Cảnh báo tình trạng thuốc giả trên thị trường: Cứ bán chạy là bị làm giả

11-05-2011 09:19 | Thời sự
google news

Liên tục các vụ ngộ độc thuốc, bắt giữ sản xuất buôn bán thuốc giả từ đầu năm đến nay đã gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề thuốc giả trên thị trường. Mới đây nhất, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố

Liên tục các vụ ngộ độc thuốc, bắt giữ sản xuất buôn bán thuốc giả từ đầu năm đến nay đã gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề thuốc giả trên thị trường. Mới đây nhất, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan thông báo cơ quan chức năng vừa phát hiện thuốc kháng sinh zinnat giả đang lưu hành trên thị trường ở địa bàn Hà Nội khiến không ít người càng lo lắng. Tuy nhiên, theo PGS.TS. Trịnh Văn Lẩu - Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TW, số liệu này chưa bao gồm các mẫu thuốc giả do công an, quản lý thị trường phát hiện… Như vậy có thể thấy thuốc giả vẫn luôn hiện hữu và là hiểm họa đối với người tiêu dùng…

 
Vỏ hộp thuốc zinnat thật.

Liên tục phát hiện thuốc giả

Từ đầu năm 2011 đến nay, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và nhiều Sở Y tế các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Ðịnh, Khánh Hòa, Hà Nội đều thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi khẩn cấp trên phạm vi cả nước các thuốc từ tân dược đến Ðông dược, viên nang, viên nén lẫn viên hoàn cứng; từ nhóm kháng sinh, thuốc thông thường trị cảm cúm, ho, sốt… hay vitamin thông thường đến các biệt dược đắt tiền; từ thuốc sản xuất trong nước đến thuốc nhập khẩu do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về độ nhiễm khuẩn, độ hòa tan, độ đông rã của thuốc…

Giữa tháng 4/2011, tại huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang đã xảy ra vụ ngộ độc thuốc khiến 15 người từ 6 - 51 tuổi bị thủng ruột phải đi cấp cứu. Qua điều tra cho biết những người này bị rơi vào tình trạng nguy kịch do uống thuốc Tây không theo chỉ định của bác sĩ. Kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy, loại thuốc mà 15 người này sử dụng không rõ nguồn gốc.

Cũng trong thời gian này, tại thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan CSĐT Công an thành phố Hồ Chí Minh thông báo vừa bắt được Huỳnh Ngọc Quang (Giám đốc Công ty cổ phần Tân dược Việt - Pháp) “trùm” đường dây sản xuất, tiêu thụ thuốc giả lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay sau hơn một năm lẩn trốn. Theo cơ quan điều tra, phương thức sản xuất thuốc của đường dây này là mua tân dược sản xuất trong nước dạng vỉ hoặc viên, sau đó đặt in ấn bao bì, vỉ nhôm ép thành thuốc ngoại nhập, bán ra thị trường thu lợi gấp nhiều lần. Thậm chí, chỉ với vài dụng cụ thô sơ, Quang và các “cộng sự” đã sản xuất hàng loạt thuốc giả, nhái các loại kháng sinh, thuốc bổ, tim mạch, huyết áp của những hãng dược phẩm lớn, có tên tuổi của nước ngoài…

Mới đây nhất, một loại thuốc kháng sinh được nhiều người tiêu dùng sử dụng trong thời gian qua là thuốc kháng sinh zinnat cũng bị làm giả và lưu hành trên thị trường. Thuốc zinnat® tablets 500mg (trên nhãn ghi: LOT: C463051, MANF D 17-02-10, EXP 02-13, Glaxo Operations UK Limited United Kingdom; tem nhập khẩu ghi: DNNK: Công ty cổ phần Dược liệu TW 2 thành phố Hồ Chí Minh) qua kiểm nghiệm không có phản ứng định tính của cefuroxim axetil. Kết quả này chứng tỏ đây là thuốc giả. Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương Hà Nội) cũng thông báo đã phát hiện thuốc zinnat giả trên thị trường.

Cục Quản lý Dược cũng đã chỉ rõ đặc điểm của hộp thuốc giả để người tiêu dùng dễ phân biệt: phần đầu của hộp thuốc nhìn nghiêng, ô giấy mờ có một cạnh nằm ngang bằng mặt dưới của cụm từ “comprimés 500mg”. Với thuốc thật, ô giấy mờ có một cạnh nằm ngang bằng mặt trên của cụm từ “comprimés 500mg”; cụm từ “Rx Thuốc bán theo đơn” là chữ in thường, không đậm (thuốc thật là chữ in thường đậm); cụm chữ - số “ZIN/SV0703/V1” trên nhãn phụ thì chữ V cách điệu có nét chữ tương tự như các chữ cùng cụm từ, thuốc thật chữ V cách điệu có nét mảnh hơn so với các chữ cùng cụm từ. (Xem ảnh).

 Vỏ hộp thuốc zinnat giả mà cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ.

Thuốc giả ngày càng tinh vi

Theo PGS.TS. Trịnh Văn Lẩu, thống kê trong vài năm gần đây của Viện Kiểm nghiệm cho thấy, số mẫu thuốc giả trung bình mỗi năm thường khoảng trên dưới 30 mẫu (năm 2009 là 33 mẫu, năm 2010 là 26 mẫu). Thực tế cho thấy, cứ thuốc nào bán chạy trên thị trường là sẽ bị làm giả. Nếu như trước đây, thuốc giả chỉ xuất hiện ở những vùng sâu, vùng xa thì nay thuốc giả đã xuất hiện ở những nơi đông dân cư, có sức tiêu thụ lớn và việc sản xuất thuốc giả ngày càng trở nên tinh vi. Thực trạng này không chỉ khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc phát hiện mà còn đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng”- PGS.TS. Trịnh Văn Lẩu nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS. Trịnh Văn Lẩu, kết quả kiểm nghiệm của cơ quan kiểm nghiệm TW và địa phương cho thấy, tình hình chất lượng dược liệu và thuốc Đông dược hiện tiếp tục vẫn là vấn đề nổi cộm bởi trong số mẫu thuốc giả được phát hiện thì 2/3 là các mẫu thuốc Đông dược trộn trái phép với tân dược! Thời gian qua Viện Kiểm nghiệm thuốc TW đã phát hiện một số mẫu dược liệu như chi tử, hồng hoa chứa rhodamin B, 40 mẫu phòng kỷ có chứa chất gây ung thư, suy thận... Thậm chí, cơ quan kiểm nghiệm còn phát hiện nhiều loại thuốc Đông dược có trộn tân dược (các hoạt chất kháng sinh, giảm đau, kháng viêm như: paracetamol, acid salicylic, betamethason...) nhưng trên nhãn không hề ghi có thành phần tân dược để đánh lừa người tiêu dùng, hay tình trạng thuốc có chứa tân dược ngụy tạo dưới dạng thực phẩm chức năng…

Thái Bình


Ý kiến của bạn