Cánh chim đầu đàn của phòng can thiệp tim mạch Tuyên Quang

09-12-2020 13:18 | Y tế
google news

SKĐS - Sinh ra lớn lên và học tập ở Thái Nguyên thế nhưng Bs. Phạm Ngọc Tân - Phó trưởng Khoa Nội - Tim mạch, trưởng đơn vị Can thiệp tim mạch, BVĐK tỉnh Tuyên Quang lại bén duyên với đất và người xứ Tuyên. Để rồi từ đó anh yêu mến và gắn bó với mảnh đất xinh đẹp nhưng còn nhiều khó khăn này.

Mong muốn góp chút sức nhỏ bé để bệnh nhân bớt khổ

Năm 2007, sau khi tốt nghiệp bác sĩ trường Đại học Y Dược Thái Nguyên theo chính sách chiêu mộ bác sĩ giỏi của tỉnh Tuyên Quang anh đã chọn nơi đây là bến đỗ.

Bs. Tân cho biết, khi được tiếp nhận vào làm việc tại BVĐK  Tuyên Quang anh được phân công làm bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, sau đó tách khoa anh được bổ nhiệm làm Phó trưởng khoa Cấp cứu, BVĐK tỉnh. Có lẽ, từ hai chuyên ngành này đã chắp nối để anh bén duyên với bác sĩ về tim mạch can thiệp.

BS. Tân kể lại, khi còn làm bác sĩ ở khoa Cấp cứu hàng ngày anh và các đồng nghiệp đã gặp nhiều mặt bệnh khác nhau, đa dang các loại chấn thương phải đưa vào cấp cứu. Thế nhưng, số lượng lớn bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch vào viện vì suy tim, nhồi máu cơ tim, tắc mạch vành, có những bệnh nhân ra đi ngay trên tay bác sĩ  mà các anh cũng đành phải bó tay bất lực.

Hình ảnh  về những người dân lam lũ từ các xã nghèo lên BV tỉnh để khám bệnh và khi biết bệnh nặng phải đi Hà Nội khám họ từ chối và  chấp nhận số phận cứ ám ảnh anh.

BS Tân(phải) đang thực hiện ca can thiệp tim mạch cho bệnh nhân

Làm sao để những người dân nghèo nơi đây khi mắc bệnh lý tim mạch không phải đi Hà Nội để chữa. Làm sao để họ xuống BV tỉnh là được điều trị ngay bệnh bằng kỹ thuật tốt nhất…là điều mà Bs Tân luôn trăn trở.

“Tôi rất băn khoăn và thường suy nghĩ  nhiều bệnh nhân đến khám bệnh, chúng tôi phát hiện tình trạnh bệnh nguy kịch cần phải chuyển lên Hà Nội mới có cơ hội được sống. Thế nhưng, nhiều người trong số họ cả đời chỉ quanh quẩn trong các bản làng ra đến BV tỉnh đã là một kỳ tích thì biết đến Hà Nội ở chốn nào?. Có người chưa chưa từng biết Hà Nội là như thế nào?. Nên khi bác sĩ nói phải chuyển lên Hà Nội là điều rất khó với họ. Nhiều người đã từ chối và trở về nhà chấp nhận số phận…Chính những điều này và thực trạng về các bệnh nhân tim mạch ở đây đã thôi thúc bản thân tôi phải đi học câng cao hơn nữa để góp phần nhỏ bé của mình để giúp đỡ bà con.”, BS Tân nói.

Người đầu tiên đưa kỹ thuật Can thiệp tim mạch thực hiện tại  Tuyên Quang

Suy nghĩ là hành động, Bs Tân đã mạnh dạn đề xuất Ban giám đốc, được Ban giám đốc, nhất là đồng chí Giám đốc bệnh viện bác sĩ chuyên khoa II Phạm Quang Thanh tạo điều kiện, cổ vũ động viên và cử  đi học cao học về tim mạch. Sau khi tốt nghiệp trở về BV công tác, có kiến thức có kỹ năng trong tay, Bs Tân đã giúp nhiều bệnh nhân ở địa phương phát hiện sớm, hướng dẫn, tư vấn kịp thời để họ tránh khỏi những biến chứng nguy hiểm về tim mạch như nhồi máu cơ tim,...

Mặc dù đã hỗ trợ giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân nhưng nhiều ca bệnh đòi hỏi can thiệp ngay thì lại đành bó tay vì chưa có kỹ thuật, chưa có máy móc và nhân lực. Sau đó, bs Tân tiếp tục học đi học thêm Can thiệp tim mạch - quyết tâm đưa kỹ thuật cao về với người dân miền núi. Để người dân được thụ hưởng kỹ thuật tiên tiến ngay tại quê hương mình.  Với quyết định này, BS Tân trở thành người đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đưa  kỹ thuật can thiệp tim mạch về với người dân trong tỉnh….

Ngày 20/6, phòng can thiệp tim mạch thuộc Khoa Nội - Tim mạch chính thức khai trương và đi vào hoạt động. Sau bao nhiêu ngày mong chờ, người dân của tỉnh Tuyên Quang đã được thực hiện Can thiệp tim mạch ngay tại quê nhà.

Phòng Can thiệp tim mạch, BVĐK tỉnh Tuyên Quang được trang bị kỹ thuật rất hiện đại

Việc ra đời một phòng Can thiệp tim mạch tại Tuyên Quang có ý nghĩa vô cùng to lớn với người dân nơi đây. Bởi, nó không chỉ giúp người dân khi có bệnh lý tim mạch cần can thiệp không phải đi xa mà góp phần giảm tải gánh nặng về kinh tế cho người dân. Từ đây, những người dân nghèo không phải lo âu thấp thỏm thậm chí phó mặc số phận mỗi khi nghe bác sĩ bảo phải xuống Hà Nội nhưng lại không thể đi vì không có tiền nữa. Những người cần phải cấp cứu khi sốc tim, ngừng tim cũng không còn sợ không kịp thời gian vàng mà “đứt gánh” giữa đường…

Đến nay chỉ sau hơn 7 tháng đi vào hoạt đông phòng Can thiệp tim mạch, BVĐK tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện thành công 190 ca can thiệp, trong đó thực hiện 6 ca cấp cứu thành công trên các bệnh nhân ngừng tim, suy tim đòi hỏi phải can thiệp ngay. Nếu là trước đây với những ca bệnh này sẽ phải chuyển xuống Hà Nội thì giờ đây điều đó không còn là mối bận tâm nữa.

Khi kể về ca bệnh đáng nhớ nhất với bản thân mình, Bs. Tân chia sẻ, không chỉ anh mà cả Ban giám đốc và ekip các bác sĩ khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực có lẽ cũng chẳng thể quên được bệnh nhân này. Đó là nam bệnh nhân mới 36 tuổi bị nhồi máu cơ tim. Chỉ sau cơn đau ngực dữ dội khoảng 30 phút bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ngưng tim. Các bác sĩ khoa Cấp cứu đã phải sốc điện để tìm lại nhịp tim cho bệnh nhân và nhanh chóng mời bác sĩ tim mạch hội chẩn. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, BS Tân cùng các đồng nghiệp đã xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp cần phải can thiệp ngay mới có cơ hội giữ lại mạng sống. Thế nhưng, ngặt lỗi khi bệnh nhân đến viện lại chưa liên hệ được với người nhà.

Thời gian không thể kéo dài nếu đợi người nhà đến thì nguy cơ bệnh nhân tử vong rất cao. Trong khi bệnh nhân mới 36 tuổi còn rất trẻ. Vì thế sau khi hội chẩn nhanh và được chỉ đạo sát sao của Ban giám đốc Bệnh viện cùng sự phối hợp nhịp nhàng của các khoa phòng liên quan, BS. Tân quyết định đặt stent mạch vành để cứu bệnh nhân. Trong quá trình can thiệp, bệnh nhân lại xuất hiện cơn ngừng tim. Nhưng may mắn là ca can thiệp diễn ra thành công.  Sau đó người nhà bệnh nhân đến kịp và bệnh nhân đã thoát cửa tử một cách ngoạn mục.

Có lẽ, với các địa phương khác việc khai trương một phòng Can thiệp tim mạch không có gì là to tát, thế nhưng với Tuyên Quang một tỉnh còn nghèo với phần đa là đồng bào dân tộc kinh tế còn khó khăn thì mỗi một kỹ thuật mới được ứng dụng nơi đây là bớt thêm một lo âu về kinh tế với người dân. Và cũng có lẽ phải làm việc và tiếp xúc rất nhiều thì bác sĩ Tân cũng như các y bác sĩ ở bệnh viện miền núi này mới thấu hiểu hơn hết những khó khăn những nhọc nhằn của bà con. Điều đó thôi thúc họ không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ để làm tốt nhiệm vụ của mình.


H.Nguyên
Ý kiến của bạn