Nhóm nghiên cứu đến từ Viện Pasteur Pháp đang điều tra xem liệu virus Ebola có đang biến đổi theo hướng dễ lây lan hơn không. Trước đó, cơ quan này đã xác định lần bùng phát đầu tiên của dịch bệnh vào tháng 3 năm ngoái. Tại Guinae, Sierra Leone và Libera, đã có hơn 22.000 người nhiễm bệnh và 8.795 người chết vì Ebola.
Thời gian qua, các nhà khoa đã bắt tay vào phân tích mẫu máu của hàng trăm bệnh nhân nhiễm Ebola tại Guinea. Mục đích của nghiên cứu này nhằm xác định hướng biến đổi của dịch bệnh cũng như trả lời nghi vấn "Liệu virus có trở nên lây lan dễ dàng hơn giữa người với người".
“Chúng tôi nhận thấy virus đang biến đổi khá nhiều. Việc quan trọng hiện giờ là chẩn đoán các trường hợp mới và tìm kiếm phương pháp điều trị. Chúng ta cần biết hướng phát triển của virus để ngăn chặn dịch bệnh”, tiến sĩ di truyền học Anavaj Sakutabhai phát biểu trên BCC.
Vị này cho biết thêm, việc virus biến đổi không phải là điều bất thường, nhất là khi Ebola thuộc loại virus RNA, tương tự như HIV và cúm. Những loại này có tỷ lệ đột biến khá cao, nhờ đó chúng dễ dàng tương thích môi trường và gia tăng khả năng lây nhiễm.
“Hiện chúng tôi đã tìm được vài trường hợp bệnh nhân nhiễm Ebola mà không có bất cứ triệu chứng nào. Những người này có thể lây truyền virus dễ hơn, nhưng mới chỉ là phỏng đoán. Một virus có thể trở nên ít có hại hơn, nhưng dễ lây lan hơn và đó là điều đáng lo ngại”, ông nói.
Kể từ khi số lượng các trường hợp nhiễm virus tăng vọt vào tháng 6/2014, lần đầu tiên thống kê cho thấy số lượng người lây nhiễm mới giảm xuống dưới 100 trường hợp vào tuần vừa qua. Cụ thể có 30 ca tại Guinea, 4 ca tại Liberia, 65 ca tại Sierra Leone. Với kết quả đó, Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho rằng dịch bệnh đang bước vào giai đoạn kết thúc.
Thế nhưng giáo sư Jonathan Ball, nhà virus học tại Đại học Nottingham tỏ ra lo ngại khi nhiều trường hợp dương tính với Ebola nhưng không thấy triệu chứng cụ thể. “Nhiều trường hợp lây nhiễm không triệu chứng đang diễn ra. Tình hình dịch bệnh rất khó xác định. Rõ ràng chúng ta sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều ca mắc mới không có triệu chứng hơn”, giáo sư phát biểu.
Vấn đề cấp bách khác là một khi virus có thêm nhiều thời gian và “vật chủ” để ký sinh và phát triển, Ebola sẽ thuận lợi biến đổi, thậm chí có thể lây qua đường không khí. Hiện chưa có bất cứ dấu hiệu nào rõ ràng nên đến nay chỉ có thể khẳng định virus lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
“Chưa từng thấy virus truyền bệnh qua đường máu nào có dấu hiệu đột biến thành virus lây qua không khí, ngay cả HIV và viêm gan B. Để đạt được điều đó, đòi hỏi nó phải có sự đột biến đủ lớn”, giáo sư David Heyman, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhận định.
Nhà virus học Noel Tordo thuộc viện Pasteur tại thủ đô Conakry của Guinea cho biết thêm: “Ngay lúc này, chưa có gì rõ ràng về điều kiện đột biến của virus, cả về phương diện địa lý lẫn trong cơ thể người, vì vậy chúng ta cần tìm hiểu thêm. Nhưng chắc chắn một số biến đổi đã diễn ra”.
Các nhà nghiên cứu đang sử dụng một phương pháp gọi là phân tích trình tự gene nhằm theo sát diễn tiến thay đổi của virus. Đến nay, họ đã phân tích được khoảng 20 mẫu máu từ Guinea, 600 mẫu khác sẽ được gửi về các phòng thí nghiệm trong vài tháng tới.
Theo WHO, một nghiên cứu tương tự tại Sierra Leona cũng cho thấy Ebola có những biến đổi đáng kể trong vòng 24 ngày đầu của dịch bệnh. Nghiên cứu đặt ra nhiều nghi vấn về khả năng lây nhiễm, phản ứng kháng văcxin, thuốc cũng như việc sử dụng huyết tương của bệnh nhân trong giai đoạn phục hồi để điều trị cho người mới mắc. Tuy nhiên, nhiều khả năng những biến đổi này không ảnh hưởng đến phản ứng thuốc cũng như điều kiện lây lan.
Các nghiên cứu tại Paris cũng lý giải rõ hơn về khả năng sống sót của người nhiễm Ebola. Hiện tỷ lệ bệnh nhân sống sót lên đến 40%. Từ đó khơi dậy niềm hy vọng cho bệnh nhân cũng như khả năng điều chế văcxin thành công.
Các chuyên gia tại viện Pasteur đang phát triển hai loại văcxin dự kiến thử nghiệm trên cơ thể người vào cuối năm nay. Một trong số đó là biến thể của văcxin ngừa sởi, cung cấp cho cơ thể một loại virus yếu vô hại nhằm gây ra phản ứng miễn dịch, bảo vệ con người trong trường hợp tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm. Nếu thành công, đây sẽ là văcxin ngừa được cả sởi và Ebola.
“Nỗi đe dọa đã lan rộng và có thể mở rộng ra quy mô toàn cầu. Chúng tôi nhận thấy đây không còn là vấn đề của Châu Phi mà là vấn đề của tất cả mọi người”, Giáo sư James Di Santo, nhà miễn dịch học tại viện Pastuer Paris cho biết. “Dịch bệnh này có thể suy yếu và kết thúc, nhưng sẽ có cuộc bùng nổ khác tại địa điểm khác, bởi vì virus tiềm ẩn trong tự nhiên, ví dụ trong các loài động vật nhỏ, vẫn là mối nguy đến loài người trong tương lai. Giải pháp tốt nhất chúng ta có thể nghĩ đến là phát minh một loại văcxin cho toàn cầu”.