Hà Nội

Cảnh báo viêm loét dạ dày - tá tràng ở trẻ em

24-09-2019 13:47 | Đời sống
google news

SKĐS - Trước đây, loét dạ dày – tá tràng là một căn bệnh rất ít gặp ở trẻ em nên đối với nhiều người, kể cả thầy thuốc, những cơn đau bụng ở trẻ thường được quy cho những nguyên nhân khác như rối loạn tiêu hóa, đau bụng do giun… Nhưng trên thực tế đau bụng do nguyên nhân loét dạ dày - tá tràng chiếm một tỷ lệ không nhỏ ở trẻ em dưới tuổi 15.

Nguyên nhân viêm loét dạ dày - tá tràng

Có nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày ở trẻ nhỏ, có thể do thuốc điều trị (thuốc chống viêm hoặc viêm do hoá chất như: Kiềm, axit, hoá chất sinh hoạt mà trẻ vô tình nuốt phải bị ngộ độc…). Mặt khác, nguyên nhân viêm dạ dày còn có thể bắt nguồn từ chế độ ăn quá nhiều chất hại dạ dày như chua, cay hay vấn đề của bệnh lý dạ dày, viêm dạ dày do tự miễn, phì đại niêm mạc dạ dày… Tuy nhiên, nguy hiểm hơn cả là loại vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) dễ gây ra viêm loét dạ dày, tá tràng hoặc có thể dẫn đến ung thư dạ dày.  Tình trạng trẻ em mắc bệnh viêm loét dạ dày đang gia tăng và ngày càng trẻ hóa.

Một giả thuyết đang được chú ý nhiều, đó là những căng thẳng trong cuộc sống gây hiện tượng tăng tiết dịch vị làm cho dạ dày trẻ nhanh chóng bị viêm loét. Những stress đáng kể như: Bố mẹ li dị, áp lực học hành, những cảm giác mất mát hay thất bại trong cuộc sống, thậm chí là nghiện các trò chơi trực tuyến… Ở những độ tuổi có sự biến đổi tâm lý, rối loạn hành vi cảm xúc cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao.

Dấu hiệu nhận biết

Viêm dạ dày của trẻ em không giống người lớn, trẻ thường đau bụng bất thường, dấu hiệu đau vùng thượng vị của trẻ nhỏ chỉ 30% còn lại đau quanh rốn và đau lan tỏa. Trẻ có thể ợ hơi, ợ chua, nôn, biếng ăn, hơi thở hôi… Khi trẻ có dấu hiệu trên cần cho đi khám để sàng lọc sớm nhằm phát hiện và điều trị kịp thời.

Cảnh báo viêm loét dạ dày - tá tràng ở trẻ emĐau bụng do viêm dạ dày ở trẻ thường bị nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa.

Ngoài ra, trẻ có thể mệt mỏi, ăn uống kém, gầy sút, mất tập trung trong học tập. Nhiều trường hợp có biểu hiện trầm cảm, căng thẳng, suy nhược thần kinh. Các triệu chứng có thể tăng lên sau khi ăn, nhất là ăn các loại thức ăn, đồ uống gây kích thích niêm mạc dạ dày như tỏi, ớt, chuối... Khi nội soi dạ dày sẽ thấy rõ mức độ, vị trí của ổ loét dạ dày hay tá tràng.

Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng chủ yếu do vi khuẩn HP, vi khuẩn này lây theo đường ăn uống. Vì vậy, ăn uống hợp vệ sinh là khâu quan trọng hàng đầu.

Điều trị thế nào?

Điều trị bệnh dạ dày - tá tràng ở trẻ nhỏ cũng không đơn giản vì thuốc điều trị cho trẻ cũng khó khăn hơn, trong khi đó có những trẻ khi bác sĩ chỉ định thuốc, bố mẹ không sử dụng đúng liều điều trị nên dễ dẫn đến kháng thuốc. Hơn nữa, viêm dạ dày do HP rất dễ tái đi tái lại nếu không diệt hết nguồn lây. Vì thế, phác đồ điều trị bệnh dạ dày cho trẻ cần phải điều trị luôn cho những người thân nếu trong gia đình có người có biểu hiện đau, viêm dạ dày do HP để loại trừ nguồn lây.

Các thuốc được sử dụng để điều trị bao gồm các thuốc bọc niêm mạc dạ dày, thuốc giảm tiết dịch vị, giảm đau và có thể phải sử dụng thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn Helicobacter pylory...

Lời khuyên của thầy thuốc

Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng chủ yếu do vi khuẩn HP, vi khuẩn này lây theo đường ăn uống. Vì vậy, ăn uống hợp vệ sinh là khâu quan trọng hàng đầu. Trong gia đình khi có người bị viêm loét dạ dày - tá tràng thì bát, đũa, cốc, chén...  không nên dùng chung hoặc phải nhúng vào nước đun sôi sau khi đã rửa sạch. Cần xóa bỏ thói quen mớm cơm cho trẻ với bất kỳ hình thức nào.

Không tự mua thuốc aspirin, corticoid, thuốc non-steroid (thuốc điều trị khớp) để tự điều trị cho trẻ.

Ngoài ra, một số biện pháp có thể dự phòng được loét dạ dày tá tràng ở trẻ em như ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, nên tạo một cuộc sống thoải mái, tránh các căng thẳng về mặt tâm lý cũng như điều trị tốt các bệnh lý đang có. Không nên tạo áp lực quá lớn về việc học hành dễ gây căng thẳng tâm lý cho trẻ.


BS. Nguyễn Văn Hoàng
Ý kiến của bạn