Cảnh báo từ bác sĩ nhi: Uống oresol không đúng cách có thể gây biến chứng thần kinh nguy hiểm

06-04-2018 21:38 | Đời sống
google news

SKĐS - Một số phụ huynh do sợ Oresol có mùi vị khó chịu, con không chịu uống nên pha thật đặc với lượng nước rất ít và cho con uống. Việc này đã vô tình gây nguy hiểm cho trẻ, có thể gây ra các triệu chứng như: co giật, hôn mê và dẫn đến các tổn thương não nguy hiểm

Oresol là dung dịch bù nước bằng đường uống khá phổ biến dùng để bù nước và điện giải khi trẻ bị tiêu chảy, sốt hoặc nôn. Với thành phần là muối, đường, oresol khi được pha đúng, uống đúng sẽ bù lại lượng nước đã mất giúp trẻ phục hồi.

Tuy nhiên, nếu pha không đúng cách sẽ khiến tình trạng của trẻ ngày càng nặng hơn, thậm chí là gây nên các biến chứng thần kinh nguy hiểm hoặc có thể dẫn đến tử vong.

Trẻ li bì, hôn mê do bù nước không đúng tỷ lệ

Bé Nguyễn Thu An (8 tháng tuổi, Hà Nội) bị sốt cao, đi ngoài liên tục gần 20 lần/ngày được mẹ cho đi khám tại bệnh viện Nhi Trung ương ngày 1/4 và được chẩn đoán tiêu chảy cấp do rotavirus. Tại đây, các bác sĩ đã kê đơn thuốc cho cháu điều trị ngoại trú đồng thời hướng dẫn cụ thể cách bù nước điện giải cho trẻ bằng oresol và men tiêu hóa. Tuy nhiên, sau 2 ngày điều trị, tình trạng tiêu chảy của trẻ vẫn không thuyên giảm, trẻ lơ mơ, ngủ nhiều.

Ngày 3/4 cháu An được gia đình đưa vào khoa Cấp cứu – Bệnh viện Nhi Trung ương với dấu hiệu mất nước nặng, rối loạn ý thức, li bì. Sau khi khám và làm xét nghiệm kiểm tra, bác sỹ chẩn đoán cháu bị mất nước nặng do tiêu chảy và rối loạn điện giải nặng do tăng natri máu (hàm lượng muối trong máu tăng cao).

Ths.BS Ngô Anh Vinh, khoa Cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho  biết, tăng natri máu là dấu hiệu của mất nước trong tế bào, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới biến chứng thần kinh nguy hiểm và có thể gây teo não. Các triệu chứng thần kinh lâm sàng thường gặp gồm: mệt mỏi, rối loạn tri giác, hôn mê, co giật. Nguyên nhân dẫn tới việc tăng natri máu trong trường hợp này là do gia đình đã pha oresol không đúng cách.

Tại khoa Cấp cứu – Chống độc, bé An được bù dịch bằng đường tĩnh mạch và kết hợp điều trị tăng natri máu. Sau 2 ngày điều trị theo phác đồ, bệnh tình của trẻ đã cải thiện: trẻ tỉnh táo, dấu hiệu mất nước giảm và nồng độ natri máu trở về giới hạn bình thường. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết, về lâu dài bệnh nhân vẫn cần được kiểm tra, đánh giá lại xem có tổn thương thần kinh hay không.

Bác sĩ nhi khoa cảnh báo nhiều cha mẹ cho trẻ uống oserol không đúng cách đã gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe của trẻ

Những lưu ý khi sử dụng oresol cho trẻ

Theo Bs Vinh, oresol là loại thuốc giúp bù nước rất hiệu quả, được khuyến cáo cho những trường hợp trẻ bị mất nước và chất điện giải do tiêu chảy, sốt cao… Oresol được pha đúng và uống đúng cách sẽ giúp bù lại lượng nước đã mất, giúp trẻ phục hồi. Tuy nhiên, tình trạng trẻ nhập viện vào khoa Cấp cứu – Chống độc do pha oresol không đúng cách vì cha mẹ chủ quan, thiếu hiểu biết lại khá thường gặp.

Một số phụ huynh do sợ Oresol có mùi vị khó chịu, con không chịu uống nên pha thật đặc với lượng nước rất ít và cho con uống. Việc này đã vô tình gây nguy hiểm cho trẻ bởi nếu Oresol được pha đặc quá sẽ khiến trẻ nạp quá nhiều muối (natri) từ Oresol vào cơ thể, lượng muối trong máu tăng cao.

"Nguy hiểm hơn, hàm lượng muối trong máu quá cao còn có thể gây ra các triệu chứng như: co giật, hôn mê và dẫn đến các tổn thương não nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong. Ngược lại, những trường hợp pha Oresol quá loãng sẽ làm giảm hiệu quả bù nước cũng như điện giải của Oresolcủa Oresol"- BS Vinh cho biết

 

Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh:

– Cần đọc kĩ hướng dẫn cách pha oresol, tuyệt đối tuân thủ theo liều lượng quy định… Ví dụ, nếu gói Oresol theo hướng dẫn pha với 200ml thì cần pha chính xác 200ml nước, không “ước lượng”, “áng chừng” hoặc đong bằng các dụng cụ đo lường không chính xác.

– Sau khi pha dung dịch với nước phải uống hết trong vòng 24 giờ. Sau 24 giờ nên bỏ đi và pha gói mới. Tuyệt đối không bảo quản trong tủ lạnh cho trẻ uống dần.

– Không chia nhỏ gói thuốc để sử dụng.

– Không đun sôi dung dịch đã pha, có thể làm mất các phẩm chất của thuốc, bay hơi, tăng độ thẩm thấu.

– Tuyệt đối không được cho thêm đường, không pha với sữa, nước trái cây, nước ngọt…, hoặc làm theo ý riêng của mình để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

– Khi xuất hiện dấu hiệu như trẻ thay đổi ý thức: lơ mơ, li bì, mệt mỏi, nôn nhiều, bố mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Thái Bình- Khánh Chi
Ý kiến của bạn