Cảnh báo tình trạng kháng hóa chất của muỗi truyền bệnh sốt rét

04-07-2025 09:20 | Y tế
google news

SKĐS - Ngày càng nhiều côn trùng kháng hóa chất, trong đó có An. Epiroticus, An. Minimus...Đây là nhóm thuộc 42 loài muỗi Anopheles, tác nhân chính lây truyền sốt rét tại Việt Nam.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Y tế, do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương dẫn đầu, với Viện Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng (SR – KST – CT) TPHCM.

Cảnh báo tình trạng kháng hóa chất của muỗi truyền bệnh sốt rét- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Theo TS. Đoàn Bình Minh – Phó Viện trưởng Viện SR – KST – CT TPHCM, qua nhiều năm tổ chức điều tra, giám sát, định loại, đánh giá độ nhạy cảm của muỗi truyền bệnh sốt rét với một số hóa chất diệt côn trùng, ghi nhận tại Việt Nam hiện có khoảng 42 loài Anopheles.

"Một số địa phương có sự thay đổi nhiều về sinh cảnh, như trước đây là rừng rậm thì nay là vườn, rẫy, nên sự phân bố côn trùng sốt rét khu trú lại tại một số điểm nhất định. Một số nơi côn trùng sốt rét thích nghi với môi trường mới nên chúng tiếp tục hiện diện và phát triển" – TS. Bình Minh thông tin.

Liên quan tới tính nhạy cảm với hóa chất diệt côn trùng, TS. Minh thông tin, hiện nay các chế phẩm hóa chất gia dụng đa dạng như kem xua muỗi, nhang muỗi, bình xịt khí dung và hóa chất diệt côn trùng nhóm Pyrethroid được sử dụng rộng rãi, cho cả cá nhân lẫn cộng đồng, trong thời gian dài đang là vấn đề cần xem xét.

Cảnh báo tình trạng kháng hóa chất của muỗi truyền bệnh sốt rét- Ảnh 2.

TS. Đoàn Bình Minh (người đứng) báo cáo hoạt động với đoàn công tác.

Ngoài ra, các sản phẩm phục vụ nông nghiệp cũng có hoạt chất thuộc nhóm Pyrethroid. Tất cả những điều này đã và đang làm tăng tính kháng hóa chất đối với côn trùng, trong đó có An. Epiroticus, An. Minimus...Tuy nhiên, trong số 42 loài Anopheles, vẫn còn An. Dirus nhạy cảm với hóa chất nhóm Alphacypermethrin, Lambdacyhalothrin (do tập tính hoang dại của loài muỗi này)".

Từ các phân tích trên, TS. Bình Minh khuyến nghị, cần có chiến lược sử dụng hóa chất để giữ tính nhạy cảm của An. Dirus và giảm tính kháng hóa chất của An. Epiroticus, An. Minimus...Dịp này, chuyên gia Viện SR – KST – CT TPHCM cũng lên tiếng cảnh báo tình trạng lây truyền bệnh sốt rét từ khỉ đuôi dài sang người.

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo Viện SR-KST-CT TPHCM cũng cảnh báo các bệnh ký sinh trùng khác. Theo báo cáo của Viện, qua giám sát, lấy mẫu thử nghiệm tại 6 địa phương khu vực Nam Bộ (gồm cả Lâm Đồng), ghi nhận tỷ lệ nhiễm giun sán chung trong nước là 3,85%; tỷ lệ nhiễm giun sán chung trên rau là 38,71%. Điều này lần nữa cho thấy, thực hành ăn chín, uống sôi là việc làm hết sức cần thiết.

Cảnh báo tình trạng kháng hóa chất của muỗi truyền bệnh sốt rét- Ảnh 3.

TS. Giang Hán Minh (người đứng) báo cáo các mặt hoạt động của Viện SR – KST – CT TPHCM.

Lãnh đạo Viện SR – KST – CT TPHCM cũng đề xuất cùng đoàn công tác một số kiến nghị liên quan tới các mặt hoạt động. Đáng chú ý là vấn đề triển khai hoạt động giám sát trong thời gian tới, khi hệ thống chính quyền 2 cấp đã vận hành, cùng với việc sáp nhập các địa phương (có địa phương đã hoàn tất loại trừ sốt rét nhập với địa phương khác chưa đạt chỉ tiêu loại trừ thì phải sớm triển khai giám sát)...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã yêu cầu các Vụ, Cục, Viện liên quan tới hoạt động của Viện SR – KST – CT TPHCM nhanh chóng hướng dẫn, hỗ trợ, để Viện có đủ cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ cả năm 2025.

Cảnh báo tình trạng kháng hóa chất của muỗi truyền bệnh sốt rét- Ảnh 4.

Thứ trưởng trao Quyết định bổ nhiệm lại Phó Viện trưởng Đoàn Bình Minh.

Dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với TS. Đoàn Bình Minh – Phó Viện trưởng Viện SR – KST – CT TPHCM (bổ nhiệm lại chức danh Phó Viện trưởng).

Thứ trưởng không chỉ yêu cầu cá nhân TS. Bình Minh nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, còn kêu gọi tất cả cán bộ, viên chức, người lao động của Viện đồng tâm hiệp lực, cùng nhau thực hiện thắng lợi sứ mệnh phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng ở khu vực Nam Bộ.

Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM có tân Viện trưởngViện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM có tân Viện trưởng

SKĐS - TS Giang Hán Minh nhận Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm giữ chức vụ Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM.


Đỗ Bá
Ý kiến của bạn