Gánh nặng về vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em
Theo 3 tổ chức đại diện cho hơn 77.000 bác sĩ và hơn 200 bệnh viện nhi tại Mỹ, bao gồm Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP), Học viện Sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên Mỹ (AACAP) và Hiệp hội Bệnh viện Nhi (CHA), các thanh thiếu niên phải đối mặt với nguy cơ đáng kể về sức khỏe tâm thần và đại dịch COVID-19 khiến tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn.
Từ tháng 3/2020 đến tháng 10/2020, tỷ lệ khám tại khoa cấp cứu của trẻ do tình trạng khẩn cấp về sức khỏe tâm thần đã tăng 24% ở trẻ em từ 5- 11 tuổi và tăng 31% ở trẻ em từ 12- 17 tuổi. Tỷ lệ trẻ gái từ 12- 17 tuổi đến khám tại khoa cấp cứu do liên quan tới tự tử vào đầu năm 2021 tăng cao hơn 50% so với đầu năm 2019.
Dữ liệu nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, hơn 140.000 trẻ em Mỹ đang phải chịu đựng sự mất mát người chăm sóc nuôi dưỡng do đại dịch COVID-19.
Amy Wimpey Knight, chủ tịch CHA, cho biết: "Chúng tôi đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần quốc gia nghiêm trọng ở trẻ em và thanh thiếu niên. Trong 6 tháng đầu năm nay, các bệnh viện nhi trên toàn quốc đã báo cáo mức tăng đột biến 45% số vụ tự gây thương tích và tự tử ở lứa tuổi từ 5- 17 so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với AAP và AACAP, chúng tôi đang gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng khẩn cấp về sức khỏe tâm thần này".
Cần có các giải pháp khẩn cấp
TS Lee Savio Beers, chủ tịch AAP, cho biết: "Sức khỏe tâm thần của trẻ em đang bị ảnh hưởng nặng nề. Trẻ em đã phải chịu đựng rất nhiều trong suốt đại dịch COVID-19 và phần lớn sự quan tâm thường tập trung vào hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất do COVID-19, mà quên đi cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần mà giới trẻ đang phải đối mặt".
TS Gabrielle Carlson, chủ tịch AACAP, cho biết: "Chúng tôi đã quan tâm đến sức khỏe cảm xúc và hành vi của trẻ em ngay cả trước khi đại dịch xảy ra. Tình trạng khẩn cấp kéo dài về y tế công cộng do COVID-19 đã khiến cho tình hình tồi tệ hơn. Hiện chúng tôi đang quan tâm tới tỷ lệ tăng trầm cảm, lo lắng, sang chấn, cô đơn và tự tử ở trẻ em".
Các chuyên gia cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần tăng cường nguồn kinh phí để đảm bảo tất cả các gia đình có thể tiếp cận được các dịch vụ sức khỏe tâm thần, cải thiện khả năng tiếp cận với y tế từ xa, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần hiệu quả tại trường học và tăng cường các giải pháp giúp giảm nguy cơ tự tử ở thanh thiếu niên, cùng các biện pháp can thiệp khác.
Xem video được quan tâm:
6 biện pháp đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19