Cảnh báo tử vong do nhiễm trùng sau cấy ghép phân

10-07-2019 07:08 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Cấy phân - chuyển vật chất từ người khỏe mạnh sang người bị bệnh với “microbiome” - hệ gene của vi sinh vật bị tổn thương là phương pháp điều trị mới ngày càng được sử dụng cho nhiều loại bệnh.

Tuy nhiên, mới đây, đã có trường hợp đã tử vong do nhiễm trùng nặng liên quan đến cấy ghép vi khuẩn trong phân, khiến Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) phải đưa ra một cảnh báo về việc sử dụng phương pháp điều trị này.

Cấy microbiota trong phân - quy trình vẫn còn thử nghiệm

Nhiều thử nghiệm đã cho thấy, việc cấy phân thực sự có hiệu quả với các bệnh nhân nhiễm khuẩn Clostridium Difficile. Y văn đã ghi nhận hàng trăm trường hợp hồi phục kỳ diệu nhờ phương pháp này. Một cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thấy kháng sinh thông thường chỉ đạt hiệu quả 27%, trong khi đó, cấy phân có thể giúp 90% người nhiễm C-diff khỏi bệnh.

Ghép phân hoặc cấy ghép vi sinh vật trong phân (Fecal microbiota transplantation - FMT) trong nhiều năm qua là đề tài

tranh cãi của đông đảo nhà nghiên cứu, các bác sĩ, các phương tiện truyền thông và cộng đồng. Kỹ thuật này được tiến hành ở những người bị nhiễm khuẩn Clostridium Difficile kháng kháng sinh. Đây là dạng nhiễm trùng đường ruột khó chữa vì các vi khuẩn xấu sinh sôi với tốc độ nhanh trong đại tràng và có thể dẫn đến tiêu chảy gây tử vong.

Việc cấy ghép bao gồm lấy phân từ một người hiến tặng khỏe mạnh và đặt nó vào đại tràng của bệnh nhân bị bệnh. Các nhà khoa học cho hay, có nhiều người mắc các bệnh đường ruột khiến một lượng lớn vi khuẩn có lợi bị chết hoặc quá ít. Trong khi đó, các vi khuẩn này lại có rất nhiều trong phân của người hiến khỏe mạnh. Tuy nhiên, tiêu chí đòi hỏi ở người hiến phân khá ngặt nghèo. Người hiến không những phải được xét nghiệm máu mà còn phải trải qua 3 bài kiểm tra chất lượng phân khác. Ngoài ra, người hiến cũng phải tuân theo chế độ ăn uống nghiêm ngặt. Chế độ ăn uống của họ không những phải lành mạnh mà còn không được ăn ngô, tôm, cua, ốc, thịt giăm bông, xúc xích và kháng sinh. Người hiến cũng phải đến cơ sở y tế ít nhất 1 giờ trước khi hiến. Nguyên nhân là vì phân phải được cấy ghép vào ruột người nhận chỉ trong vòng vài giờ sau khi thải ra khỏi cơ thể người hiến.

Việc cấy ghép giúp thay thế một “microbiome” không lành mạnh người bằng một microbiome khỏe hơn, chống lại bệnh tật. Sau khi được chuyển qua cấy ghép phân, microbiome mới này sẽ tái sinh microbiome của bệnh nhân bằng các vi sinh vật khỏe mạnh hơn, giúp loại bỏ C. difficile nguy hiểm. Ca cấy ghép phân đầu tiên là ở Trung Quốc vào thế kỷ IV. Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu việc sử dụng cấy ghép phân để điều trị các bệnh đường tiêu hóa mạn tính: Hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Tuy nhiên, cấy microbiota trong phân là một quy trình vẫn còn thử nghiệm, chưa được FDA chấp thuận.

Cấy ghép phân có thể giúp chuyển những vi khuẩn đường ruột có lợi từ người lành sang người bệnh.

Cấy ghép phân có thể giúp chuyển những vi khuẩn đường ruột có lợi từ người lành sang người bệnh.

Cảnh báo từ FDA

Mặc dù những lợi ích mà phương pháp này mang lại khá lớn nhưng mọi liệu pháp đều đi kèm với rủi ro. Việc cấy ghép phân cũng vậy. Cấy phân gây khó chịu và dễ phát tán mầm bệnh. Thêm vào đó, phân khác với mọi loại thuốc. Chúng được tạo nên từ hàng loạt vi khuẩn, virut chưa xác định cùng các thành phần biến đổi. Mới đây, theo FDA, 2 bệnh nhân được cấy ghép vi khuẩn phân trong một thử nghiệm lâm sàng đã phát triển các bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng từ các vi khuẩn đa kháng thuốc được cấy ghép. Cả hai bệnh nhân đều bị suy yếu hệ thống miễn dịch khiến họ dễ bị vi trùng kháng nhiều loại kháng sinh hơn. Hậu quả là 1 bệnh nhân đã tử vong.

Vì vậy, trước khi tiến hành cấy ghép phân cho bệnh nhân, FDA yêu cầu cần phải tiến hành sàng lọc và xét nghiệm phân nghiêm ngặt để đảm bảo rằng không có vi khuẩn nào có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Ngoài ra, khi cấy ghép, các bác sĩ cần phải có đầy đủ thông tin từ bệnh nhân. Đồng thời, bệnh nhân cần được cảnh báo về bất kỳ rủi ro tiềm ẩn nào liên quan đến việc điều trị và được cho biết rằng việc điều trị vẫn được coi là thử nghiệm.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang tích cực khám phá các ứng dụng tiềm năng của microbiota trong phân để cấy ghép. Mặc dù liệu pháp này không được FDA chấp thuận nhưng FDA vẫn hỗ trợ việc sử dụng phương pháp điều trị này. Các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục theo dõi các thử nghiệm lâm sàng để đảm bảo bệnh nhân được an toàn với phương pháp điều trị này.

Tuy nhiên, sau khi nhận báo cáo về các bệnh nhiễm trùng kháng kháng sinh nghiêm trọng, FDA đã cảnh báo tất cả các chuyên gia chăm sóc sức khỏe quản lý việc cấy microbiota phân (FMT) về nguy cơ nghiêm trọng tiềm tàng này để họ có thể thông báo cho bệnh nhân.


Ngọc Nguyễn
Ý kiến của bạn