Ngày 27/12, Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương Lê Ngọc Duy cho biết hiện nay thời tiết lạnh giá kéo dài khiến số ca bệnh nhi vào khám, nhập viện cấp cứu có tăng, tuy nhiên không tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2016. Bệnh nhi vào cấp cứu chủ yếu vì suy hô hấp, tiên lượng dè dặt.
BS Duy cũng chia sẻ, cách đây gần 1 tháng, Khoa Cấp cứu - Chống độc đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 2 tháng tuổi bị tử vong vì bố mẹ tự ý chữa ho tại nhà. Gia đình kể lại với bác sĩ cho biết, bệnh nhi có dấu hiệu sốt, ho và chảy nước mũi, tuy nhiên do nghĩ bé chỉ bị cảm cúm thông thường do thời tiết lạnh nên gia đình chỉ cho uống thuốc sirô ho thảo dược mà không đưa trẻ đi khám.
Sau đó, trẻ bị khó thở, bỏ bú, gia đình vội đưa con vào bệnh viện khám thì đã muộn. “Thời điểm bệnh nhi vào khám, bệnh đã tiến triển rất xấu dẫn đến suy hô hấp kéo dài, ngừng tim và tử vong sau đó”- BS Duy kể lại.
Qua trường hợp đáng tiếc này, BS Duy khuyến cáo, thời tiết lạnh kéo dài là điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh cho trẻ, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp phát triển mạnh. Do vậy, khi trẻ bị mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, phụ huynh không nên chủ quan, tự ý điều trị tại nhà. Đặc biệt, đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi nếu có dấu hiệu ho, sốt thì nên đưa đến viện để được thăm khám sớm.
“Vì bệnh do virus có thể chuyển biến rất nhanh thành viêm phổi, viêm tiểu phế quản khiến việc điều trị tốn kém, lâu dài, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng trẻ”- BS Duy khuyến cáo.
Các chuyên gia khuyến cáo khi trẻ bị mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, phụ huynh không nên chủ quan, tự ý điều trị tại nhà Ảnh minh họa
BS Duy cũng lưu ý các phụ huynh tuyệt đối không dùng lại đơn thuốc từ lần khám trước của trẻ hoặc dùng chung đơn thuốc. Một đơn thuốc chỉ dành riêng cho một cá nhân vào một thời điểm và trong điều kiện nhất định nào đó chứ không phải cho tất cả các trường hợp tương tự.
Việc tự ý dùng đơn thuốc chung hoặc đơn thuốc trước đó có thể khiến cho bệnh lý của trẻ diễn biến nặng, có thể gây những hậu quả đáng tiếc cho trẻ
Thống kê tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 3.000 trẻ vào khám. PGS.TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ em là đối tượng nhạy cảm dễ đổ bệnh nhất khi xảy ra rét đậm, hoặc giá rét kéo dài do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể hạn chế nên rất dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh.
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, BS. Nguyễn Thành Nam - Phụ trách Khoa Nhi cho biết, tại đây khoảng 50% trẻ khám và nhập viện do các bệnh lý hô hấp. Thường gặp nhất là các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như: viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm phổi. Ngoài ra, khi thời tiết quá lạnh, số trẻ mắc bệnh tiêu chảy cũng tăng cao hơn.
“Các bậc cha mẹ cần lưu ý đến những triệu chứng trẻ tiêu chảy, mất nước, da khô, mắt nhìn trũng để có thể kịp thời bổ sung nước cho trẻ, tốt nhất cho uống oresol pha theo hướng dẫn ở trên bao bì thay cho các loại nước khác”- BS Nam khuyến cáo