Cảnh báo tình trạng mất an ninh trật tự tại bệnh viện

06-01-2014 07:12 | Thời sự
google news

SKĐS - Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Xanh Pôn Hà Nội xảy ra sự việc chưa có trong tiền lệ là em trai đã dùng dao cắt đi phần chân của chị ruột mình đang nằm điều trị tại BV vào rạng sáng 2/1/2014.

Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Xanh Pôn Hà Nội xảy ra sự việc chưa có trong tiền lệ là em trai đã dùng dao cắt đi phần chân của chị ruột mình đang nằm điều trị tại BV vào rạng sáng 2/1/2014. Theo thông tin từ cơ quan công an, nạn nhân là bà Trần Thanh Duy (SN 1963). Bà Duy bị ung thư tử cung. Đến nay, tình trạng bệnh đã di căn lên não. Ngày 23/12/2013, người nhà đưa bà Duy vào BVĐK Xanh Pôn điều trị và sự việc đáng tiếc xảy ra. Hiện sức khỏe bà Duy đã dần ổn định, tuy nhiên, chân bị đứt đã không có cơ hội nối lại. Cũng mới đây, tại một BV lớn tại Hà Nội, kẻ gian đã cắt khóa phòng tâm linh mang đi toàn bộ số tiền công đức. Sự việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho việc mất an ninh trật tự trong các bệnh viện...

Nhiều bệnh viện ở Hà Nội đã lắp camera tại khu vực cấp cứu, khoa khám bệnh giúp giám sát an ninh, an toàn trong BV. Ảnh: Trần Minh

Mất an toàn, an ninh trong các bệnh viện

Theo cơ quan điều tra, Trần Tuấn Khương được xác định là nghi can gây ra vụ cắt chân bệnh nhân rung động dư luận. Tại cơ quan điều tra, bước đầu Khương khai nhận, do chị gái đau, mê sảng và liên tục kêu có ma nên Khương đã dùng dao cứa vào chân chị gái để đuổi con ma đó ra khỏi người chị gái. Kết quả xét nghiệm cho thấy, Trần Tuấn Khương dương tính với ma túy. Chiều 3/1, Công an quận Ba Đình cho biết đã bắt khẩn cấp, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Tuấn Khương (SN 1971, trú tại A4 Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích. Đối với BVĐK Xanh Pôn, sự việc côn đồ, các đối tượng bên ngoài vào quậy phá trong BV không phải là lần đầu tiên, trước đây theo ghi nhận của chúng tôi, những cuộc hành hung lẫn nhau giữa các băng nhóm, vào tận phòng cấp cứu để truy sát nhau đã từng xảy ra làm cho các nhân viên y tế BV nhiều phen hú vía. Tuy rằng sự việc nói trên chưa xảy ra việc hành hung nhân viên y tế, nhưng qua đó thấy được sự giám sát, quản lý chưa được bao quát và chặt chẽ đối với lực lượng bảo vệ của BV.

Cũng liên quan đến việc hành hung bác sĩ, nhân viên y tế, cuối năm 2013, hàng loạt vụ việc xảy ra: Tại BVĐK Hà Tĩnh, sau cái chết đột ngột của ông Nguyễn Xuân Hồng (75 tuổi, trú xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), người nhà đã bất bình, đập vỡ một số máy móc, đánh bị thương BS. Mai Văn Lục (Trưởng khoa Hồi sức tích cực) và 3 y, bác sĩ khác của khoa. Cho đến khi hơn 40 công an của TP. Hà Tĩnh được huy động tới đây thì vụ việc mới được kiểm soát. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, tại BV Nhân dân Gia Định, giang hồ lộng hành như một lời cảnh báo về sự yếu kém của lực lượng bảo vệ an ninh của các BV. Khi sự việc các đối tượng quậy phá hăm dọa trong BV, ngoài các bác sĩ, y tá thì bảo vệ tại đây cũng bị đe dọa sẽ bị “xử” nếu can thiệp. Cho nên bảo vệ cũng phải chạy trốn. Điều này chứng tỏ một điều, lực lượng bảo vệ BV không thể bảo đảm an ninh khi có sự cố xảy ra.

Làm gì để đảm bảo an toàn, an ninh trong BV?

Qua những vụ việc xảy ra tại các BV, chúng ta thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc tăng cường công tác bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn, an ninh cho các BV. Những năm trước đây, tại các trụ sở tòa án cũng từng xảy ra tình trạng náo loạn, mất an ninh trật tự tại các phiên xét xử. Từ đây hình thành nên lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp. Nhiều người có ý kiến cho rằng, nên chăng ngành y tế cần có một lực lượng an ninh chuyên biệt hỗ trợ để đảm bảo an toàn, an ninh tại các BV.

Các BV cần dán công khai các đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp để mọi người đề phòng. Ảnh: TM

Qua vụ việc vừa xảy ra tại BVĐK Xanh Pôn và một số vụ việc kể trên, phóng viên báo SK&ĐS đã trao đổi với Đại tá Nguyễn Xuân Đình - Trưởng Công an quận Ba Đình về việc làm thế nào để đảm bảo an toàn, an ninh trong các BV, ông Đình cho rằng: Ðể bảo đảm an ninh trật tự trong các BV, một mặt các BV cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ. Trước hết là tăng cường các hình thức và hoạt động tuyên truyền, cảnh báo cho người bệnh và người nhà nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản của mình bằng việc dán ảnh công khai các đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp để mọi người đề phòng. Trường hợp bị gạ gẫm, đe dọa cần liên hệ ngay trực ban bảo vệ để được giúp đỡ. Bên cạnh đó, đối với BV, cần làm rõ và xử lý nghiêm các cá nhân bác sĩ có mối liên hệ với các “cò” khám, chữa bệnh. Các địa phương cần bố trí lực lượng cùng bảo vệ BV và công an lập thành tổ công tác thường xuyên theo dõi, giám sát để phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời các đối tượng lừa đảo, môi giới khám, chữa bệnh trái phép. Các hoạt động này phải được tiến hành một cách kiên quyết, thường xuyên và lâu dài thì mới có thể lập lại được an ninh trật tự ở các BV.

Trần Lâm

Trong hội nghị giao ban của ngành y tế mới đây, TS. Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Nhiều bệnh viện tại Hà Nội sẽ lắp camera tại khu vực cấp cứu, khoa khám bệnh để giám sát cũng như tạo thuận tiện cho việc chỉ đạo tại đơn vị, đồng thời giám sát an ninh, an toàn trong bệnh viện. Có thể thấy, trong thời gian qua, công tác khám chữa bệnh của Hà Nội đã có nhiều chuyển biến. Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện có phương án sắp xếp, bố trí giường bệnh hợp lý; chuyển bệnh nhân nhẹ xuống tuyến dưới, tuyệt đối không để bệnh nhân nằm ngoài hành lang. Đồng thời tiếp tục đổi mới quy trình khám chữa bệnh; lắp camera giám sát tại khoa cấp cứu và khám bệnh; kịp thời giải quyết các ý kiến phản ánh của người dân qua đường dây nóng.

 


Ý kiến của bạn