Hà Nội

Cảnh báo thực trạng sử dụng thuốc theo “điểm chung” trong điều trị bệnh

14-10-2020 08:47 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt dùng để phòng bệnh, chữa bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể cho con người, được Nhà nước kiểm soát và quản lý.

Thuốc chứa các hoạt chất đã trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài với hàng loạt đánh giá về hiệu quả, độ an toàn và các tác dụng không mong muốn trên nhiều đối tượng người bệnh khác nhau trước và cả sau khi được đưa ra thị trường. Vì vậy, có khi nào bạn thắc mắc vì sao có quá nhiều loại thuốc điều trị cùng một bệnh lý? Vì sao bạn lại phải đến gặp bác sĩ nhiều lần trong quá trình điều trị dù lần sau toa thuốc cũng giống lần trước? Bài viết này sẽ giải đáp các thắc mắc đó của bạn.

I. Thuốc - liệu pháp điều trị được chỉ định cho cá nhân chứ không phải tập thể

Khi bạn có vấn đề về sức khỏe và đến gặp bác sĩ, sau quá trình thăm khám lâm sàng và có thể thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ sẽ quyết định phác đồ điều trị và kê đơn những loại thuốc nào cho bạn với liều, thời điểm dùng thuốc mỗi ngày và số ngày sử dụng cụ thể. Việc kê đơn được bác sĩ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, dựa trên tình trạng bệnh hiện tại, thể trạng, độ tuổi, giới tính, các bệnh lý khác đang đồng thời mắc phải cũng như các loại thuốc mà bạn đã và đang sử dụng. Với đối tượng bệnh nhân đặc biệt như trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người suy gan, suy thận… thì việc kê một loại thuốc càng được xem xét kỹ lưỡng hơn. Y học ngày nay là y học thực chứng, tức là bác sĩ sẽ dựa trên kinh nghiệm điều trị của mình và các bằng chứng cụ thể từ kết quả thống kê của nhiều nghiên cứu lớn trên thế giới (với số lượng mẫu có thể lên đến hàng chục nghìn bệnh nhân) để đưa ra quyết định điều trị cho từng bệnh nhân của mình.

Do đó, đơn thuốc do bác sĩ kê cho bạn chỉ có giá trị ở thời điểm kê đơn cho chính bản thân bạn. Việc tự ý dùng thuốc, tái sử dụng lặp đi lặp lại đơn thuốc đó cho dù thấy hiệu quả, chia sẻ đơn thuốc cho người khác hoặc dùng thuốc theo đơn tìm trên mạng là hoàn toàn sai, có thể gây ra những biến cố vô cùng nghiêm trọng và nguy hiểm vì những lý do sau đây:

1. Bạn có thể sử dụng thuốc sai chỉ định

Một bệnh lý có thể có nhiều loại và giai đoạn tiến triển phức tạp khác nhau, nhất là các bệnh mạn tính, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc tối ưu cho tình trạng bệnh của bạn. Việc sử dụng thuốc không phù hợp không những không mang lại hiệu quả trị liệu tốt nhất, mà còn gây ra nhiều tác dụng không mong muốn cũng như làm bệnh nặng thêm, vì kéo dài thời gian điều trị. Ví dụ như bệnh nhân đái tháo đường type 2 thường được kê thuốc gliclazide, và như một thói quen, họ sử dụng liên tục không cần tái khám và giới thiệu cho người khác vì thấy loại thuốc này giá rẻ, hạ đường huyết hiệu quả. Tuy nhiên, gliclazide chống chỉ định cho đái tháo đường type 1 và thường chỉ được kê bổ sung cho bệnh nhân type 2 khi quá trình điều trị bằng metformin kết hợp thay đổi lối sống không kiểm soát tốt bệnh. Gliclazide có tác dụng hạ đường huyết khá mạnh, nếu bạn vừa bắt đầu điều trị nhưng dùng theo đơn của người khác đã điều trị lâu năm, bạn có thể bị quá liều và hạ đường huyết quá mức gây nguy hiểm.

 sử dụng thuốc theo “điểm chung”  trong điều trị bệnh

2. Bạn có thể không đạt được hiệu quả tối ưu cho quá trình điều trị

Đơn thuốc của bác sĩ có khi chỉ kê cho bệnh nhân vài ngày thuốc, có khi lại lên đến cả tháng. Sự khác nhau này không chỉ do loại bệnh, mà còn là để bác sĩ theo dõi và tối ưu liệu trình điều trị dựa trên tiến triển bệnh của bạn. Khi bạn bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm hay virus, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc trong thời gian ngắn, nếu tình trạng không cải thiện chứng tỏ loại thuốc đang dùng đã bị đề kháng, bác sĩ sẽ đổi thuốc khác cho bạn. Dùng tiếp thuốc cũ không thể điều trị hết bệnh, mà còn làm tình trạng đề kháng thuốc tăng lên.

Các bệnh chuyển hóa như đái tháo đường, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp, bệnh tim mạch liên quan chặt chẽ với nhau. Vì vậy, bệnh nhân mắc bệnh này thường mang đến hệ lụy phát triển sang các bệnh khác hoặc mắc cùng lúc nhiều bệnh. Do đó, bạn không nên bỏ tái khám, dùng lại đơn thuốc cũ dù cảm giác tình hình bệnh được kiểm soát. Bác sĩ sẽ tầm soát các bệnh liên quan cho bạn, cùng với việc thay đổi thuốc, điều chỉnh liều dùng cũng như phối hợp thuốc để tối ưu liệu trình điều trị, đặc biệt khi bạn mắc nhiều bệnh cùng lúc và ngăn chặn nguy cơ tiến triển các bệnh lý khác dựa trên các chỉ số xét nghiệm của bạn. Với các bệnh mạn tính, điều này là cực kỳ quan trọng về lâu dài.

3. Bạn có thể rơi vào tình trạng nguy hiểm vì bỏ qua “thời gian vàng” điều trị

Nhiều bệnh có triệu chứng tương tự nhau, bạn không thể chẩn đoán chính xác mình đang mắc bệnh gì. Trong giai đoạn cấp tính của một số bệnh, việc trì hoãn đến gặp bác sĩ vì sử dụng một đơn thuốc điều trị những triệu chứng tương tự có thể gây nguy hiểm tính mạng. Ví như ở trẻ em, bệnh sởi cấp tính, viêm màng não, viêm màng tim do nhiễm trùng, sốt xuất huyết…, có những biểu hiện ban đầu gần giống cảm sốt thông thường, Nếu bạn tự ý dùng loại thuốc nào đó cho trẻ hoặc dùng lại đơn cũ, đơn của các bà mẹ chia sẻ trên các hội nhóm sẽ làm mất thời gian phát hiện và điều trị ban đầu, làm bệnh tiến triển nặng hơn, trẻ có nguy cơ tử vong cao hơn. Hoặc bạn bị đau bụng, bạn dùng thuốc giảm đau paracetamol hay mạnh hơn là paracetamol kết hợp caffein/tramadol để khỏa lấp cơn đau và sau đó đi ngủ, điều này sẽ rất nguy hiểm nếu chẳng may bạn bị viêm ruột thừa.

Đơn thuốc do bác sĩ kê cho bạn chỉ có giá trị ở thời điểm kê đơn cho chính bản thân bạn. Việc tự ý dùng thuốc, tái sử dụng lặp đi lặp lại đơn thuốc đó cho dù thấy hiệu quả, chia sẻ đơn thuốc cho người khác hoặc dùng thuốc theo đơn tìm trên mạng là hoàn toàn sai, có thể gây ra những biến cố nghiêm trọng và nguy hiểm.

4. Bạn có thể thuộc đối tượng chống chỉ định hoặc bị ảnh hưởng bởi các tác dụng không mong muốn của thuốc

Mỗi loại thuốc đều có chống chỉ định với những đối tượng nhất định vì gây ra nguy cơ cao cho bệnh nhân. Đơn cử trường hợp bạn dị ứng với một loại thuốc, nếu dùng đơn thuốc của người khác có loại thuốc này hoặc không có loại thuốc này nhưng có loại thuốc khác cùng nhóm sẽ gây nguy cơ dị ứng cao cho bạn, mà nguy hiểm nhất là sốc phản vệ. Vì vậy, bác sĩ luôn hỏi bạn đã từng dị ứng với thuốc nào trước khi kê đơn.

Khi bạn bị suy gan, thận, tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ biết bạn có chống chỉ định với thuốc cùng liều lượng sắp được kê hay không, và sẽ có sự thay thế thuốc hoặc điều chỉnh liều phù hợp cho bạn. Một ví dụ điển hình nữa là aspirin, loại thuốc giảm đau, hạ sốt cực kỳ phổ biến cho trẻ em nhưng aspirin lại chống chỉ định cho trẻ em, trẻ vị thành niên trong giai đoạn hồi phục sau khi nhiễm virus (virus thủy đậu, virus cúm…) vì sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra “hội chứng reye” - một dạng tổn thương não, gan, cơ quan khác hiếm gặp, nhưng có nguy cơ tử vong cao.

Một số loại thuốc được bác sĩ chỉ định liều cao trong giai đoạn cấp tính của bệnh, sẽ được giảm liều sau đó. Ngược lại, một số loại thuốc được bắt đầu bằng liều thấp để theo dõi sự dung nạp trên bệnh nhân, tăng liều khi thấy hiệu quả. Ở một số loại thuốc đặc biệt, việc tăng và giảm liều được bác sĩ thực hiện dần dần trong quá trình điều trị, tránh gây các hiệu ứng ảnh hưởng xấu đến bệnh nhân. Cho nên, việc dùng lại đơn thuốc cũ có thể gây nguy hiểm cho bạn, bởi liều thuốc không phù hợp sẽ gây ra các tác dụng không mong muốn nặng nề.

II. Lời khuyên cho bạn

- Đơn thuốc hiện thời của bạn mới điều trị bệnh hiện tại cho bạn, còn đơn thuốc cũ và đơn thuốc của người khác không phù hợp tình trạng bệnh của bạn. Vì vậy, nên đến gặp bác sĩ khi có các triệu chứng bất thường và tái khám đúng hạn như lịch hẹn của bác sĩ để có được sự theo dõi kịp thời và điều trị tối ưu.

- Việc sử dụng thuốc là rất phức tạp, được quyết định bởi bác sĩ điều trị dựa trên từng bệnh nhân sau khi cân nhắc các yếu tố cá nhân. Không sử dụng đơn thuốc từ người khác, đơn thuốc được chia sẻ trên Internet hay tự chẩn đoán bệnh và tự ý dùng thuốc cho mình vì những hệ lụy nguy hiểm có thể xảy ra.

- Với đúng loại thuốc đã được bác sĩ chỉ định, bạn cũng phải dùng đúng liều, đúng thời điểm, đủ thời gian như trong toa. Một số loại thuốc có nhiều dạng khác nhau. Chú ý mua đúng dạng thuốc ghi trong toa bác sĩ để tránh quá liều.

- Đọc tờ rơi trong hộp thuốc để chú ý về các cảnh báo, tác dụng không mong muốn của thuốc.


DS. VĨNH PHÚ
Ý kiến của bạn