Cảnh báo tình trạng đuối nước ở trẻ gia tăng vào mùa hè

30-05-2020 07:54 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Thông tin từ Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí chỉ trong hơn 2 tuần qua, Khoa đã tiếp nhận 3 bệnh nhi nhập viện do đuối nước. Một trong ba trường hợp này đang trong tình trạng nguy kịch.

Đó là trường hợp của bệnh nhi Hoàng H.N. 21 tháng tuổi trú tại Yên Thanh – Uông Bí. Theo lời kể của gia đình bệnh nhi,  trước đó bé và chị gái học lớp 5 có chơi cùng nhau tại nhà.  Do nhà có đầm rộng, không rào chắn, nên cũng không rõ trẻ ngã xuống đầm từ bao giờ, khi người nhà phát hiện ra trẻ đã có biểu hiện ngừng thở, tím tái. Gia đình vội đưa trẻ đến viện.

Trẻ nhập viện ngày 17/5/2020 trong tình trạng bất tỉnh, da xanh tím, đồng tử giãn tối đa, mất hết phản xạ, mạch, huyết áp bằng không. Chẩn đoán trẻ ngừng tuần hoàn do đuối nước. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu, đặt nội khí quản, cho trẻ thở máy…Hiện trẻ vẫn đang trong tình trạng hôn mê, tiên lượng rất nặng.

Nơi cháu bé Hoàng H.N bị đuối nước

Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh phải luôn giám sát con em mình khi đi tắm biển, ao, hồ. Đậy kín các vật dụng chứa nước trong nhà, không để trẻ nhỏ ở nhà một mình, đặc biệt đối với các trẻ mới biết đi, trẻ hiếu động luôn muốn tìm tòi hiểu biết thế giới xung quanh. Nếu không may trẻ bị đuối nước, cần sơ cứu cho trẻ ngay khi được đưa lên khỏi mặt nước. Sơ cứu tại chỗ đúng rất quan trọng bởi kỹ thuật này có thể cứu sống trẻ và hạn chế các di chứng cho trẻ khi bị ngạt nước.

Hướng dẫn cấp cứu nạn nhân đuối nước tại chỗ:

Sau khi nạn nhân đã được đưa lên bờ:

Nếu nạn nhân tỉnh, tiến hành lấy hết dị vật ở mũi, miệng. Để nạn nhân nằm ngửa, đầu nghiêng sang một bên, an ủi, đông viên nạn nhân.

Nếu nạn nhân thở yếu, bất tỉnh, thông đường thở bằng cách dùng tay lấy hết dị vật, bùn đất trong mũi miệng của nạn nhân. Móc họng hoặc ép bụng để nước trào ra ngoài. Nếu nạn nhân đã ngừng thở, dốc ngược nạn nhân phối hợp với ép bụng để tháo nước ra. Thủ thuật này cần tiến hành nhanh gọn không quá 30 giây sau đó tiến hành hồi sức tim phổi theo cách :

Hô hấp miệng - miệng: đặt nạn nhân nằm ngửa, hồi sức hô hấp miệng-miệng bằng cách lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu rồi ngậm kín miệng nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra. Tiếp tục làm thêm hai lần như vậy.

Lưu ý: Chỉ hồi sức hô hấp khi đã làm thông thoáng họng nạn nhân. Mỗi lần hô hấp lại nhìn ngực xem có di động sau mỗi lần thổi ngạt hay không

Ép tim ngoài lồng ngực: Tiến hành ép tim ngoài lồng ngực bằng cách đan hai tay vào nhau, đặt lên vị trí 1/3 dưới xương ức, ép lún sâu 5 cm và ép liên tục khoảng 30 lần,. Luân phiên hai lần hồi sức hô hấp - 30 lần ép tim như vậy cho đến khi nạn nhân tỉnh lại, hoặc có nhân viên y tế đến hỗ trợ.
TS. Nguyễn Đức Chính


Nhị Vũ
Ý kiến của bạn