Hà Nội

Cảnh báo: Tỷ lệ trở nặng và tử vong ở người lớn mắc sốt xuất huyết cao hơn nhiều so với trẻ em

25-10-2022 19:46 | Y tế
google news

SKĐS - Bệnh sốt xuất huyết có thể diễn tiến rất nhanh, khả năng bệnh nhân sốc, gặp các biến chứng nặng và tử vong rất cao đặc biệt là người lớn.

Tính từ đầu năm tới nay, cả nước đã có gần 258.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 102 ca tử vong. Riêng TP.HCM, tính từ đầu năm tới nay Thành phố đã ghi nhận 66.699 ca bệnh. Chỉ trong tuần 42, Thành phố có gần 2.000 ca bệnh sốt xuất huyết. Dù số ca sốt xuất huyết đang có xu hướng giảm nhưng tính tới hiện nay, số ca mắc đã tăng gấp 7 lần, số ca nặng tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đã có 29 ca tử vong.

Số ca mắc cao, sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp

Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 150-200 bệnh nhi tới thăm khám do mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có khoảng 120 trường hợp nặng cần nhập viện điều trị nội trú. Đa phần các bệnh nhân nặng đều không được phát hiện sớm, nhập viện trễ.

Tại bệnh viện nhi đồng 2, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhi tới thăm khám do mắc sốt xuất huyết. Hiện bệnh viện đang điều trị cho hơn 60 ca bệnh nội trú do mắc sốt xuất huyết.

Phòng sốt xuất huyết, phát hiện sớm để giảm tử vong - Ảnh 1.

Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM (Ảnh: P.T)

Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, tính từ đầu năm tới nay, bệnh viện đã tiếp nhận gần 40.000 trường hợp đến thăm khám. Trong đó, có hơn 11.000 bệnh nhân phải điều trị nội trú. Đã có tới 25 trường hợp tử vong so sốt xuất huyết.

Theo BS.CK2 Phan Vĩnh Thọ, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, trước đây sốt xuất huyết chủ yếu gặp ở trẻ em, nhưng những năm gần đây tỷ lệ bệnh nhân người lớn mắc sốt xuất huyết lại cao hơn cả trẻ em. Đặc biệt, tỷ lệ trở nặng gây khó khăn trong điều trị và tử vong ở người lớn khi mắc sốt xuất huyết cũng cao hơn rất nhiều so với trẻ em. Theo thống kê của HCDC, 75% ca tử vong do sốt xuất huyết là người lớn.

So với năm 2019 - năm bùng phát sốt xuất huyết gần nhất thì năm 2022 số ca mắc đã tăng gấp đôi so với năm 2019. Tuy nhiên, đây cũng là tình trạng bình thường do theo chu kỳ dịch mỗi 3-5 năm sẽ bùng phát 1 lần. Các chuyên gia cũng dự đoán, từ nay tới cuối năm tình hình dịch sốt xuất huyết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Phát hiện sớm, giảm tỷ lệ tử vong

Theo BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), ngay khi trẻ xuất hiện dấu hiệu sốt, phụ huynh cần nghĩ ngay tới trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết. Nếu trẻ không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi, suy đa tạng, xuất huyết não...thậm chí là tử vong.

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), người dân tuyệt đối không được chủ quan vì sốt xuất huyết có thể xảy ra ở mọi đối tượng từ trẻ em cho tới người già. Người đã từng mắc sốt xuất huyết vẫn có khả năng tái nhiễm các lần sau.

Để phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết, chúng ta có thể dựa vào các dấu hiệu điển hình như sốt cao đột ngột 39-40 độ C từ 2-7 ngày. Đồng thời, bệnh nhân sẽ kèm theo các dấu hiệu như da xung huyết, ửng đỏ (như cháy nắng), mệt mỏi, ăn uống kém, buồn nôn, sang ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 thì sẽ xuất hiện các dấu xuất huyết tự nhiên ngoài da, chảy máu răng, chảy máu mũi, ói ra dịch lợn cơn đen, ói ra máu, đi cầu phân đen hoặc xuất huyết âm đạo bất thường ở trẻ gái dậy thì.

Phòng sốt xuất huyết, phát hiện sớm để giảm tử vong - Ảnh 2.

Phát hiện sớm sốt xuất huyết có thể giảm nguy cơ trở nặng và tử vong do sốt xuất huyết.

Để chắc chắn rằng các nốt ban đỏ trên da là dấu hiệu của sốt xuất huyết Dengue, người dân có thể đặt máy đo huyết áp trên cánh tay hoặc buộc cánh tay bằng dây garo. Sau khoảng 5 phút, dưới vùng da đặt máy hoặc buộc dây xuất hiện các dấu chấm li ti thì đây là dấu hiệu xuất huyết da do sốt xuất huyết gây ra.

Phụ huynh cũng có thể phát hiện các vết xuất huyết trên da sớm bằng cách căng vùng da bị ban ra hoặc lấy vật dụng trong suốt như kính, đáy ly để ấn vào các vết đỏ trên da. Nếu các vết đỏ vẫn xuất hiện màu đỏ mà không bị đổi màu sang màu trắng thì đây chính là xuất huyết da do sốt xuất huyết.

Khi bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu như đau bụng nhiều, nôn ói nhiều, tay chân lạnh, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết ngoài da nhiều, vật vã, li bì, đau vùng gan, tiểu ít.. đồng nghĩa với việc bệnh nhân đang chuyển nặng.

Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, các trường hợp nặng và tử vong do sốt xuất huyết thường được phát hiện và đưa vào viện trễ hoặc bệnh nhân cũng được đưa tới các phòng mạch và được chẩn đoán sai bệnh dẫn tới bệnh trở nặng.

Trước số ca nặng và tử vong do sốt xuất huyết ngày càng tăng, Sở Y tế TP.HCM đã có các phương án để giảm ca tử vong do sốt xuất huyết xuống mức thấp nhất. Sở Y tế TP.HCM đã quyết định phân tầng điều trị các bệnh nhân sốt xuất huyết. Theo đó, các cơ sở y tế tại Thành phố sẽ được chia thành 3 tầng để điều trị các bệnh nhân từ nhẹ tới nặng.

Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM cũng đã yêu cầu các cơ sở trên địa bàn Thành phố triển khai quy trình báo động đỏ đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue nặng, nguy kịch có nguy cơ tử vong để kịp thời cứu sống bệnh nhân.

Ngành y tế TP.HCM cũng đã thành lập Tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết với 33 thành viên với nhiệm vụ hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết; phân tích, rút kinh nghiệm từ các trường hợp nặng, tử vong; tham gia tập huấn, tư vấn từ xa, hội chẩn, xử trí bệnh nhân sốt xuất huyết nặng...

Bệnh viện TP.HCM phải kích hoạt báo động đỏ khi có ca sốt xuất huyết nặngBệnh viện TP.HCM phải kích hoạt báo động đỏ khi có ca sốt xuất huyết nặng

SKĐS - Sở Y tế TP.HCM vừa yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn triển khai quy trình báo động đỏ đối với bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nguy kịch, có nguy cơ tử vong nhằm kịp thời cứu sống bệnh nhân, giảm tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết xuống mức thấp nhất.


P.Thương
Ý kiến của bạn