Tác động tiêu cực
Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm ngành nông nghiệp sử dụng khoảng 100.000 tấn thuốc BVTV, với hơn 4.000 thương phẩm, tương đương mỗi năm, một người dân “gánh” 1 kg. Sử dụng nhiều, nhưng vỏ bao thuốc lại không được xử lý triệt để, nhiều người dân vứt la liệt ngoài đồng. Lượng thuốc tồn dư trong vỏ bao ngấm vào đất, vào nước, trở thành chất “đầu độc” môi trường.
Qua những lần điều tra cho thấy tại xã trồng hoa Mê Linh, huyện Mê Linh và Tây Tựu (quận Nam Từ Liêm), mức độ sử dụng thuốc cao cấp 3 lần một huyện thông thường, do người dân phải phun nhiều để bảo vệ hoa. Tôi gặp ông Nguyễn Văn Thắng, xã Mê Linh lúc đang phun hoa hồng. Ông đeo đồ bảo hộ kín mặt, bởi loại thuốc ông phun cho hoa “kinh không chịu được”. Hỏi vì sao, ông trả lời: Sâu bệnh kháng thuốc. Phun bình thường theo liều lượng nó không chết đâu, không khỏi bệnh nên càng phải phun mạnh, thay đổi thuốc liên tục, thậm chí trộn nhiều loại với nhau. Có khi phun nhiều lại càng kháng sâu bệnh, nên chúng tôi rơi vào vòng luẩn quẩn.
Thâm nhập thực tế, huyện Mê Linh có hơn 120 đại lý kinh doanh thuốc BVTV, năm 2017 lượng thuốc tiêu thụ trên địa bàn khoảng 60 nghìn kg, tương ứng khoảng 10 kg/ha cây trồng. Tại các huyện như Chương Mỹ, Đan Phượng, quận Nam Từ Liêm, số hộ kinh doanh loại thuốc này cũng ở mức cao.
Những ngày này về huyện Kinh Môn (Hải Dương) chuyên trồng hành tỏi, với hơn 20 xã cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn hành, tỏi thương phẩm mỗi năm. Tuy nhiên có một vấn đề là để đỡ tốn công làm cỏ, bà con đã phải phun thuốc diệt cỏ sau khi vừa cắm củ giống xuống đất. Nhiều người dân cũng cho biết, do thời tiết bất thường, nhiều năm bệnh sương mai hoành hành, người dân phải tăng cường phun trừ bệnh.
Phun nhiều hại lớn. Muốn thấy những tác động tiêu cực của thuốc BVTV rõ nhất hãy về các đồng ruộng vùng chiêm trũng. Xưa kia, các kênh rạch, hồ chứa nước thủy lợi là những nơi đầy tôm cá, ếch, nhái thì nay đã đen ngòm, thiếu vắng các loài sinh vật có lợi cho con người và cây trồng. Là người gắn bó nhiều năm với nông thôn, ông Lương Văn Hè, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương thốt lên: “Mấy năm trước người dân còn dùng thuốc diệt cỏ độc hại để phun diệt bèo tây trên kênh rạch, sông ngòi, đã làm cá chết nổi trắng. Vậy có xót xa không?”.
Vòng trở lại miền quê xã Minh Tân (Phú Xuyên, Hà Nội), trên các con kênh đầy tôm cá, cấy rau muống mà tuổi thơ tôi và nhiều người dân trong xã đã nương nhờ không còn. Thay vào đó là những con kênh chết, chỉ còn loài ốc bươu vàng sống sót. Rau muống mọc tràn lan nhưng không ai dám hái ăn vì sợ nhiễm độc chì. Một người nông dân chỉ tay ra đoạn kênh dài, giọng trầm buồn: “Ngày xưa chúng tôi vẫn kéo vó kiếm cá vào mùa mưa. Mùa nước cạn thì tát giòn, cua cá nhiều vô kể. Nhưng nay chỉ còn trong ký ức...”.
Môi trường bị ảnh hưởng, tiếp đó con người cũng là đối tượng gánh chịu hậu quả. Mới đây, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) tiến hành xét nghiệm thuốc BVTV tồn dư trong 67 người không trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp của các huyện ngoại thành Hà Nội. Kết quả, có 35 người ở mức an toàn; 31 người ở mức nguy cơ (tức là đang có thuốc BVTV lưu tồn trong máu); 1 người ở mức rủi ro (nguy hiểm hơn mức nguy cơ). Như vậy có thể khẳng định nguy cơ nhiễm thuốc BVTV có thể xảy ra đối với bất cứ ai, do nhiều đường nhiễm như ăn uống, hít thở... Đó chính là điều con người đang phải trả giá.
Người dân xã Mê Linh (Mê Linh, Hà Nội) phải phun thuốc trừ sâu nhiều lần một tháng vì sâu bệnh kháng thuốc.
Le lói giải pháp...
Lo lắng về sự an toàn mới đây, UBND xã Minh Tân (Phú Xuyên) đã phát động chiến dịch trồng rau an toàn trên địa bàn, giảm lượng thuốc BVTV, không dùng thuốc diệt cỏ, tăng cường thu gom rác thải độc hại, trồng hoa ven đường đồng để tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp. Sự sốt sắng của lãnh đạo xã Minh Tân khiến nhiều người dân mừng lắm. Nhưng giá như điều đó được các lãnh đạo xã trước đây thực hiện sớm hơn. Bởi nhìn lên xã Vân Từ, cũng là địa bàn thuộc huyện Phú Xuyên, chúng tôi và chắc lẽ nhiều người dân khác sẽ... thèm thuồng, bởi chợ Vực ở trung tâm xã Vân Từ ngày nào cũng có từ 10 đến 20 hàng bán cá đồng.
Chủ tịch UBND xã Vân Từ Nguyễn Ngọc Vương dẫn dụ: “Anh cứ ra chỗ ngã tư kia, trước đây là nơi chứa thuốc bán cho bà con. Nay thì bỏ không. Người dân không trồng màu, chỉ cấy lúa và thích sự an toàn, nên không cần phun!”.
Ở Hà Nội, Mỹ Đức là một trong những huyện đi đầu về áp dụng SRI (hệ thống thâm canh lúa cải tiến), nên đã giảm tới 80% thuốc phun. Xã Đại Nghĩa là cái nôi đầu tiên của Mỹ Đức áp dụng SRI, ban đầu cũng bị người dân phản đối kịch liệt. HTX Nông nghiệp Đại Nghĩa mời người dân làm thử 4 héc-ta nhưng ai cũng... rụt rè sợ. Sau đó HTX phải cam kết nếu năng suất thấp hơn sẽ bù thóc. Với sự quyết tâm của chính quyền xã, cán bộ nông nghiệp, các thành viên của HTX, mô hình đã... thắng lớn! Sau đó mô hình này khiến người dân “mắc nghiện” chính là năng suất, nhiều người làm theo. 10 năm qua, xã đã giảm tới 80% lượng thuốc, thậm chí có người 10 năm không sử dụng một gói thuốc nào. Những mô hình giảm thuốc BVTV trên cây trồng như vậy cần được nhân rộng.
Nhiều kiến nghị
Những năm gần đây việc thay đổi cơ cấu giống cây trồng, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng thâm canh cao người dân đã coi thuốc trừ cỏ như một phương thức sản xuất nhằm giảm thiểu nguồn lao động nhất là trong bối cảnh nguồn lao động trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay ngày càng cạn kiệt. Ngày 20/3/2015, tại Lyon - Pháp, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế IARC thuộcTổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố kết quả đánh giá khả năng gây ung thư đối với glyphosate thì nhiều nước trên thế giới đưa ra những biện pháp nhằm phản đối việc tái đăng ký đối với glyphosate, đồng thời ban hành các quy nhằm cấm sử dụng hoạt chất này.
Ở Việt Nam, tháng 4/2016 Bộ NN và PTNT đã tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ đăng ký đối với hoạt chất này. Nhằm bảo vệ sức khỏe của con người, vật nuôi, môi trường, Cục Bảo vệ thực vật đã và đang tiếp tục lấy ý kiến cũng như cập nhập các thông tin liên quan đến glyphosate để đề xuất với Bộ NN và PTNTcó biện pháp quản lý phù hợp.
Mạnh tay hơn, các chuyên gia khuyến cáo, nên đưa thuốc BVTV vào danh mục hàng hóa phải chịu thuế nhập khẩu. Bởi theo Điều 18 Nghị định 134/2016/NĐ-CP, với mục đích hỗ trợ người dân, nên nhà nước đưa thuốc BVTV vào danh mục miễn thuế. Có chuyên gia nêu, đó là sai lầm vì giá càng rẻ càng khuyến khích nông dân sử dụng nhiều thuốc, trộn ba bốn loại cùng phun.
Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng BVTV Hải Dương kiến nghị: Ở tuyến cơ sở nhiều người dân vẫn còn làm ăn tự phát, không ít hộ kinh doanh vẫn bị mối lợi làm... mờ mắt. Địa bàn tỉnh có hơn 1.000 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, nhưng chỉ có hai cán bộ thanh tra, nên thanh tra liên tục cũng phải mất mấy năm trời. Nhà nước nên đầu tư thêm nguồn lực con người, khoa học kỹ thuật cho ngành nông nghiệp. Nên rút bớt số lượng thuốc và tăng cường sản xuất, nhập khẩu thuốc sinh học để bảo vệ môi trường.
Làm việc với chúng tôi, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN và PTNT), cho biết trong năm 2017 và 2018, Hộiđồng tư vấnthuốc BVTV xem xét và đã đề xuất không cho đăng ký vào Danh mục 342 loại thuốc do không đáp ứng được với các quy định về đăng ký thuốc hiện nay, đồng thời cố gắng rút bớt 30% số lượng tên thương phẩm được phép lưu hành.
Quản lý thuốc BVTV là vấn đề khó. Song những tác động nhãn tiền của nó khiến chúng ta không thể bình tâm, mà phải hành động. Từ cán bộ ngành dọc đến các cơ quan chức năng liên quan và người dân, cần nỗ lực vì mục tiêu giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV, giảm lượng tồn dư trên cây trồng và trả lại cho ruộng đồng sự màu mỡ vốn có.