Từ ngày 30 đến mùng 4 Tết, cả nước ghi nhận gần 24.000 ca khám, cấp cứu do tai nạn giao thông (TNGT); số cấp cứu do đánh nhau tiếp tục gia tăng với gần 2.800 ca.
Báo cáo của Bộ Y tế ngày 19/2 (mùng 4 Tết) cho biết theo số liệu tổng hợp từ 1.300 bệnh viện (BV) trực thuộc Bộ Y tế, 63 sở Y tế các tỉnh, thành và y tế ngành trên toàn quốc, trong 5 ngày Tết Nguyên đán (từ ngày 30 đến mùng 4 Tết) cả nước đã ghi nhận gần 24.000 ca khám, cấp cứu do TNGT. Trong đó, gần 14.000 trường hợp nhẹ được xử trí và cho về trong ngày; gần 8.000 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú. Số tử vong do TNGT (bao gồm cả tử vong trước khi đến BV) là hơn 110 trường hợp, tăng so với cùng thời điểm Tết năm ngoái.
Ghi nhận tại các BV tuyến cuối tại Hà Nội cũng cho thấy số vụ TNGT liên quan đến rượu, bia vẫn ở mức cao.
Theo thống kê ban đầu, nếu như từ ngày 29 đến mùng 2 Tết Mậu Tuất, mỗi ngày BV Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận từ 50 - 73 ca nhập viện do tai nạn giao thông thì ngày mùng 3 Tết con số này tăng đột biến với 126 trường hợp (cao gấp hơn 2 lần so với ngày 30, mùng 1 Tết). Trong ngày mùng 4 Tết, chỉ riêng từ sáng đến đầu giờ chiều đã có hàng chục ca tai nạn giao thông phải vào BV Việt Đức cấp cứu.
Theo đánh giá của các bác sĩ, số trường hợp tử vong và chấn thương sọ não do tai nạn giao thông gia tăng trong hai ngày gần đây chủ yếu liên quan đến uống rượu, bia và không đội mũ bảo hiểm. Các kíp trực làm việc hết sức vất vả, vừa công việc cấp cứu vừa phân loại bệnh nhân để chuyển bớt những người bị chấn thương nhẹ đến các bệnh viện khác. Đại diện của BV Việt Đức cho biết, bệnh viện đã huy động tối đa y bác sĩ, thiết bị, mỗi ngày phẫu thuật hơn 40 bệnh nhân chấn thương nặng.
Nhiều bệnh nhân vào BV Việt Đức, BV Bạch Mai cấp cứu vì có liên quan đến rượu, bia
BS Nguyễn Thị Thu Hằng, khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, BV Việt Đức cho biết, vất vả nhất là cấp cứu những trường hợp tai nạn giao thông do uống rượu, bia.
Theo BS Hằng, trong thời gian Tết nhiều bệnh nhân bị trấn thương do TNGT có liên quan đến rượu. Khi theo dõi diễn biến bệnh nhân có rượu khó khăn hơn rất nhiều so với bệnh nhân không có nồng độ cồn trong máu cao, không uống rượu. Bởi vì khi nhập viện, bệnh nhân uống rượu rất kích thích, tri giác không tỉnh như bình thường, rất khó để biết tình trạng đó là do bệnh nhân uống rượu hay là do nguyên nhân tổn thương não gây nên.
"Thông thường, chúng tôi phải chờ bệnh nhân sau 1-2 ngày tỉnh cơn rượu mới xác định được chính xác nguyên nhân”, BS Hằng nói
Tương tự, tại khoa cấp cứu BV Bạch Mai, chỉ trong 3 ngày qua cũng tiếp nhận gần 400 bệnh nhân. Sau khi cấp cứu, các kíp trực nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến các chuyên khoa trong BV hoặc chuyển tới BV lân cận để giảm tải. Trong số hàng trăm bệnh nhân nặng đang điều trị tại BV Bạch Mai, chủ yếu là do lạm dụng rượu, bia dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy cấp, men gan tăng cao và xơ gan.
BS Hoàng Nam, Khoa Tiêu hóa BV Bạch Mai cho biết, lượng bệnh nhân dịp cận Tết và trong Tết đông hơn hẳn ngày thường và tình trạng bệnh cũng nặng hơn. Hầu hết bệnh nhân nhập viện trong những ngày Tết đều có bệnh lý phải lên khoa tiêu hóa hoặc liên quan đến rượu và chấn thương do tai nạn.
Đáng chú ý, trong đó có hơn 400 trường hợp nặng phải nhập viện điều trị và có 5 ca tử vong. Hơn 300 trường hợp ẩu đả phải nhập viện điều trị nội trú và 16 trường hợp phải chuyển viện tuyến trên.
Đáng kể, số tai nạn do pháo nổ đến khám, cấp cứu tăng hơn so với 6 ngày Tết Đinh Dậu 2017.
Ngoài ra, tại các cơ sở y tế tiếp nhận hơn 1.642 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, ngộ độc thức ăn, ngộ độc rượu, bia...
Tuy phải làm việc khá căng thẳng nhưng trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn đảm bảo bố trí kíp trực cấp cứu 24/24, đảm bảo thuốc men và các điều kiện thiết bị cấp cứu đầy đủ dịp Tết.