Hà Nội

Cảnh báo: U sọ hầu "khủng" gây giãn não thất khiến cụ bà lú lẫn, đau đầu liên tục

29-11-2018 06:29 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Bệnh viện TWQĐ 108 vừa phẫu thuật thành công bệnh nhân mắc u sọ hầu kích thước lớn 39x40x45mm gây giãn não thất.

Bệnh nhân Nguyễn Thị H. Nữ, 66 tuổi, vào viện với biểu hiện thể trạng yếu, đau đầu, lú lẫn, tiểu không tự chủ, đi lại không vững, thị lực 2 mắt giảm nhiều ( giảm nhiều hơn ở mắt trái) . Bệnh nhân được chẩn đoán  u sọ hầu kích thước lớn 39x40x45mm gây giãn não thất. Bệnh nhân đã được phẫu thuật lấy một phần u và đặt van dẫn lưu não thất ổ bụng nhằm giảm áp hệ thống não thất.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến khoa Xạ trị – Xạ phẫu, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 và được điều trị xạ phẫu phân liều trên hệ thống máy xạ phẫu Cyberknife với độ chính xác < 1 mm, liều xạ 25Gy/5fx.

Theo BS. Nguyễn Xuân Kiên, Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Bệnh viện TWQĐ 108, bệnh nhân cải thiện các triệu chứng dần dần, thời gian 1-3 tháng sau xạ phẫu từ không tự đi được bệnh nhân có thể đi lại bình thường, trí nhớ cải thiện nhiều, hết lú lẫn, tiểu tự chủ và thị lực cải thiện một phần.  Hiện tại, sau xạ phẫu 36 tháng, bệnh nhân vẫn ổn định, tỉnh táo và sinh hoạt bình thường.  Trên phim chụp cộng hưởng từ, sau 3-12-24 tháng theo dõi, không còn thấy khối u ngấm thuốc, phần nang dịch nhỏ lại và thân não không còn bị đè ép.

Hình ảnh CT điển hình của u sọ hầu với phần nang dịch, đặc và các nốt vôi hóa.

U sọ hầu (Craniopharyngioma) là khối u lành tính hiếm gặp ở não, nó còn được gọi là “khối u túi Rathke”. Khối u sọ hầu xuất hiện ở vị trí gần với cuống tuyến yên, nơi tiết ra các hormon để kiểm soát nhiều chức năng của cơ thể. U sọ hầu phát triển chậm, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến chức năng của tuyến yên và các cơ quan lân cận.

U sọ hầu thường gặp ở trẻ em (từ 5-14 tuổi) và người lớn tuổi (50-74 tuổi). Các triệu chứng thường gặp bao gồm: biến đổi về thị giác một cách từ từ, mệt mỏi, khát nước, tiểu nhiều, đau đầu, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, giảm sức cơ, ngủ li bì,...Trẻ bị u sọ hầu có thể phát triển chậm, thể trạng nhỏ bé hơn trẻ bình thường.

Hình ảnh MRI khối u sọ hầu (mũi tên vàng), giảm tín hiệu trên xung T1, tăng trên xung T2, có phần nang dịch và phần đặc, ngấm thuốc mạnh vùng vách nang sau tiêm đối quang từ.

Theo BS Kiên, u sọ hầu có thể được điều trị với những phương pháp sau:

Phẫu thuật: sử dụng phương pháp phẫu thuật nào còn tùy thuộc vào vị trí và kích thước khối u của bạn (có thể phẫu thuật mở sọ hoặc qua đường xương bướm).

Bác sĩ sẽ cố gắng cắt toàn bộ khối u. Tuy nhiên, do khối u sọ hầu thường gần nhiều cấu trúc phức tạp và quan trọng nên bác sĩ đôi khi không thể cắt toàn bộ khối u nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Trong những trường hợp này, các phương pháp điều trị khác được áp dụng: xạ trị, xạ phẫu, hóa chất...

Xạ trị- xạ phẫu: xạ trị ngoài có thể được sử dụng điều trị u sọ hầu sau khi phẫu thuật. Phương pháp điều trị này sử dụng các chùm tia năng lượng cao (tia X, Proton) để tiêu diệt khối u.

Ngày nay, sự ra đời các hệ thống máy xạ trị – xạ phẫu hiện đại, với những kỹ thuật điều trị tân tiến như: Xạ trị điều biến liều (IMRT), xạ trị cung điều biến thể tích (VMAT), xạ phẫu (radiosurgery), hay xạ trị proton đã giúp cho việc điều trị một cách chính xác đến các khối u mà mô lành xung quanh ít bị ảnh hưởng nhất.

Hóa trị: là phương pháp sử dụng thuốc hóa chất để tiêu diệt khối u. Hóa chất Paclitaxel và Carboplatin đã được chứng minh là làm tăng thời gian sống thêm khi kết hợp với phẫu thuật và xạ trị. Hóa chất có thể được tiêm trực tiếp vào khối u, tránh tổn hại đến các cơ quan lành xung quanh.

Điều trị nhắm trúng đích: Gần như tất cả u nhú sọ hầu (papillary craniopharyngioma) đều có đột biến gen BRAF, do đó điều trị đích dựa trên đột biến gen này có thể là một lựa chọn.


Lê Mai
Ý kiến của bạn
Tags: