Hà Nội

Cảnh báo từ một ca cấp cứu do sét đánh

29-06-2016 10:37 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Sáng ngày 27/6/2016, Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nữ, chị N.T.N, 37 tuổi (ở Phú Xuyên, Hà Nội) trong tình trạng hôn mê sau khi bị sét đánh.

Sáng ngày 27/6/2016, Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nữ, chị N.T.N, 37 tuổi (ở Phú Xuyên, Hà Nội) trong tình trạng hôn mê sau khi bị sét đánh. Được biết khoảng 7h30 cùng ngày, nạn nhân đang cấy lúa ngoài đồng thì xuất hiện cơn mưa dông và chưa kịp trú ẩn thì bị sét đánh trúng. Tia sét nằm trong số 5 kẻ giết người hàng đầu liên quan tới thời tiết.

Sau khi bị sét đánh, chị N. bất tỉnh, vùng cổ, vai, ngực, tay và phần bụng bên trái bị tổn thương cháy xém và bỏng da. Chị được đưa vào trạm y tế xã để sơ cứu và được chuyển lên BVĐK Bộ Nông nghiệp.

Tại đây, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê (GCS: 10 điểm), vật vã và kích thích, mạch nhanh (110 lần/phút), huyết áp tụt (80/50mmHg), tổn thương bỏng độ I, độ II với tổng diện tích khoảng hơn 10% diện tích da cơ thể, không có liệt vận động, nghe phổi thông khí đều và không có tiếng ran, tim nhịp đều, bụng mềm và không trướng.

Ngay lập tức, bệnh nhân được thở ôxy 10 lít/phút qua mask, giảm đau (fentanyl 100µg, tiêm tĩnh mạch 2 ống; perfalgan 1g, truyền tĩnh mạch 1 lọ), truyền dịch (dung dịch NaCl 0,9%, truyền tĩnh mạch 2.000ml) và cố định cột sống cổ. Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy, hình ảnh chảy máu não nhỏ vùng bao trong phải và não thất III. Bệnh nhân được chuyển tới Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai lúc 10h cùng ngày để tiếp tục điều trị và theo dõi.

BS. Nguyễn Anh Tuấn (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) đang đánh giá tình trạng bệnh nhân N.T.N. khi mới vào viện. Ảnh: LQC

Sét đánh là một cấp cứu y khoa liên quan tới thời tiết. Hầu hết số người bị thương hoặc chết do sét đánh đang ở ngoài trời để tham gia các hoạt động như câu cá, chèo thuyền, bơi lội hoặc chơi thể thao, làm việc ngoài trời trên đồng ruộng hay tại các công trường.

Tia sét có thể gây ra nhiều tổn thương khác nhau:

Tổn thương tim hoặc ngừng tim có thể xảy ra.

Có tới 2/3 số người bị tổn thương nghiêm trọng do sét đánh có liệt do sét đánh (keraunoparalysis) - liệt tạm thời đặc trưng với sét đánh.

Nạn nhân có thể bị bỏng bề mặt. Bỏng sâu rất hiếm. Bỏng chiếm dưới 5% các tổn thương do sét đánh.

Nhiều loại gãy xương và trật khớp khác nhau do sét đánh.

Vỡ xương sọ và các tổn thương cột sống do chấn thương kết hợp.

Phổi có thể bị tổn thương gây khó thở.

Tổn thương mắt gây ra các vấn đề về thị lực ngay lập tức hoặc biểu hiện đục thủy tinh thể muộn.

Thường gặp thủng màng nhĩ gây đau, điếc và chóng mặt.

Khi nào cần đến sự chăm sóc y tế?

Gọi cấp cứu 115 để vận chuyển nạn nhân vì bất cứ lý do nào sau đây:

- Bất tỉnh: bất cứ giai đoạn bất tỉnh nào.

- Liệt.

- Đau ngực.

- Khó thở.

- Đau lưng hoặc cổ.

- Biến dạng tứ chi rõ rệt, ví dụ như tay hoặc chân (xương có thể bị gãy).

- Bất cứ tổn thương bỏng đáng chú ý nào.

Xử trí sét đánh tại nhà hoặc hiện trường

Tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) ngay lập tức cho bất cứ nạn nhân nào ngừng thở hoặc không có mạch. Gọi dịch vụ cấp cứu 115. Tiến hành hồi sinh tim phổi qua điện thoại theo hướng dẫn từ Trung tâm cấp cứu 115. Bất cứ nạn nhân nào nghi ngờ bị tổn thương do sét đánh cần được khám theo dõi tại khoa cấp cứu của bệnh viện, ngay cả khi tổn thương đó không rõ ràng.

Điều trị bệnh nhân bị sét đánh

Nói chung, nếu nạn nhân không có triệu chứng và điện tâm đồ bình thường, nạn nhân có thể về nhà và tái khám nếu thấy bất thường. Bác sĩ sẽ điều trị các tổn thương sau nếu phát hiện thấy khi thăm khám:

Tổn thương đầu: biểu hiện bằng mất ý thức hoặc lú lẫn thường được điều trị bằng việc theo dõi tại bệnh viện.

Có thể tổn thương tim: biểu hiện trên điện tâm đồ bất thường hoặc nồng độ men tim trong máu. Thường được điều trị tại bệnh viện bằng việc theo dõi và dùng thuốc nếu cần.

Tổn thương tai và mắt cần được điều trị với lời tư vấn của bác sĩ chuyên khoa phù hợp.

Liệt do sét đánh (keraunoparalysis) thường là tạm thời nhưng có thể cần theo dõi tại bệnh viện.

Tổn thương cột sống cần phải nhập viện để theo dõi và phẫu thuật.

Gãy xương có thể được điều trị bằng nẹp hoặc phẫu thuật.

Các triệu chứng của tổn thương thần kinh (tê, ngứa) cần được khám và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa thần kinh.

Dự phòng sét đánh

Những lời khuyên sau đây có thể giúp mọi người tránh bị sét đánh. Sét có thể xuất hiện trước hoặc sau một cơn giông bão; Tránh ở ngoài trời với khoảng không mở (đồng không mông quạnh) trong cơn giông bão. Nếu bạn nghe thấy tiếng sấm thì bạn đang ở phạm vi mà sét có thể đánh. Bạn cần phải tìm nơi trú ẩn ngay lập tức nếu bạn đang ở bên ngoài; Khi bạn đang ở dưới cơn bão, tránh khu vực cao nhất và các đối tượng cao; Không mang hoặc giữ các vật bằng kim loại trong cơn giông bão; Nếu sét đã đánh xuống một khu vực, hãy nhớ rằng sét có thể tấn công cùng một vị trí 2 lần; Nếu bạn không tìm thấy nơi trú ẩn, hãy cúi mình trong tư thế bắt bóng. Đặt hai tay lên đầu gối hoặc che lên tai (bảo vệ tai khỏi tiếng sấm). Nếu bạn ở bên cạnh một người khác thì nên cách nhau 4-5m; Phương tiện giao thông bằng kim loại kín đáo như ôtô con hoặc xe buýt có thể là nơi trú ẩn tốt. Đóng tất cả các cửa và không chạm vào bất cứ kim loại nào được kết nối với xe. Xe golf không phải là nơi trú ẩn thích hợp. Người điều khiển máy xúc có thể ở lại bên trong cabin đóng kín cửa và không được ra ngoài tìm nơi trú ẩn; Không sử dụng điện thoại bàn và các thiết bị điện bao gồm cả máy tính. Sét có thể tấn công đường dây ngoài trời và lan truyền vào trong nhà; Hãy đợi 30 phút sau cơn giông, rồi mới hãy rời khỏi nơi trú ẩn.


BS. Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai)
Ý kiến của bạn