Với mong muốn con cái sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ có công việc ổn định, nhiều gia đình đã “sập bẫy” các nhóm đối tượng lừa đảo chạy công chức. Cơ quan chức năng đã bóc gỡ hàng loạt các đường dây, ổ nhóm đối tượng này, song nạn nhân của những phi vụ lừa chạy công chức vẫn không ngừng gia tăng do hoạt động này ngày càng tinh vi, xảo quyệt...
Kỹ xảo “chế biến”... biên chế!
Mới đây nhất, vào ngày 11/7, Công an tỉnh Cao Bằng vừa bắt khẩn cấp Trần Hữu Hảo, Đinh Ngọc Sơn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan điều tra, các nghi can khai đã giả danh cán bộ Bộ Giao thông - Vận tải, khoe quen biết nhiều lãnh đạo các sở, ban, ngành trong địa bàn của tỉnh, có khả năng xin việc và “chạy” công chức với mức thu mỗi suất từ 20 - 100 triệu đồng. Hảo và Sơn đã nhận gần 800 triệu đồng của nhiều bị hại ở tỉnh Cao Bằng và tỉnh Bắc Kạn. Trước đó không lâu, các cơ quan chức năng tại tỉnh Lạng Sơn đã bóc gỡ thành công một đường dây chạy công chức lớn trên địa bàn. 2 đối tượng lừa chạy công chức trên địa bàn tỉnh đã dùng những lời lẽ đường mật, khoe có mối quan hệ rộng với nhiều vị lãnh đạo nên có khả năng xin các suất vào biên chế. Theo cáo trạng tại Tòa án nhân dân TP. Lạng Sơn, ông Bế Anh Tuấn (SN 1958, ở phường Tam Thanh, TP. Lạng Sơn, nguyên là cán bộ một công ty thương mại đã nghỉ hưu) do nhận thấy dễ kiếm tiền từ việc chạy công chức nên đã tổ chức cả một đường dây chuyên nhận hồ sơ thi tuyển vào các trường chuyên nghiệp, chạy công chức, chuyển công tác... Từ năm 2002 - 2011, ông Tuấn chiếm đoạt trên 1 tỷ 250 triệu đồng của 43 người. Cũng tại Lạng Sơn, Tòa án nhân dân TP. Lạng Sơn đã xét xử bị cáo Đinh Thị Thu Hà (SN 1983, một cựu giáo viên) về hành vi chạy công chức trong ngành giáo dục. Bị cáo Hà nguyên là cán bộ Văn phòng UBND huyện Cao Lộc. Sau khi dính án kỷ luật (do là một trong những “mắt xích” của đường dây chạy công chức bị phá dỡ trước đó), cuối năm 2012, bà Hà về công tác tại Trường THCS Song Giáp, Cao Lộc. “Ngựa quen đường cũ”, bà Hà hứa hẹn với anh Nông Tuấn Khanh (SN 1978, bán hàng tại chợ Phú Lộc, TP. Lạng Sơn) xin việc cho vợ anh Khanh vào ngành sư phạm. Hà ra giá 20 triệu đồng, nhận tiền rồi cắt liên lạc với nạn nhân. Tương tự, Hà lừa xin việc để nhận 20 triệu đồng của bà Hoàng Thị Nghị (SN 1970, ở đường Bà Triệu, TP. Lạng Sơn). 2 trường hợp trên sau khi xét xử, Tòa án nhân dân TP. Lạng Sơn kết án 13 năm tù đối với ông Bế Anh Tuấn và 9 tháng tù giam với bà Đinh Thị Thu Hà.
![]() |
Bệnh “kinh niên” cần xử lý nghiêm
Những vụ án “chạy” công chức kể trên được đưa ra ánh sáng chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” của các đường dây chạy công chức hiện vẫn đang ngấm ngầm hoạt động. Nạn nhân phần lớn là những hộ dân nghèo, vùng sâu, vùng xa, hiểu biết pháp luật có hạn nên “đề kháng” kém với loại tội phạm này. Ngay cả khi các đối tượng bị bắt thì việc thu lại tiền đã đưa để chạy việc, chạy công chức cho các đối tượng này là rất khó. Phần lớn tiền chạy công chức, chạy việc, chạy biên chế... được hai bên viết tay với nội dung “giấy vay tiền” nên không có cơ sở pháp lý khi ra tòa. Theo luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Trưởng phòng Luật sư Việt Lý cho biết: theo quy định thì hành vi “lừa đảo chạy công chức” thuộc về nhóm tội danh lừa đảo. Tùy vào số tiền mà các đối tượng nhận mà có khung xử lý cụ thể. Đối với người lừa chạy công chức để chiếm đoạt tiền của người khác là vi phạm vào Điều 139 Bộ luật Hình sự với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội này có cấu thành vật chất tức là phải có hậu quả xảy ra cụ thể là hành vi chiếm đoạt tiền hay tài sản của người khác. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tù chung thân; ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: Việc hiện vẫn tồn tại các đường dây lừa đảo chạy công chức là có thực bởi chạy công chức vốn đã là “bệnh kinh niên” rồi. Việc chạy chức, chạy quyền, chạy công chức nhà nước mà đợi để “có bằng chứng” là rất khó. Chính cơ quan chức năng, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc để điều tra làm rõ vấn đề này. Cùng với đó, hệ thống pháp luật chưa có quy định rõ về tội danh liên quan tới “chạy công chức”.
Hỏa Long