Hà Nội

Cảnh báo: Trẻ ho gà rất nặng do chưa tiêm chủng

08-03-2017 13:46 | Đời sống
google news

SKĐS - Thông tin từ Bệnh viện Nhi TW cho biết, tính từ tháng 1/2017 đến nay đã có hơn 50 trường hợp ho gà nhập viện, 4 ca tử vong.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi TW cho biết, tính từ tháng 1/2017 đến nay đã có hơn 50 trường hợp ho gà nhập viện, 4 ca tử vong. Trong số trẻ ho gà nhập viện phần lớn trẻ chưa được tiêm chủng, tiêm chủng chưa đủ mũi, chưa đến tuổi tiêm chủng (chủ yếu trẻ từ 1-3,5 tháng tuổi), đều mắc ho gà rất nặng và được chuyển tới từ các bệnh viện địa phương.

Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính, hay xảy ra nhất trong mùa đông xuân và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Tác nhân gây bệnh ho gà là trực khuẩn ho gà Bordetella pertussis. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp hay để lại những biến chứng nặng dẫn đến viêm não.Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ảnh: TM

Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Ảnh: TM

Bệnh lây truyền thế nào?

Bệnh lây từ người bệnh sang người lành bằng đường hô hấp qua các giọt chất tiết ra từ miệng có chứa vi khuẩn ho gà. Không có người lành mang vi khuẩn hoặc người khỏi bệnh mang vi khuẩn. Vi khuẩn ho gà có sức đề kháng rất yếu, bởi vậy, sự lây truyền là do tiếp xúc trực tiếp, nhất là những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học. Mọi lứa tuổi đều có thể bị ho gà, nhưng trẻ em từ 1-6 tuổi dễ bị hơn. Trẻ càng nhỏ tuổi thì bệnh càng nặng.

Biểu hiện của bệnh

Bệnh khởi phát có thể không có sốt hoặc sốt nhẹ (37 - 380C) với các triệu chứng viêm long đường hô hấp (ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi, đau rát họng). Sau 7 -10 ngày, ho sẽ nặng dần theo từng cơn và kéo dài cả vài tháng nếu không điều trị.

Ở thời kỳ toàn phát: xuất hiện các cơn ho gà điển hình. Cơn ho xuất hiện đột nhiên vô cớ sau các kích thích, cả ngày và đêm nhưng hay gặp ho nhiều về đêm. Trẻ ho rũ rượi từng chuỗi liên tục. Mỗi chuỗi 15-20 lần ho liên tục, càng về sau càng yếu và giảm dần. Ho nhiều làm trẻ thở yếu dần, có lúc như ngừng thở, mặt tím tái, mắt đỏ ngầu, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt, nước mũi. Cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi chuỗi tiếp theo, trẻ thở rít vào thật dài nghe như tiếng gà rít. Các cơn ho cứ liên hồi cho tới khi trẻ nôn hoặc khạc được đờm trắng trong, dính như lòng trắng trứng, trong đó có trực khuẩn ho gà. Đặc biệt, trẻ sơ sinh bị ho gà thường rất nặng nề. Nhiều bệnh nhi ho nhiều đến mức chảy cả máu mắt. Phần lớn trẻ ho gà bị chết là do suy hô hấp, không đủ ôxy. Ngoài ra, ho gà có thể gây các biến chứng viêm phổi, xuất huyết kết mạc, thiếu ôxy não, biến chứng viêm não... nếu không được điều trị kịp thời.

Giai đoạn lui bệnh: Tuỳ từng trường hợp, nếu điều trị kịp thời bệnh sẽ lui dần với các cơn ho giảm, thời gian ho ngắn dần, khạc đờm ít sau đó hết dần.Trẻ mắc ho gà nếu không điều trị kịp thời có thể biến chứng viêm phổi.

Trẻ mắc ho gà nếu không điều trị kịp thời có thể biến chứng viêm phổi.

Cần điều trị sớm

Bệnh nhân ho gà cần được điều trị cách ly, tránh tiếp xúc với nhiều người để giảm nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng.

Bệnh không để lại biến chứng nếu được điều trị kịp thời và trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng gì đặc biệt ở đường hô hấp sau này. Hơn nữa, nếu điều trị sớm trong 7 ngày đầu sẽ giảm tần số cơn ho và giảm nguy cơ lây lan. Với trẻ lớn bị ho gà và không có biến chứng, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu trong 10-14 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Còn với trẻ dưới 6 tháng tuổi thường phải nằm điều trị nội trú trong bệnh viện. Trong thời gian điều trị, nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn các thức ăn dễ tiêu như cháo, sữa. Tuy nhiên, cần lưu ý, khi trẻ uống nước, bú, ăn cháo..., không nên cho trẻ ăn quá nhanh tránh bị sặc.

Phòng bệnh ho gà

Bệnh ho gà tuy nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa rất hiệu quả bằng cách tiêm chủng. Cho trẻ tiêm đủ 3 mũi theo đúng lịch tiêm sẽ có khả năng phòng bệnh rất lớn, đến 90%. Còn nếu chưa chủng ngừa đủ 3 mũi thì khả năng ngừa bệnh yếu hơn hoặc nếu trẻ có mắc bệnh thì sẽ nhẹ hơn những trẻ không tiêm chủng. Ngoài ra, với những người không mắc ho gà (dù ở lứa tuổi nào, đã hay chưa chủng ngừa vắc-xin) nhưng phải tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân ho gà sẽ được chỉ định điều trị dự phòng bằng kháng sinh. Tuy nhiên, cũng cần hạn chế tiếp xúc tối đa với bệnh, nhất là trong 7 ngày đầu bệnh khởi phát.

Lời khuyên của thầy thuốc

Ho gà là bệnh rất dễ lây lan, thậm chí lây thành dịch. Bệnh lây qua đường hô hấp, truyền từ người sang người qua những hạt nước bọt nhỏ văng ra khi bệnh nhân ho hoặc qua dịch mũi. Do vậy, khi thấy trẻ bị ho gà, cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ khám và điều trị ngay. Không nên có quan niệm ho gà phải kéo dài đủ 3 tháng 10 ngày sẽ tự hết mà không phải điều trị. Được điều trị càng sớm sẽ tránh nguy cơ bị biến chứng.


Lịch tiêm vắc-xin DTP (bạch hầu, uốn ván, ho gà) hoặc Quivaxem (vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, viêm gan virut B và Haemophilus influenzae type B như sau: Mũi 1: tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; Mũi 2: sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi 3: sau mũi thứ hai 1 tháng.

Ngoài tiêm chủng cho trẻ, Bộ Y tế cũng khuyến cáo nên tiêm phòng cho các bà mẹ mang thai để phòng bệnh ho gà cho trẻ sơ sinh và giai đoạn trước tuổi tiêm chủng.

BS. Trần Kim Anh
Ý kiến của bạn