Ông cũng không biết mình đã khóc từ bao giờ. Trên khuôn mặt sạm đen, hốc hác, nước mắt cứ đọng lại trong hai hốc mắt sâu hoắm, nó chỉ đợi ông cúi đầu xuống là lại chảy dàn, ướt nhèm cả hai má. Ông lẩm bẩm nhưng tôi vẫn nghe rõ: "Cha mẹ sinh con giời sinh tính, chứ tôi có bao giờ dạy chúng nó những điều như thế này đâu".
Tôi gặp ông trước cửa ga Hà Nội, trong lúc chờ đưa người nhà vào chuyến tàu đi về Yên Bái, ấn tượng mà tôi chú ý đến ông già ăn mặc rách rưới và đen nhẻm là thỉnh thoảng người đàn ông đó run rẩy lôi trong túi cũ bên mình ra tấm ảnh cũng đã ố để nhìn. Điều đó càng thôi thúc tính tò mò nơi tôi. Cả đến khi tôi tiến đến gần, ông lão mắt vẫn không rời tấm ảnh, rụt rè tôi hỏi: “Ông ở đâu, ông tên gì?”. Đến lúc này, người đàn ông mới ngẩng đầu lên, có lẽ đã lâu lắm rồi không có ai nói chuyện nên khi tôi hỏi lại lần thứ hai, ông lão hành khất ngẩng lên nhìn tôi với ánh mắt nửa dò xét, nửa đau khổ rồi giọng khàn khàn nói khẽ: “Tôi ở xa lắm...”. Nói đến đây thì mưa ở đâu trút xuống ầm ầm. Mới lúc trước trời chỉ xâm xẩm mà mưa đến nhanh thật, mưa ào ào như bức tường âm thanh ngăn giữa câu chuyện của chúng tôi. Thấy tôi ngồi lại gần, người đàn ông với gương mặt khắc khổ ấy mới khẽ khàng tiếp: “Tôi tên Phận, số phận ấy”. Dường như sợ tôi không nghe rõ nên ông nói thêm. Qua câu chuyện đứt quãng với ông, tôi biết ông từ tận Lạng Sơn về, nhà ông trước đây cũng dư dả vì ông khi còn sức thì chạy buôn bán ở các chợ ven biên. Nhưng từ khi hai đứa con ông sa vào con đường nghiện ngập thì của nả cũng lần lượt đội nón ra đi. Rồi lần lượt cả hai đứa đều lấy vợ, đứa thứ nhất lấy được cô vợ cũng buôn bán nên kinh tế cũng không đến nỗi nào. Tuy nhiên sau một thời gian ở với vợ chồng đứa thứ nhất, ông không chịu nổi với những lời chì chiết của cô con dâu về sự ăn bám của ông và cậu con cả nên ông về ở với cậu thứ hai. Khổ nỗi hai vợ chồng nó không công ăn việc làm, suốt ngày chỉ chăm chăm đi cờ bạc. Có hôm chúng bỏ đói ông cả ngày chỉ vì ham hố mấy trò đỏ đen, rồi dần dần hết tiền, chúng bỏ đói ông luôn. Đến một ngày, ông cảm thấy không thể tồn tại ở ngôi nhà này nữa, cũng trong một đêm mưa gió, đói, rét, ông lặng lẽ ra khỏi nhà với cuộc đời hành khất từ đấy. Kể đến đây, gương mặt nhăn nheo của ông nhướn lên để lộ đôi mắt mờ đục. Ông buồn lắm, những tưởng mình ra đi, các con sẽ hối lại đi tìm ông về nhưng ông nhầm, một ngày, hai ngày trôi qua, thậm chí cả một tuần ông vẫn quanh quẩn ở gần nhà, nhưng một tháng sau thì ông không còn hy vọng gì nữa. Ông đã lang thang nhiều nơi và cuối cùng về đây. Tôi hỏi: "Tại sao cụ không vào trung tâm bảo trợ xã hội mà lại nằm đây?" Ông Phận bảo: "Hình như” không phải bất cứ người già nào cũng được vào đâu anh ạ! Và “hình như” phải có hồ sơ được địa phương xác nhận là nhà có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Nhưng một điều chắc chắn là ông không muốn vào đó, ông vẫn đợi con cái chúng hồi tâm mà tìm đón ông về.
![]() Bữa cơm đạm bạc của những người già bán vé số dạo. |
Kể đến đây, ông bỗng ngừng lại nhìn tôi. Có lẽ lâu lắm rồi mới có người nghe chuyện của ông một cách nghiêm túc. Ông lẩm bẩm nhưng tôi vẫn nghe rõ: "Cha mẹ sinh con giời sinh tính, chứ tôi có bao giờ dạy chúng nó những điều như thế này đâu".
Cơn mưa mùa hạ đổ xuống kéo dài hơn tiếng đồng hồ chưa dứt, tôi cùng ông Phận vào trú dưới mái hiên nhà ga. Trời cũng đã xẩm tối, từng hạt mưa to tướng vẫn lòng thòng rớt xuống đất. Trời mưa to quá. Hơi nóng hầm hập ban trưa giờ được cơn mưa làm dịu đi nhiều. Có lẽ mưa lâu quá nên ông Phận đã nặng nề đứng dậy, biết ông đi, tôi chỉ kịp dúi vào túi ông vài tờ bạc lẻ. Cả khuôn mặt ông một lần nữa chỉ có ánh mắt nhướn lên nhìn tôi như thay lời cảm ơn. Rồi ông bước xuống đi lẫn vào mưa, bóng ông liêu xiêu trong mưa, trong gió...
Ngay ở mái hiên bên cạnh, một cụ bà cũng đã ngồi dậy chăm chú nghe câu chuyện. Qua lời bà chủ quán nước chè cạnh đấy, tôi được biết cụ bà này cũng là một nạn nhân của sự ngược đãi của con cái với cha mẹ. Đến ngay cả bà chủ quán ở đấy suốt ngày cũng không biết tên bà là gì, chỉ biết quê bà ở Hưng Yên. Mọi người ở đây quen gọi là Cụ bà. Cụ bà sinh được hai người con trai, chồng mất sớm, bà đã tần tảo để nuôi cho hai người con trưởng thành rồi dựng vợ cho chúng...
Đến bây giờ cứ tối tối bà lại ngồi lẩm bẩm như người ta cầu kinh trước khi ăn: “Không biết, kiếp trước tôi làm gì mà kiếp này khổ thế”. Chuyện của bà nghe chừng cũng bất hạnh không kém gì ông Phận. Ngay từ đầu bà đã không sống được với người con cả. Người con thứ hai thì thương bà hơn, nhưng chút tình thương ấy không đủ để át đi những lời chì chiết mẹ chồng của cô vợ.
Dần dần, lâu ngày ông con này cũng thấy vợ nói đúng: “Bà chẳng làm được gì, chỉ ăn rồi lại ngồi lê đôi mách với hàng xóm để nói xấu chúng các tội như: “từ hôm qua bà chưa được ăn gì”, hay chuyện “chúng không cho bà bật quạt vì sợ tốn điện”...
Bà giận lắm, bà doạ bỏ đi. Nhưng anh con trai đã nói với bà như thế này: “Bà ạ, đáng nhẽ ra bà phải sống với bác cả. Nhưng bác cả thì sợ vợ mà con bây giờ cũng khó khăn phải phụ thuộc vào vợ con hết nên... tùy bà”. Bà lặng người, nhưng bà thương thằng cu Tũn. Cái thằng bé đến lạ, mỗi lần bố mẹ nó nhiếc móc bà là nó lại ôm chặt lấy bà mà thủ thỉ: “Bà ơi, bao giờ cháu lớn cháu sẽ mua cho bà thật nhiều kẹo bà nhá”. Nếu đi thì bà nhớ nó lắm.
Tối hôm ấy, bà phải xin mãi mẹ cu Tũn mới cho nó ngủ với bà. Trong cơn mơ nó bỗng thấy bà nội nó ngắm nó thật lâu. Từng vệt nước mắt nóng hổi chảy dài trên má nó, rồi bàn thờ ông nội thơm phức mùi hương... Bà rón rén nhìn lại quê hương lần cuối rồi đón xe đi về Hà Nội. Hôm trước bà nghe đài, thấy người ta nói ở đó cũng có nhiều người già lang thang lắm.
Các cụ cứ ngày đi, đêm lại về lại tìm một chốn nghỉ trước cổng chùa. Ngay trên đầu là bốn chữ to tướng: “Từ bi hỉ xả”. Các cụ cứ ngồi đấy, lòng không dạ dốc mà nhìn dòng đời qua lại...
Cho đến một ngày gần đây, những dòng tin tôi chợt đọc được trên báo khiến tôi giật mình. “Có một cụ ông trong lúc đi xin ăn đã bị xe cán chết. Cụ không có giấy tờ mang theo nên đã được đem đi chôn theo diện vô thừa nhận”. Đọc xong, tôi bàng hoàng bỏ dở công việc để đi qua nhà ga nơi các cụ vẫn thường lang thang. Nhưng cả hai cụ đã không còn ở đấy nữa. Cụ Phận ơi! Cụ bà ơi! Thực tình tôi luôn mong muốn và hy vọng hai cụ đã chuyển đi nơi khác. Cầu mong là như thế, không biết giờ này hai cánh chim chiều lại đang phiêu dạt nơi đâu?!
Minh Trọng