Canh cánh nỗi lo ngộ độc nấm

18-04-2013 14:16 | Thời sự
google news

Những cơn mưa đầu mùa khiến nấm rừng phát triển nhanh, mạnh. Nhiều đồng bào ở vùng sâu, vùng xa tranh thủ lúc nông nhàn vào rừng hái nấm về sử dụng và đem bán tăng thêm thu nhập.

Những cơn mưa đầu mùa khiến nấm rừng phát triển nhanh, mạnh. Nhiều đồng bào ở vùng sâu, vùng xa tranh thủ lúc nông nhàn vào rừng hái nấm về sử dụng và đem bán tăng thêm thu nhập. Nấm là món ăn giàu chất dinh dưỡng... song người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng, tránh mua nhầm nấm độc có thể gây tử vong ngay sau khi sử dụng.

Dạo quanh các chợ trên địa bàn thị xã như chợ Xép phường Đoàn Kết, San Thàng, chợ tái định cư ở thị xã Lai Châu, chúng tôi nhận thấy nhiều người mang nấm rừng về bán. Nấm rừng có hương vị thơm, ngọt hơn so với nấm trồng nên dù giá có cao từ 80 - 150.000 đồng/1kg thì người tiêu dùng vẫn ưa chuộng, lựa chọn. Chính vì vậy, nấm rừng được đem xuống chợ chỉ mất chừng 30 phút đến 1 giờ đồng hồ là tiêu thụ hết. Chị Giàng Thị Chu ở xã Sùng Phài, huyện Tam Đường, Lai Châu cho biết: “Tranh thủ những ngày mưa, mình cùng các con vào rừng hái nấm. Ngày ít được 3 - 4kg, ngày nhiều thì 7 - 8kg”.
Canh cánh nỗi lo ngộ độc nấm 1
 Mua bán nấm rừng, chuyện thường thấy ở nhiều địa phương.

BS. Nguyễn Công Huấn - Giám đốc Sở Y tế Lai Châu cảnh báo, thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã nỗ lực vào cuộc song công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, tình hình ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên, đặc biệt là do ngộ độc nấm rừng. Từ năm 2005 - 2012, trên địa bàn tỉnh Lai Châu xảy ra 22 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 269 người mắc. Trong đó có 12 vụ ngộ độc nấm, với người mắc 62 người và tử vong 11 người. Vì vậy, ngoài tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế thì chính người sử dụng cần nâng cao cảnh giác, tránh sử dụng nhầm nấm độc, gây thiệt hại đến tính mạng con người.

Theo điều tra của các nhà khoa học thuộc Học viện Quân y tại 22 xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã phát hiện 10 loài nấm độc, trong đó có 5 loài mang độc tố mạnh, có màu trắng hình nón, nấm mũ khía nâu xám. Qua đó, các nhà khoa học cũng đã sản xuất và cung cấp hộp thử phát hiện nhanh nấm độc có amatoxin - độc tố gây chết người. Kết quả của đề tài nghiên cứu về nấm độc trên của tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Học viện Quân y vừa công bố đầu tháng 3/2013 cho thấy, nấm độc mọc nhiều vào các tháng 3, 4, 6, 12 và đây cũng là thời điểm xảy ra các vụ ngộ độc nấm. Hầu hết các triệu chứng ngộ độc ban đầu là rối loạn tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy), rối loạn hô hấp (khó thở) gây ra những hậu quả khôn lường, có thể dẫn đến chết người. Thống kê của ngành y tế Bắc Kạn cho thấy, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 28 vụ ngộ độc nấm làm 94 người mắc, trong đó có 14 người tử vong, số còn lại tuy được cứu sống nhưng mang những di chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ở xã Sĩ Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn có vụ ngộ độc nấm làm chết cả một gia đình; ở xã Kim Lư, huyện Na Rì, người dân chưa quên một vụ ngộ độc nấm cũng gần như “xóa sổ” một gia đình. Ăn phải nấm độc, nếu như được cứu sống, ngoài việc mang di chứng suốt đời, gia đình cũng trở nên “khuynh gia bại sản” trong quá trình điều trị.

Bài và ảnh: Thế Hải

Nấm độc thường có nhiều màu sắc khác nhau, một số loại nấm độc có màu sắc rất bắt mắt và sặc sỡ. Những nơi ẩm ướt và bị ô nhiễm là nơi trú ngụ của nấm độc. Trong nấm độc có chứa nhiều nước và nước có màu trắng đục giống như sữa bò. Rễ của nấm độc có khuynh hướng thay đổi màu sắc khi chế biến trong vật dụng bằng bạc, nấm độc có thể biến vật dụng thành màu đen. Nếu ăn trúng nấm độc, ở mức độ nhẹ sẽ bị nôn mửa, toàn thần mệt mỏi, đi tiêu nhiều lần trong ngày. Ở mức độ nặng có thể trụy tim mạch hoặc tử vong.


Ý kiến của bạn