Hà Nội

Canh cánh nỗi lo “đứt mạch sóng” trong đại dịch COVID-19

29-04-2020 17:11 | Xã hội
google news

SKĐS - Đó là tâm trạng chung của các cán bộ truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong những ngày mà cả nước cùng chung tay phòng chống dịch COVID-19. Bởi họ hiểu rằng, thời điểm này, việc truyền tải thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến tình hình dịch bệnh, tránh tâm lý chủ quan và hoang mang có vai trò hết sức quan trọng.

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin truyền thông, ở một số khu vực thành thị, hệ thống loa truyền thanh cơ sở đã trở nên lạc hậu và không còn phù hợp. Nhưng đối với các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa thì hệ thống loa truyền thanh cơ sở vẫn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, là kênh thông tin chính thống, góp phần thúc đẩy đời sống văn hóa, tinh thần, phát triển kinh tế của nhân dân.

Chúng tôi về thăm 2 xã miền núi Trung Sơn (huyện Yên Lập) và xã Văn Luông (huyện Tân Sơn) trong những ngày thực hiện giãn cách do dịch COVID-19. Tiếng loa phát thanh vang vọng tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Y tế, của tỉnh, huyện về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 khiến người dân chăm chú lắng nghe.

Tuyên truyền công tác phòng chống dịch bằng “sóng” của… xe máy

Trung Sơn là một xã miền núi vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Yên Lập. Với địa hình phức tạp, đời sống người dân trong xã còn rất nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, mùa giáp hạt vẫn còn tình trạng thiếu đói. Do đó, việc tiếp nhận thông tin qua hệ thống phát thanh cơ sở là hình thức phù hợp nhất.

Trao đổi với PV, ông Hà Văn Quý – Trưởng đài Truyền thanh huyện Yên Lập cho biết: Ngoài địa hình phức tạp thì xã Trung Sơn hiện có 2 khu dân cư chưa có điện lưới nên việc tiếp cận thông tin còn nhiều khó khăn. Chúng tôi phải cử cán bộ truyền thanh xã đi phát loa di động bằng xe máy đến bà con nơi đây.

Ở những nơi không có sóng, cán bộ truyền thanh xã phải dùng loa kèm theo âm li với nguồn điện sử dụng từ ắc-quy xe máy để đi tuyên truyền phòng chống dịch.

Hiện nay, Đài Truyền thanh huyện đang sử dụng hệ thống truyền thanh không dây FM loại 50W nên sóng FM không tới, sóng của đài huyện cũng không tới được với dân. Do đó, sóng phát thanh và truyền hình của tỉnh đều phải thu qua vệ tinh. Đài huyện muốn truyền tải thông tin về xã thì chỉ có cách gửi file âm thanh qua email, từ đó Đài xã sẽ tải về để đi phát trên loa.

Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Đài Truyền thanh huyện luôn có sự phối kết hợp với Trung tâm y tế và Phòng y tế huyện Yên Lập để cập nhật những thông tin, hướng dẫn một cách nhanh chóng và chính xác nhất. Phòng y tế huyện thường xuyên cập nhật quy định, văn bản của cấp trên truyền tải về cho đài để sản xuất và gửi các xã để tuyên truyền về dịch bệnh hằng ngày cho bà con.

“Ngoài ra, cùng với công an huyện, chúng tôi đã xử lý kịp thời những trường hợp tung tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn huyện”, ông Quý cho biết thêm.

Đài Truyền thanh kết hợp cùng Đoàn Thanh niên xã dùng loa được gắn vào xe máy để đi tuyên truyền.

Bà Hà Thị Hơn (ở Khu Nai, xã Trung Sơn) chia sẻ: Nhờ có hệ thống loa truyền thanh mà bà con chúng tôi được tiếp cận thông tin hằng ngày. Ở nhà hay đi làm cũng đều có thể nắm được thông tin thời sự của địa phương cũng như trong nước. Thông tin trên loa phát ra dễ hiểu, gần gũi và bổ ích với người dân miền núi chúng tôi. Đặc biệt, từ khi dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện tới nay, nhờ hệ thống loa truyền thanh phát đi phát lại nhiều lần những thông tin cảnh báo và các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bà con trong xã luôn nắm được và đã thực hiện theo khuyến cáo của chính quyền đưa ra, không để dịch bệnh lây lan.

Là một cán bộ Đài Truyền thanh xã Trung Sơn đã gắn bó với nghề truyền thanh của xã hơn 7 năm nay, từ khi có dịch COVID-19, song song với nhiệm vụ tăng cường biên tập nội dung chương trình thì chị Đinh Thị Loan đã cùng với cộng tác viên các khu dân cư trên địa bàn đi tới cùng làng, cuối xóm để tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều khi vì muốn người dân sớm được nghe thông tin chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh, chị lặn lội đi từ xã lên tận Đài Truyền thanh huyện để nhận nội dung về tuyên truyền cho người dân.

Chị Loan tuyên truyền công tác phòng, chống dịch trên hệ thống truyền thanh của xã.

“Do địa hình cách trở nên đài của xã không tiếp được đài của tỉnh và Trung ương. Hệ thống truyền thanh không dây FM chỉ phát được ở các khu gần trung tâm xã, các khu ở xa không bắt được tín hiệu. Vì vậy, sau khi tiếp nhận Email từ Đài Truyền thanh huyện, chúng tôi tải về sau đó mở điện thoại để phát ra loa truyền thanh. Người dân chúng tôi không chỉ có nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết, mà tín hiệu của đài cũng phụ thuộc cả vào ông trời: trời nóng thì nói rõ, trời mưa thì nói rè.

Với đặc thù địa bàn rộng, không thể phát hữu tuyến mà phải thực hiện hoàn toàn bằng hình thức phát vô tuyến dẫn tới tình trạng các khu dân cư xa trung tâm xã không bắt được sóng. Để thông tin về dịch bệnh đến rộng rãi tới mọi người dân, tôi đã đề nghị lãnh đạo UBND xã chỉ đạo các khu dân cư bố trí lực lượng phối hợp với Đài Truyền thanh xã thực hiện tuyên truyền lưu động bằng hệ thống loa di động. Vì không có máy vi tính nên chúng tôi phải tận dụng điện thoại thông minh của cá nhân để xây dựng, biên tập và ghi âm chương trình rồi gửi cho các khu dân cư để đi tuyên truyền di động” - chị Loan chia sẻ.

Cán bộ truyền thanh làm “bác sĩ” mỗi khi loa gặp sự cố

Đã ngót nghét 20 năm gắn bó với công việc truyền thanh, ông Nguyễn Đức Hồng - cán bộ Đài Truyền thanh xã Văn Luông (huyện Tân Sơn) gần như đã “tận dụng” tất cả những kỹ năng, kinh nghiệm và sự nhiệt huyết của mình trong dịp tuyên truyền phòng, chống dịch lần này.

Thời gian này, Đài Truyền thanh xã Văn Luông đều đặn mỗi ngày tổ chức phát sóng 2 - 3 lần, thậm chí có thời điểm 5 - 6 lần với hàng chục lượt tin, bài có nội dung trọng tâm về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Đức Hồng kiểm tra hệ thống loa truyền thanh nhằm đảm bảo công tác truyền thanh được liên tục.

Hầu hết những trang thiết bị phục vụ cho công tác thu, phát sóng tại Đài truyền thanh xã đều được đầu tư lắp đặt từ lâu nên một số thiết bị đã hư hỏng. Bên cạnh đó, việc vận hành liên tục với thời lượng lớn cộng thêm thời tiết những ngày qua diễn biến thất thường khiến cho hệ thống thiết bị đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn vốn dĩ không được trang bị đồng bộ đã bị xuống cấp.

Để đảm bảo 100% người dân nắm bắt kịp thời thông tin về dịch COVID-19 thì công việc của ông Hồng lại càng vất vả hơn. Ngoài việc tăng cường phát sóng, người dân nơi đây vẫn thường thấy ông tất tả đi kiểm tra 55 cụm loa thuộc địa bàn 16 khu dân cư của xã để đảm bảo công tác truyền thanh không bị gián đoạn.

Ông Hồng chia sẻ: Với đặc thù của địa bàn nên toàn bộ hệ thống truyền thanh của xã đều dùng phương pháp phát hữu tuyến với tổng số chiều dài đường dây gần 26km đã gây không ít khó khăn trong công tác đảm bảo an toàn. Trong thời gian dịch COVID-19 thời lượng phát sóng được tăng lên nên tôi thường xuyên làm việc thông trưa. Mặc dù vất vả nhưng chỉ cần nghe được âm thanh “alô” vang lên khắp xóm là mọi mệt mỏi trong tôi đều được xua tan.

Ông Hồng tự mò mẫm sửa chữa mỗi khi hệ thống truyền thanh xã gặp sự cố.

Không những cặm cụi sửa chữa hệ thống loa truyền thanh trên địa bàn xã mà ông Hồng còn hỗ trợ kịp thời về kỹ thuật cho loa truyền thanh của các xã khác, chỉ với mong muốn nhân dân trong huyện chỗ nào cũng nghe được phát thanh về dịch bệnh COVID-19.

Ông Hồng và chị Loan chỉ là 2 trong số hàng trăm cán bộ truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh đang ngày đêm miệt mài, không quản ngại khó khăn kịp thời đưa thông tin đến mọi người dân để chung sức cùng với nhân dân trong tỉnh kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở, rất cần sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng về đầu tư kinh phí cho hoạt động, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực để hệ thống truyền thanh cơ sở phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Từ đó đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, phục vụ tốt công tác thông tin nội bộ của các xã nhất là công tác chỉ đạo trong hoạt động sản xuất, phòng chống dịch bệnh, thiên tai… góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Đoàn Thanh niên xã Trung Sơn chung tay phòng chống dịch.


Đỗ Vi - Vũ Tuân
Ý kiến của bạn