Cảnh báo: Xông lá chữa COVID-19, 2 trẻ bị bỏng nặng

10-03-2022 14:55 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Mặc dù triệu chứng COVID-19 không nặng nhưng hai bé phải chịu nhiều đau đớn do bị bỏng nặng toàn thân liên quan nước sôi trong lúc xông lá .

Ngày 10/3, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, gần đây đơn vị này ghi nhận liên tiếp các ca COVID - 19 trẻ em bị bỏng nặng liên quan xông lá thuốc. Đây là một vấn đề hết sức nguy hiểm, cần cảnh báo với các bậc phụ huynh.

Tại khoa Điều trị COVID trẻ em, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố hiện đang điều trị cho 2 bệnh nhi bị bỏng nặng vì phụ huynh xông lá cho con với hy vọng chữa được COVID-19.

Trường hợp thứ nhất là một bé trai 12 tuổi đến từ Long An. Do mắc COVID -19 nên được người nhà cho xông lá. Khi đang xông, người lớn đùa giỡn, đá vào chậu xông, nước văng lên người nên bị phòng nặng nửa thân dưới và bộ phận sinh dục. Đến nay, qua 21 ngày nằm viện, được đặt sond tiểu 2 tuần nhưng tình trạng bé vẫn chưa ổn định và chưa tự tiểu.

Một trường hợp bỏng khác là một bé gái 10 tuổi nhiễm SARS-CoV-2. Mặc dù triệu chứng COVID-19, không nặng, nhưng bé đang phải chịu nhiều đau đớn và mệt mỏi vì phải uống nhiều kháng sinh, an thần, giảm đau.

TP.HCM: 2 trẻ bị bỏng nặng khi xông lá chữa COVID-19 - Ảnh 1.

Bệnh nhi bị bỏng nặng nửa thân dưới và bộ phận sinh dục do khi đang xông, bị người lớn đùa giỡn, đá vào chậu xông, nước văng lên người. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhi cũng bị bỏng nặng toàn thân liên quan nước sôi xông lá do mẹ nấu, đang được các y bác sĩ nỗ lực điều trị, cứu chữa.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Kiều Quốc Thanh, quyền điều hành khoa Điều trị COVID trẻ em, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cho biết, ngoài nguy cơ bỏng và tai nạn không đáng, về phương diện y khoa, trẻ nhỏ không được khuyến cáo xông bất kì lá hoặc thuốc nào ngoài môi trường y tế. Bởi vì niêm mạc mũi, niêm mạc đường hô hấp của trẻ còn rất mỏng, nếu xông trực tiếp vào vùng này sẽ làm hại niêm mạc.

Việc lạm dụng xông quá nhiều có thể làm khô niêm mạc mũi và làm giảm khả năng chống virus của cơ thể, không chỉ riêng COVID-19 mà kể cả nhiều bệnh về đường hô hấp khác.

Thực tế thì xông chỉ là một trong những biện pháp giảm tình trạng khó thở do ngạt hoặc tắc mũi, chứ không giết được virus, không nên lạm dụng.

Bác sĩ Thanh khuyến cáo, việc xông hơi không hề có tác dụng và không an toàn với trẻ, bởi cha mẹ không thể đảm bảo được nhiệt độ an toàn cho trẻ. Đồng thời các sản phẩm xông không đảm bảo an toàn, chứa hóa chất độc hại khi xông thẳng vào mũi trẻ có thể gây viêm nhiễm, bội nhiễm đường hô hấp.

Nhiều trẻ bị bỏng do bất cẩn trong lúc xông phòng bệnhNhiều trẻ bị bỏng do bất cẩn trong lúc xông phòng bệnh

SKĐS - Các bậc phụ huynh không lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 30 tháng, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay người dị ứng với tinh dầu.


Kim Vân
Ý kiến của bạn