Canh Bồi là một món ăn có thể được gọi là cháo đặc, có thể là canh. Ít ai biết rằng, món ăn này tuy đạm bạc lại giàu chất dinh dưỡng của người miền cao. Đơn giản chỉ từng mớ rau, hạt gạo qua đôi bàn tay khéo léo của người Ba Na ở Sơn Hòa nói riêng, trong đời sống cộng đồng của các dân tộc anh em Nam Trường Sơn- Tây Nguyên nói chung đều mang nét đẹp đặc trưng riêng mình. Văn hóa ẩm thực là yếu tố phát triển du lịch. Canh Bồi có thể thương hiệu hóa thành thực phẩm sạch, sản phẩm xanh phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng.
Chuẩn bị lá để làm canh Bồi
Hầu hết những “đầu bếp miền sơn cước” đều dùng các nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên với cuộc sống hàng ngày để làm. Nguyên liệu chủ đạo là lá xanh, một thứ lá dạng dây leo trên rừng. Tiếp đến là việc đi tìm, góp rau xanh mọc quanh vườn tạp, rau vườn trồng và không thể thiếu rau rừng… Trong các công đoạn chế biến, công phu nhất là khâu hái, góp rau, phải có ít nhất 32 loại rau, quả, củ xanh như: Bầu, bí non, mướp non, bông bí, củ cây đủng đỉnh, lá non cây thiên tuế, rau nút áo lấy cả thân và lá non, cà nút non, lá xanh, bồ ngót, bắp còi, đọt ớt, ớt non, ngó môn, cây môn, ốc đá, tôm suối, ... có thể gia thêm ít lá sắn non giã nhỏ.
Bà Mó Beo (thôn Tân Hòa, xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa) vừa giã gạo với lá xanh vừa bật mí bí quyết làm một bát canh Bồi dẻo, thơm, ngon đúng “chất” sơn cước. “Để mà nấu được nồi canh Bồi ngọt, ngon chúng tôi phải đi hàng cây số tìm góp rau. Bột gạo được ngâm trước cho mềm rồi giã nhuyễn. Mà gạo rẫy vẫn là ngon nhất. Tôi học theo bà, theo mẹ tôi từ khi tôi còn chỉ mới biết mang gùi xuống bến lấy nước, khi tụi con trai làng chưa biết khen tôi. Món ăn này nuôi cả nhà tôi, cả người làng này đều ăn những năm gian khó, giờ thành đặc sản”-Bà Mó Beo bộc bạch.
Bà Mó Beo (bên trái) giã gạo rẫy nấu canh Bồi
Canh Bồi ngon nhất là canh có màu xanh tự nhiên. Những người sành ăn, nếm qua là biết tay nghề nấu “non” hay “già”. Người nấu có kinh nghiệm mới biết dùng lá bồ ngót giã, lược lấy nước để tăng độ ngọt. Lá xanh thì giã và dùng cả nước và xác lá. Khi nước đun lên gần 100 độ C mới cho các loại rau vào. Trình tự làm món ăn này là: Đun nước bồ ngót sôi, sau đó bỏ lá sắn đã giã sẵn vào nấu cho đến khi chín dần thì cho các nguyên liệu vào như: ốc suối, trứng kiến vàng, bí đỏ, cà nút, mít non, măng rừng, mướp,..Các nguyên liệu sắp chín sẽ đỗ gạo giã với lá xanh được khuấy đánh nhuyễn. Tiếp tục để lửa nhỏ cho nồi canh chín, sau đó bỏ các gia vị khác như: Lá é, muối hạt, ớt non vào.
Canh Bồi hội tụ tinh hoa, dưỡng chất của đất trời. Qua bàn tay thuần thục của người nấu, không đơn thuần là ăn để sống, để no. Trong đời sống của đồng bào miền núi còn khó khăn, đơn cử là xã Sơn Phước, món ăn này giúp bà con cải thiện bữa ăn nghèo chất dinh dưỡng trở nên dồi dào, tiết kiệm chi phí.
Nếu như đặt giả thiết đề xuất đưa sản phẩm canh Bồi vào danh sách thực đơn tại các nhà hàng, dịch vụ phục vụ du lịch thì với đặc tính, công dụng, hàm lượng dinh dưỡng của nó, có thể là món ưa thích.