Hà Nội

Cảnh báo tội phạm giả giọng nói, nhận diện khuôn mặt để lừa đảo

05-02-2025 20:55 | Pháp luật
google news

SKĐS - Bộ Công an cho biết, tội phạm sử dụng công nghệ cao giả danh các cơ quan tổ chức, truy cập được vào tài khoản người dân để chiếm đoạt tài sản, thậm chí giả giọng nói, nhận diện khuôn mặt để lừa đảo.

Thông tin từ Bộ Công an, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn Bộ Công an đã cảnh báo đến người dân về thủ đoạn trên sử dụng công nghệ cao giả giọng nói, nhận diện khuôn mặt để lừa đảo.

Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, trước tình hình tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, phương tiện nghiệp vụ đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với loại tội phạm này.

Cảnh báo tội phạm giả giọng nói, nhận diện khuôn mặt để lừa đảo- Ảnh 1.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn Bộ Công an thông tin, cảnh báo tội phạm đến người dân. Ảnh: Bộ Công an

Ngay trước và trong Tết, nhiều vụ án nghiêm trọng về tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản được lực lượng công an triệt phá. Trong đó có vụ án Công an tỉnh Bắc Ninh đã triệt phá nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao, mạo danh cán bộ các cơ quan nhà nước gọi điện thoại hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục liên quan dịch vụ công trực tuyến để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 13.000 người dân trên cả nước, với số tiền gần 1.000 tỷ đồng.

Ngay sau đó, Công an thành phố Đà Nẵng đã triệt phá đường dây lừa đảo quốc tế thông qua các app đầu tư, app tình yêu với số tiền chiếm đoạt lên đến 1.800 tỷ đồng của khoảng 800 nạn nhân chỉ trong khoảng 5 tháng.

Để tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, trong năm 2025 lực lượng công an sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Trong đó tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng lừa đảo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Cùng với đó, lực lượng công an sẽ mở nhiều cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng. Rà soát, vô hiệu hóa các website, tài khoản mạng xã hội nghi vấn giả mạo các cơ quan, tổ chức để lừa đảo trên không gian mạng; Phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, xây dựng cơ chế phối hợp nhanh "khẩn cấp" truy vết dòng tiền, tạm khóa, phong tỏa tài khoản liên quan đến hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Bộ Công an cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử của công dân để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng; tăng cường ứng dụng kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời xác thực thông tin, làm sạch tài khoản ngân hàng và thuê bao di động, loại bỏ các tài khoản ảo và sim rác để hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo...

Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, đặc biệt là lừa đảo qua mạng, Bộ Công an đề nghị người dân không chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ người nào nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó; thận trọng, rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch điện tử, giao dịch trực tuyến. 

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động phạm tội công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Người dân nên thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng, tự đề kháng để phòng ngừa tội phạm; thận trọng, cảnh giác khi nhận các cuộc gọi mà người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, yêu cầu điều tra, giải quyết vụ án qua điện thoại...

Xem thêm video được quan tâm:

Bộ Y tế yêu cầu hệ thống thông tin quản lý khám, chữa bệnh phải bảo đảm tính bảo mật, toàn vẹn |SKĐS


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn