Canh cánh cùng múa rối nước

04-12-2012 14:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

Mấy năm gần đây, múa rối nước Việt Nam liên tục tỏa rạng, vang danh trong làng văn hóa thế giới như một loại hình nghệ thuật cổ truyền độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Mấy năm gần đây, múa rối nước Việt Nam liên tục tỏa rạng, vang danh trong làng văn hóa thế giới như một loại hình nghệ thuật cổ truyền độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Thế nhưng, có một điều ngạc nhiên là trong khi khán giả nước ngoài vô cùng thích thú với rối nước Việt thì người Việt, trẻ em Việt lại không mấy xem rối nước.

Vang danh thế giới nhưng thất thế trên “sân nhà”

Trong làng nghệ thuật cổ truyền Việt Nam, có lẽ múa rối nước được xuất ngoại nhiều nhất. Kể từ lần phường rối Nguyên Xá (Thái Bình) đem hơn 10 trò sang biểu diễn tại Pháp năm 1980, rối Việt đã không dưới hàng trăm lần ngao du xứ lạ, đã lưu diễn thành công trên 40 quốc gia thuộc năm châu bốn biển. Sang xứ người mới biết thiên hạ hâm mộ múa rối nước Việt Nam đến nhường nào. Họ vây kín vòng trong vòng ngoài mỗi khi đoàn múa rối nước Việt Nam biểu diễn. Nhiều gia đình còn bay theo đoàn từ thành phố này đến thành phố nọ để được xem thêm lần nữa. Sau mỗi chuyến lưu diễn, báo chí nước ngoài lại không ngớt lời ca ngợi múa rối nước Việt Nam.

Canh cánh cùng múa rối nước 1
Múa rối Việt Nam giao lưu và biểu diễn tại Mexico.     Ảnh: NM

Chả thế mà bất kỳ du khách quốc tế nào mỗi khi đến thăm Việt Nam đều muốn cố công “nếm” cho kỳ được dù chỉ một lần thứ nghệ thuật độc đáo này.

Song, dù có đắm mình trong ánh hào quang, trong tiếng vỗ tay tán thưởng của bạn bè quốc tế thì múa rối nước vẫn không khỏi chạnh lòng buồn trước thái độ thờ ơ của khán giả Việt. Vào bất cứ buổi diễn nào ở các trung tâm biểu diễn rối nước của Thủ đô, thấy rất đông du khách nước ngoài nhưng quá ít người Việt. Trẻ em Việt lại càng không mấy nao nức xem rối nước! Thích thú sao được khi mà cả một thời gian dài, từ đoàn địa phương đến đoàn trung ương quanh đi quẩn lại vẫn cứ diễn y chang chưa đầy hai chục tích trò đã “cũ mèm”, các con rối vẫn cứ nói đi nói lại câu chuyện “ngày xửa, ngày xưa”. Dăm ba vở diễn kịch rối mới cũng đã được dựng bởi bàn tay của những nghệ sĩ rối nước đương đại ngõ hầu nhằm kéo khán giả. Đáng tiếc, những vở diễn này đã thất bại một cách thảm hại bởi đây là những thể nghiệm nôn nóng, vội vàng, thiếu nghiên cứu chiều sâu.

Và nỗi lo biến dạng

Mấy năm trước đây, hồ sơ đề cử múa rối nước Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã bị UNESCO trả về với lý do: chưa đủ minh chứng đây là sân khấu dân gian lâu đời và độc đáo duy nhất chỉ có ở làng quê Việt cổ truyền! Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Hồng - Chủ tịch Hiệp hội múa rối thế giới của Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Múa rối truyền thống thì UNESCO có lý vì không chỉ hồ sơ rối nước đã không thể hiện được cốt lõi dân gian cổ truyền của chính rối nước Việt mà còn đang có nguy cơ biến dạng, mất đi tính dân gian cổ truyền ngay trong thực tế. Những chương trình hiện đang biểu diễn ở các đô thị Việt Nam, kể từ sau 1984, hầu như không còn là rối nước cổ truyền. Thay vì phát huy, có nơi đã làm động thái phát triển bằng cách thêm thắt cho rối cổ những cái mới: kịch bản, lời thoại… rồi hát chèo, nhạc chèo, tỷ lệ nhiều đến mức phá vỡ cấu trúc trò diễn và cái đẹp trong những động tác sân khấu của con rối gỗ khiến người xem nhầm tưởng đây là sân khấu “rối - chèo”.

Nhân danh “chuyên nghiệp hóa”, “nâng cao, phát triển”, người ta đã vô tình đánh mất hồn rối nước cổ truyền. Hồn vía rối cổ ngàn đời nay gắn liền không gian văn hóa châu thổ sông Hồng, với nền văn minh lúa nước. Mất đi không gian văn hóa gốc này là rối nước mất hồn, mất luôn cả vẻ đẹp nguyên thủy tự thân.

 Trong khi đó, có một thứ rất cần được cải tiến, nâng cao, phát triển, đó là khả năng biểu đạt của con rối - một hạn chế tự thân của con rối gỗ cổ truyền - lại không được mấy người làm rối trú trọng. Giờ đây, công chúng đã có cả ngàn cách giải trí sôi động, hiện đại; các em nhỏ thì có cả một thế giới đồ chơi vừa đẹp, vừa sống động: những con búp bê biết vũ ba lê theo tiếng nhạc, những cỗ ôtô, tàu hỏa xình xịch chạy liên hồi... Vậy mà múa rối nước vẫn cứ “chung thủy” với những con rối cứng đờ, chỉ biết lắc lư, lật đật giơ tay chém lên chém xuống với một bộ mặt bất động! Muốn “bắt vít” được vào với đời sống, cần phải cải tiến, nâng cao khả năng biểu đạt của con rối. Chỉ có như thế mới đủ sức xây dựng những ý tưởng, kịch bản, mới chuyển tải được một cách tinh tế, sống động hiện thực cuộc sống vốn đã phức tạp và hiện đại hơn xưa nhiều! Việc này thiết nghĩ không phải là quá khó bởi ở nước ngoài, người ta đã rất thành công trong việc tinh xảo hóa bộ máy hoạt động của con rối để con rối linh hoạt hơn, sống động hơn.

Làm thế nào để múa rối nước không lỗi nhịp với dòng chảy cuộc đời nhưng vẫn giữ được sự chân chất, thô mộc tự ngàn xưa của nó? Âu đó cũng là những gì mà người nghệ sĩ rối cần phải day dứt, trăn trở, phải tìm cách cải tiến, khắc phục!

Tuấn Phương



Ý kiến của bạn