Hà Nội

Cảnh báo trẻ đi ngoài ra máu: Kết quả nội soi phát hiện có polyp đại tràng, trực tràng

23-05-2017 21:21 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Tưởng con bị táo bón do đi ngoài ra máu tươi, bố mẹ trẻ đã thay đổi chế độ ăn của trẻ, thế nhưng trẻ vẫn đi ngoài ra máu. Đưa con đến bác sĩ, gia đình tá hỏa khi bác sĩ thông báo trẻ bị polyp đại tràng

GS.TS Đào Văn Long, nguyên Giám đốc trung tâm nội soi- BV Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh nhi nói trên ở Hà Tĩnh mới 7 tuổi. Gia đình bệnh nhi cho biết, bé thường xuyên đại tiện lẫn máu tươi. Lúc đầu gia đình nghĩ do trẻ bị táo bón nên đã thay đổi chế độ ăn cho bé với nhiều thực phẩm có lợi cho tiêu hóa, nhuận tràng…  Tuy nhiên, tình trạng này vẫn không đỡ. Thậm chí ngay cả khi bé không bị táo bón vẫn có hiện tượng đi ngoài ra máu tươi.

Các bác sĩ đã tiến hành nội soi đại tràng cho cháu bé bằng ống nội soi mềm và cho trẻ dùng thuốc an thần. Kết quả nội soi đã phát hiện tại đại tràng sigma của bé có 2 polyp kích thước nhỏ 0,4 cm, tại trực tràng cũng có một polyp lớn kích thước 1,5 cm. Trong quá trình nội soi bác sĩ đã cắt cả 3 polyp trên.

“Ngay sau khi cắt polyp tình trạng đại tiện ra máu không còn. Bệnh nhi được chỉ định thêm sắt acid folic, dinh dưỡng hợp lý để phục hồi sức khỏe”- GS.TS Đào Văn Long cho biết.

Theo GS. TS Đào Văn Long, nhiều người nghĩ trẻ nhỏ đi ngoài ra máu là do táo bón mà không biết đó có thể do các polyp ở đại trực tràng hoặc một số bệnh lý khác. Số trẻ đến khám vì có các polyp này không phải hiếm gặp. Trẻ nhỏ tuổi nhất ông gặp là 3 tuổi.

Các bác sĩ tiến hành nội soi dạ dày cho bệnh nhi

GS Long cũng kể thêm có trường hợp bệnh nhi 14 tuổi đến khám ban đầu chỉ với biểu hiện rối loạn tiêu hóa, đau bụng, đi ngoài ra máu, xong qua nội soi bác sĩ phát hiện hàng nghìn polyp. Tuy nhiên trường hợp này là bệnh hiếm, mang yếu tố gene, yếu tố gia đình.

Bệnh polyp trực tràng ở trẻ nhỏ có thể có yếu tố gia đình hoặc không. Mặc dù bệnh này không phải là bệnh lý quá nguy hiểm, nhưng khi các polyp gây ra tình trạng chảy máu khi đại tiện thì cần phải can thiệp để giảm nguy cơ mất máu, thiếu máu nặng. Hơn nữa, các polyp này đa phần là lành tính, nhưng một số có thể trở thành ung thư.

“Ở người lớn, phần lớn ung thư đại trực tràng bắt nguồn từ các polyp này do theo thời gian, một vài polyp có thể hóa ác trở thành ung thư. Trong khi đó, polyp lúc đầu thường nhỏ và sinh sản chậm, không gây triệu chứng. Chính vì thế, khi phát hiện các polyp trẻ cũng cần được cắt bỏ để tránh đại tiện kém, nguy cơ ác tính thành ung thư”- GS Long nói.

Giáo sư Long cho hay, trên thực tế đa phần những trường hợp chảy máu tươi khi đi đại tiện lặp lại nhiều lần phần lớn nguyên nhân do polyp. Do đó, các phụ huynh  khi thấy trẻ có biểu hiện đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhiều, đặc biệt đại tiện ra máu, thay đổi phân, số lần đại tiện, đặc điểm điểm phân không bình thường thì nên đưa con đi khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa nhi để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị phù hợp.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn