U não là nguyên nhân tử vong cao nhất trong số các ung thư trẻ em
Theo gia đình bệnh nhân, trước đó 6 tháng cháu bé có hiện tượng nôn nhiều, tần suất nôn tăng dần trong ngày và trong tuần. Đáng nói, ngoài nôn trẻ không có dấu hiệu khác như đau đầu, rối loạn ý thức, trẻ vẫn đi học bình thường.
Trẻ được gia đình đưa đến nhiều bệnh viện nhưng chỉ nghi bị rối loạn tiêu hoá. Do nôn nhiều, ăn uống không hấp thu nên trẻ ngày càng sút cân, gầy yếu. Sau khi tìm hiểu thông tin, nghi ngờ con bị vấn đề về não, người bố đưa con đến bệnh viện đề nghị chụp cắt lớp vi tính, lúc này phát hiện trẻ bị u não. Tại BV Việt Đức, bệnh nhân được cắt bỏ khối u, tuy nhiên kết quả sinh thiết cho thấy bệnh nhi bị khối u ác tính.
PGS.TS Đồng Văn Hệ cùng trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp về bệnh u não
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh tuy chưa có số liệu chính thức về chẩn đoán khối u não và tỷ lệ người bệnh mắc u não mỗi năm ở Việt Nam nhưng tính riêng BV Việt Đức mỗi năm nhận khám và điều trị cho khoảng 2.500 người bệnh u não.
Bệnh thường gặp ở trẻ em trên 5 tuổi đến 15 tuổi. Hiện nay chưa thể khẳng định chính xác nguyên nhân ung thư não nhưng với trẻ nhỏ có thể do căn nguyên từ trong bào thai.
Ở trẻ em, u não là nguyên nhân tử vong cao nhất trong số các ung thư trẻ em (với bệnh lý u não ở trẻ nhỏ thì có tới 70% là ung thư). Khối u não chiếm 1/4 số bệnh nhân tử vong do ung thư dưới 19 tuổi.
Bệnh thường gặp ở trẻ em trên 5 tuổi đến 15 tuổi. Hiện nay chưa thể khẳng định chính xác nguyên nhân ung thư não nhưng với trẻ nhỏ có thể do căn nguyên từ trong bào thai.
Nhiều trường hợp “chung sống hoà bình với u não”
Cũng theo PGS. TS Đồng Văn Hệ, mặc dù có tới 120 loại u não nhưng 4 nhóm u não hay gặp nhất là u di căn não, u tế bào thần kinh đệm, u mang não và u tuyến yên.
Có loại u não phát triển rất chậm, mỗi năm to hơn 2-3mm. Đối với loại u não phát triển chậm, bệnh nhân thích nghi dần với sự tăng kích thước và tăng thể tích khối u nên dấu hiệu rất mờ nhạt.
Nhiều người được chẩn đoán u não sau khi khối u rất to (đường kính 8-10cm) và khối u đã phát triển từ 5-10 năm. Có loại u não có thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng cũng có loại u não hay tái phát, tái phát nhanh. Có loại u não chỉ cần điều trị một phương pháp, nhưng có loại u não phải điều trị kéo dài, bằng nhiều phương pháp khác nhau.
“Tuy nhiên, không phải cứ bị u não là nhất thiết phải mổ, là gặp nguy hiểm tới tính mạng. Trong quá trình điều trị, tôi đã gặp nhiều trường hợp người bệnh “chung sống hòa bình” với u não. Có những người bệnh không cẩn phải mổ não, chỉ cần sử dụng thuốc điều trị triệu chứng là có thể trở lại cuộc sống ổn định”- PGS.TS Đồng Văn Hệ chia sẻ.
Bệnh nhân mắc u não sẽ sống thêm được bao nhiêu lâu?
Chia sẻ với báo chí, PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết, đây là câu hỏi mà bệnh nhân và gia đình bệnh nhân u não thường đặt ra với thầy thuốc.
Các chuyên gia BV Việt Đức thực hiện một ca phẫu thuật u não
“Tuy nhiên câu trả lời không giống nhau cho tất cả mọi người. Môt số bệnh nhân u não có thể sống khỏe mạnh bình thường và tuổi thọ không giảm đáng kể sau khi được điều trị u não. Một số khác có thể sống thêm vài tháng hoặc vài năm. Một số u não phát triển rất nhanh, khối u lớn nhanh sau vài tuần hoặc vài tháng. Một số trường hợp khác phát triển rất chậm, mỗi năm tăng thêm 2-3mm”, PGS.TS Đồng Văn Hệ thông tin.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, u não có thể tái phát sau điều trị, nhưng cũng có loại không tái phát hoặc u không phát triển to hơn sau nhiều năm. Chính vì vậy, “bệnh nhân phải được khám, tư vấn và theo dõi u não liên tục, thường xuyên. Thời gian sống thêm sau khi điều trị u não phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như loại u, tuổi bệnh nhân, vị trí, kích thước, phương pháp điều trị...
Tại Mỹ, khoảng 20% bệnh nhân u não ác tính sống thêm trên 5 năm sau khi điều trị. Ở trẻ em, tỷ lệ u não ác tính sống thêm trên 5 năm cao tới 72%. Trẻ em dưới 3 tuổi có thời gian sống thêm sau điều trị ngắn hơn so với trẻ em từ 3-16 tuổi.
“Đối với u màng não người bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu khối u lành tính, được phẫu thuật sớm, được cắt bỏ hoàn toàn. Người bệnh có thể sống bình thường”- PGS.TS Đồng Văn Hệ khẳng định.
Các chuyên gia cho biết, về dấu hiệu để chẩn đoán u nào có thể kể đến là đau đầu: đau đầu nhiều vào buối sáng, đau đầu tăng dần, đau đầu không giảm hoặc giảm ít khi sử dụng thuốc giảm đau; buồn nôn, nôn; bị co giật một chi, hoặc co giật tất cả các chi, mắt trợn ngược, sùi bọt mép; bị yếu một tay, một chân hay yếu cánh tay, cẳng tay, cổ tay, cổ chân; tê bì, mất hay giảm cảm giác một phần nào đó trên cơ thể; Rối loạn nhìn: nhìn mờ, lác mắt, nhìn đôi.
Thậm chí có trường hợp khối u não gây thay đổi tính cách: dễ cáu gắt, dễ bị kích thích, trầm cảm...; khó tập trung hoặc không thể tập trung học, làm việc; rối loạn nói: khó nói, khó tìm từ thích hợp để nói, không thể nói được, không hiểu từ, hoặc không hiểu được cả câu người khác hỏi.
Rối loạn thăng bằng, đi lại không vững, dễ bị ngã.
Một số trường hợp u não đặc biệt có những biểu hiện dễ nhận thấy như u tuyến yên tăng tiết nội tiết tố tăng trưởng (nội tiết tố GH) làm rối loạn sự phát triển. Chi của người bệnh to dần, ngón tay và ngón chân to, trán dô, mũi to, cằm da thô... loại u này phát triển chậm, người bệnh không nhận thấy sự thay đổi nhưng người khác dễ thấy rõ sự thay đổi đó.
“Các triệu chứng ung thư não rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên nhiều người còn chủ quan không đi khám và điều trị kịp thời. Vì thế khi có các dấu hiệu trên cần chủ động đi khám ngay”, PGS.TS Đồng Văn Hệ cảnh báo.
PGS.TS Đồng Văn Hệ cũng cho biết ngày 28/3/2020 tới đây, các chuyên gia BV Việt Đức sẽ khám, tư vấn miễn phí cho người dân và bệnh nhân nhằm phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời các bệnh lý về não.
Người dân chỉ cần đăng ký qua Tổng đài CSKH 1900190 và đến khám tại Phòng khám 11, Tầng 2, nhà C4, Khu khám bệnh theo yêu cầu.