Tại Hội nghị, GS.TS Đào Văn Long - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tại tiêu hóa, gan mật cho biết, vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là một trong những nguyên nhân gây loét dạ dày, hành tá tràng và là yếu tố nguy cơ cao của ung thư dạ dày. Đáng lo ngại, Việt Nam là khu vực có tỷ lệ người nhiễm cao. Vừa qua, Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật đã thực hiện một nghiên cứu khảo sát tình trạng nhiễm H.p trên 258 gia đình với 696 cá thể đến khám vì triệu chứng của đường tiêu hóa.
Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật đã thực hiện nghiên cứu, phân tích số liệu về vi khuẩn H.p dựa trên cá thể của từng bệnh nhân, quan hệ huyết thống của bệnh nhân đó đối với những người thân trong gia đình. Kết quả cho thấy, tỷ lệ nhiễm HP trong quần thể ở nước ta là 85,9%. Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HP ở trẻ dưới 8 tuổi đạt 96,2%. Điều này hoàn toàn ngược lại so với tỷ lệ nhiễm HP ở các nước phát triển bởi ở các nước này thì tỷ lệ trẻ em nhiễm HP rất thấp (chỉ chiếm khoảng 20% so với 80% của người lớn).
PGS.TS Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật chia sẻ, ở Việt Nam, trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Hp cao , có những trẻ bị nhiễm HP từ khi mới… 2 tuổi. Có trường hợp một em bé bị nhiễm khuẩn từ người mẹ (mang khuẩn HP) thông qua đường nếm, mớm thức ăn bón cho con.
Cũng theo PGS Thắng, vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày chứ không phải cứ có khuẩn HP là bị ung thư dạ dày. Khi có các triệu chứng bệnh lâm sàng như đau bụng, ợ hơi, hay nôn, ăn uống không được thì người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán, không nên tự điều trị tại nhà.
GS.TS Đào Văn Long trình bày báo cáo khoa học tại hội nghị.
Vi khuẩn HP có tên đầy đủ là Helicobacter Pylori, là một loại vi khuẩn sống trong dạ dày người, có thể tồn tại trong môi trường của axit dạ dày. Loại vi khuẩn này tiết ra một enzyme có tên là Urease giúp trung hòa độ axit trong dạ dày. Vi khuẩn HP có thể sinh sống và phát triển ở lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Nó có thể gây ra tình trạng viêm dạ dày mãn tính, thường phát triển trong khi không gây ra bất kỳ triệu chứng nổi bật nào.
Để phòng ngừa nhiễm khuẩn HP gây viêm loét dạ dày, các gia đình cần chú ý thực hiện nghiêm túc những hướng dẫn sau: Không dùng chung dụng cụ ăn uống trong gia đình như bát nước chấm, hạn chế gắp thức ăn cho nhau. Cẩn thận khi ăn uống tại các hàng quán ven đường vì các dụng cụ ăn uống thường không được vệ sinh sạch sẽ. Nên diệt trừ ruồi, muỗi, gián, chuột; giữ gìn vệ sinh chén đũa sạch sẽ, ngâm các dụng cụ ăn uống trong gia đình trong nước sôi. Không hôn trẻ, mớm đồ ăn cho trẻ. Không nên trộn đồ ăn cho trẻ nhỏ bằng đũa của mình. Các vật nuôi như chó, mèo cũng là nguồn lây nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori nên bạn cần vệ sinh sạch sẽ cho thú cưng. Hạn chế ăn đồ sống như rau sống, gỏi hay thức ăn lên men như mắm tôm, mắm ruốc vì các loại thực phẩm này thường không được vệ sinh sạch sẽ, dễ gây các bệnh đường tiêu hóa, trong đó có nhiễm khuẩn HP. Vi khuẩn HP chính là nguyên nhân nghiêm trọng gây viêm loét dạ dày. Vì vậy, nếu muốn phòng bệnh hiệu quả thì chúng ta cần phải kiểm soát con đường lây nhiễm loại vi khuẩn này.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Khánh Trạch – Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam đánh giá những nghiên cứu này của Viện là đáng giá, nhất là chỉ mới sau một năm thành lập. Việc khám, điều trị được thống kê, tổng kết thành báo cáo khoa học để từ đó trao đổi với các đồng nghiệp là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn 1 của nghiên cứu khoa học. Giai đoạn tiếp theo là nghiên cứu chỉ định việc dùng thuốc thế nào cho đúng. Bởi điều trị bệnh liên quan đến vi khuẩn H.p dùng đúng thuốc ngay từ đầu khỏi đến khoảng 50%. Nếu không điều trị dứt điểm ngay từ đầu thì các đợt tái phát sau điều trị rất khó khăn.
“Trong thời gian tới, Hội Nội khoa Việt Nam sẽ có hội nghị khoa học toàn quốc và đề nghị Viện trình bày báo cáo khoa học này cụ thể hơn để tìm hướng điều trị hiệu quả nhất”, GS.TS Nguyễn Khánh Trạch chia sẻ.