Cảnh báo từ một ca viêm màng não mủ

25-08-2015 11:01 | Y học 360
google news

SKĐS - Các bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai vừa nỗ lực cứu sống một bé trai bị viêm màng não mủ được phát hiện muộn, tiên lượng rất xấu.

Các bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai vừa nỗ lực cứu sống một bé trai bị viêm màng não mủ được phát hiện muộn, tiên lượng rất xấu. Hiện đang vào thời điểm bệnh viêm màng não có nguy cơ tăng, bác sĩ khuyến cáo bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý theo dõi dấu hiệu của trẻ; tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh để điều trị mà cần đưa trẻ tới bệnh viện khám và theo dõi.

Cháu Việt đã nhanh nhẹn, hoạt bát sau đợt điều trị bệnh viêm màng não mủ.

Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, các bác sĩ của BV vừa tiếp nhận và điều trị thành công một ca bệnh viêm màng não mủ cho bệnh nhi. Điều đặc biệt ở ca bệnh này là bệnh nhân được phát hiện bệnh rất muộn ở ngày thứ 9 của bệnh, có nhiều tiên lượng xấu, chẩn đoán nhầm, não bị tổn thương. Theo y văn, những bệnh nhân phát hiện bệnh viêm màng não mủ sau ngày thứ 7, nếu còn sống thì chắc chắn để lại di chứng nặng nề, nhưng với ca bệnh này lại không để lại di chứng. Ngày 18/8, bệnh nhi được xuất viện sau gần 2 tháng nằm điều trị.

PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, ngày 26/6 khoa Nhi tiếp nhận bệnh nhi Đồng Quốc Việt, 8 tháng tuổi ở Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định. Trước khi nhập viện Bạch Mai, bệnh nhi sốt cao liên tục 39 độ, không ho, không đi ngoài. Sau 3 ngày trẻ bắt đầu nôn nhiều lần, quấy khóc, gia đình cho trẻ vào BV huyện Hải Hậu được chẩn đoán viêm phổi, tại đây sau 6 ngày điều trị tình trạng bệnh không cải thiện, cháu bé được chuyển lên Khoa Nhi BV Bạch Mai. Trước khi đến viện, cháu bé có điều trị kháng sinh, corticosteroide và thuốc prospan. Khi nhập Khoa Nhi, BV Bạch Mai, trẻ vẫn trong tình trạng sốt, kèm ho có đờm, tiêu chảy ngày 5-6 lần, phổi có ran, sau hội chẩn lần đầu có hội chứng màng não nhưng dấu hiệu không rõ ràng. Theo dõi một thời gian, cháu bé mệt mỏi, kèm theo khó thở. Các bác sĩ tiến hành chọc dịch não tủy thấy protein tăng cao 4,3 (chỉ số bình thường là 0,4), não thất có giãn, hình ảnh viêm màng não mủ nhìn rõ trên phim chụp. Cháu bé đã được điều trị kháng sinh tốt nhất, với liều gấp đôi và được truyền tĩnh mạch kéo dài 3h/lần thay cho tiêm. Sau 7 tuần điều trị, từ một cháu bé bị viêm màng não mủ rất nặng, cháu bé đã trở lại hoàn toàn bình thường, không có một di chứng nào.

Theo PGS.TS.Dũng, ở em bé này có điều đặc biệt là các dấu hiệu của bệnh viêm màng não mủ không đặc hiệu do đó bị chẩn đoán muộn. Nếu dấu hiệu của bệnh não dựa vào tam chứng là: “đau đầu, gáy cứng và táo bón” thì ở trẻ này lại có tiêu chảy, việc bé tiêu chảy nên thường bị chẩn đoán lạc sang bệnh khác. Bên cạnh đó để nhận biết dấu hiệu các bệnh về não còn có thêm hướng nữa là trẻ bị co giật, lờ đờ, yếu mệt, nhưng ca bệnh này cũng không có do vậy việc chẩn đoán lại khó khăn thêm. Và, phải đến ngày thứ 9, bệnh nhi mới được phát hiện viêm màng não mủ.

Cũng theo PGS.TS.Dũng, với chứng bệnh viêm não, viêm màng não nếu phát hiện bệnh ở ngày thứ 3 thì có thể điều trị khỏi hoàn toàn, từ ngày thứ 3 - 7 có thể chữa khỏi nhưng di chứng để lại tỷ lệ cao, còn từ ngày thứ 7 của bệnh trở đi nếu điều trị khỏi thì chắc chắn để lại di chứng. Tuy nhiên, rất may ở em bé này mặc dù phát hiện ở ngày thứ 9 của bệnh nhưng cháu đã khỏi hoàn  toàn và không để lại di chứng gì. Ông ngoại bệnh nhi cho biết: “Đã có lúc cháu rất nguy kịch, chân tay không cử động, mắt lờ đờ, khi đó, tôi cũng nghĩ đến tương lai xấu của cháu, tuy nhiên, thật may mắn được các bác sĩ động viên giờ cháu đã trở lại là một đứa trẻ bình thường biết cười đùa, trò chuyện...”

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Dũng cho biết, từ ca bệnh này, các bác sĩ muốn cảnh báo đến các bậc phụ huynh trong việc sử dụng thuốc cho trẻ. Không nên tùy tiện sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ, vì làm như vậy sẽ khiến những dấu hiệu nhận biết bệnh mà từ trước đến nay các bác sĩ được học bị méo mó, dẫn đến việc khó chẩn đoán bệnh và chẩn đoán muộn. Cùng quan điểm với TS.Dũng, BS.Dương Đức Hùng, Trưởng phòng KHTH, BV Bạch Mai cũng lo ngại, cách dùng thuốc trong xã hội chúng ta hiện nay khiến cho việc chẩn đoán bệnh vô cùng khó khăn, khi mà nhiều người có tư tưởng chỉ hơi một chút ốm, đau là dùng kháng sinh, sốt cũng kháng sinh, ho cũng kháng sinh, thậm chí chưa đi viện khám được cũng “dùng tạm kháng sinh” đã khiến nhiều người phải lãnh hậu quả “gậy ông đập lưng ông”, còn các bác sĩ thì rất lo ngại với tình hình dùng thuốc như thế này, vi khuẩn nhanh chóng kháng thuốc và lúc đó  không biết dùng cái gì để điều trị.

Bài, ảnh: Nguyễn Hồng

 

 


Ý kiến của bạn