viện các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc chưa thực hiện được. BS. Phìn chia sẻ: “Ca mổ cột sống đầu tiên tôi trực tiếp thực hiện cách đây đã 10 năm.
Ngày đó, trang - thiết bị chưa hiện đại như bây giờ nên phẫu thuật gặp nhiều khó khăn. Sau ca mổ, nhìn bệnh nhân hồi phục dần rồi có thể đi lại được chứ không nằm liệt giường đau đớn như khi nhập viện, ai cũng vui và xúc động.
Từ đó đến nay, tôi cùng các y, bác sĩ đã thực hiện thành công trên 200 ca mổ cột sống. Còn mổ thay khớp háng rất phức tạp, kể từ ca mổ thành công đầu tiên vào tháng 3/2012 đến nay, đã có hơn 90 ca mổ tốt đẹp.
Đặc biệt, trong năm 2016, tôi cùng các bác sĩ trong khoa đã thực hiện thành công trên 60 ca mổ nội soi tái tạo dây chằng khớp gối, mổ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và chấn thương cột sống cổ. Đó không phải công lao của riêng tôi, mà là nỗ lực chung của tất cả y, bác sĩ của bệnh viện” - BS. Phìn khẳng định.
Tôi theo chân BS. Phìn đi thăm bệnh nhân. Giọng hỏi han ân cần, nhẹ nhàng và gương mặt, nụ cười lúc nào cũng “hiền như đất” của anh từ lâu đã chiếm được tình cảm yêu mến của mọi người. Đang phục hồi dần sau ca phẫu thuật phức tạp, ông Lò Diếu Ngan, dân tộc Dao đỏ, 49 tuổi, nhà ở thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải, huyện Sa Pa cứ cầm tay BS. Phìn không muốn rời: “Hôm ấy, tôi đi chăn trâu không may bị ngã lăn xuống vực, bị chệch đốt sống cổ, phải nằm một chỗ, tay chân tê liệt, cấu không biết đau, không cầm được đũa ăn cơm. May có bác sĩ Phìn chữa trị, nên bây giờ chân tay tôi đã cử động được trở lại, tôi biết ơn BS. Phìn nhiều lắm!”.
Hơn 20 năm trong nghề, BS. Lù Tà Phìn có nhiều kỷ niệm vui buồn. Có kỷ niệm BS. Phìn nhớ mãi không quên. Đó là một lần cứu được cháu bé người Mông ở tận xã Pha Long, Mường Khương chuyển ra cấp cứu vì bị tắc ruột. Sau ca phẫu thuật, thấy mẹ cháu bé phải nhịn đói để nhường thức ăn cho con, thương quá, BS. Phìn liền bỏ tiền túi mua đồ ăn giúp hai mẹ con trong những ngày ở bệnh viện. Về sau, khi cháu nhỏ đã khỏi bệnh, bố cháu đi làm xa về tìm đến tận nhà BS. Phìn, dúi vào tay bác sĩ... 1kg gan lợn và 2kg giá đỗ, nghẹn ngào nói lời cảm ơn. Hôm đó, BS. Phìn mời bố cháu bé ở lại nhà mình ăn cơm. Bữa cơm canh đạm bạc nhưng gần gũi và đầy tình cảm... Đến nay, BS. Phìn cũng không nhớ mình đã cứu được bao nhiêu bệnh nhân, nhưng mỗi ca mổ thành công, anh lại thấy lòng nhẹ nhõm như trút được gánh nặng, vui thay niềm vui của người bệnh. Nhưng cũng có những ca bệnh hiểm nghèo, dù đã hết sức cố gắng đến tận khi tia hi vọng cuối cùng vụt tắt, anh cảm thấy như mình bất lực trước sự ra đi của người bệnh, suốt đêm không ngủ được...
Miệt mài nghiên cứu khoa học
Gặp BS. Lù Tà Phìn, tôi không chỉ cảm nhận ở anh sự gần gũi, cởi mở, mà còn có cả sự điềm tĩnh nhưng không ít suy tư, trăn trở của người làm nghiên cứu khoa học. Mặc dù rất bận rộn với công việc khám, chữa bệnh, nhiều năm qua anh vẫn lặng lẽ, miệt mài với những đề tài nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện. Nhắc đến BS. Lù Tà Phìn, nhiều người nhớ ngay đến những đề tài nghiên cứu khoa học do anh làm chủ nhiệm từ lâu như: “Đánh giá kết quả gãy trên lồi cầu xương cánh tay bằng phương pháp bó bột tại BVĐK số I” đã được báo cáo trong Hội nghị Chấn thương chỉnh hình toàn quốc lần thứ Nhất năm 2000; “Áp dụng điều trị gãy xương kín chân tay bằng phương pháp phẫu thuật tại BVĐK số I” được Hội đồng khoa học Sở Y tế Lào Cai nghiệm thu năm 2004... Cách đây 4 năm, tại Hội thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật tỉnh Lào Cai lần thứ 2 năm 2012, BS. Lù Tà Phìn lên trình bày sáng kiến “Tạo khung giá đỡ khoeo chân trong phẫu thuật kết hợp xương chi dưới bằng đinh nội tủy có chốt tại BVĐK số I”. Sáng kiến này mang tính ứng dụng cao và đã giành giải B của hội thi, ngoài ra năm đó anh còn được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Cùng thời gian ấy, anh tích cực tham gia nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước: Nghiên cứu ứng dụng quy trình chẩn đoán và điều trị một số bệnh ngoại khoa đường tiêu hóa thường gặp cho các tỉnh biên giới, miền núi, phía Bắc”.
BS. Phìn kiểm tra sức khỏe bệnh nhân sau ca mổ trật đốt sống cổ.
Không dừng lại ở đó, mỗi năm, BS. Lù Tà Phìn lại tiếp tục đào sâu nghiên cứu những đề tài khoa học, sáng kiến mới. Tôi không phải người trong ngành y, hiểu biết về y học cũng hạn chế, chỉ đọc tên những đề tài của anh đã hoa cả mắt vì toàn thấy xương khớp, cẳng tay, cẳng chân, hộp sọ, bó bột, phẫu thuật...Niềm đam mê nghiên cứu khoa học dường như khiến anh không biết mệt mỏi. Từ năm 2014 đến nay, BS. Phìn thực hiện liên tục các đề tài nghiên cứu gồm: “Đánh giá kết quả bước đầu tạo hình khuyết sọ tại BVĐK số I từ tháng 1/2009 - 12/2012”; “Nghiên cứu kết quả phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo (bán phần và toàn phần) tại BVĐK tỉnh”; “Nhận xét kết quả phẫu thuật che phủ khuyết hổng phần mềm bằng phương pháp ghép da, chuyển vạt tại BVĐK tỉnh Lào Cai từ 1/7/2015 đến 30/7/2016”. Hiện nay, anh đang tham gia nghiên cứu đề tài “Nhận xét kết quả phẫu thuật chấn thương cột sống lưng và thắt lưng bằng khung cố định RSS tại BVĐK tỉnh Lào Cai từ 1/2016 - 31/12/2017”.
Với một người chuyên tâm nghiên cứu khoa học thì công việc nghiên cứu cũng đã rất đau đầu, tốn nhiều thời gian và công sức, với một bác sĩ, ngày đêm phải xoay như chong chóng với những ca mổ, chẳng mấy khi được nghỉ ngơi thì cộng thêm cả việc nghiên cứu khoa học sẽ tạo thành một núi công việc, áp lực vô cùng lớn. Tôi không hiểu tại sao bao nhiêu năm qua BS. Lù Tà Phìn vẫn lặng lẽ hi sinh thời gian, dồn hết tâm sức, trí tuệ vào việc đó. Những đêm không phải trực ở bệnh viện, anh có thể ngủ một giấc thật ngon, nhưng thay vào đó lại thức đến tận khuya để đọc tài liệu, suy ngẫm nghiên cứu đề tài, trong đầu lúc nào cũng hiện hữu những hình ảnh về bệnh nhân, về vấn đề y học. Ngày nghỉ cuối tuần, anh có thể nghỉ ngơi, đi chơi cùng gia đình, nhưng lại bỏ thành phố lên tận Bắc Hà, Si Ma Cai để thăm nom, theo dõi bệnh nhân, hoàn thiện kết quả nghiên cứu…
- Điều gì đã thôi thúc anh phải vất vả như vậy? Tôi hỏi.
BS. Lù Tà Phìn chia sẻ: Nghiên cứu khoa học giúp tôi tổng hợp, đánh giá và đúc rút ra các kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị. Qua nghiên cứu tôi có cơ hội so sánh kết quả điều trị của bản thân với các nghiên cứu của các tác giả khác, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục tồn tại trong lĩnh vực ngoại chấn thương. Đây cũng là cơ hội để tôi tìm hiểu, học hỏi thêm trong sách vở và đồng nghiệp, để ngày một nâng cao trình độ, năng lực, kinh nghiệm cho bản thân. Chính mong muốn cứu giúp người bệnh khỏi những nỗi đau, nhất là đối với những bệnh nhân nghèo người dân tộc thiểu số ở vùng cao đã thôi thúc tôi phải nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa, không cho phép mình dừng lại, dù chỉ một ngày.
Với những nỗ lực không ngừng đóng góp cho ngành y tế, trong những năm qua, BS. Lù Tà Phìn đã được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen, tiêu biểu như 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 2 Bằng khen của Bộ Y tế, nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, Sở Y tế Lào Cai.