Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Bộ Công an, luật sư hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa

15-04-2024 19:02 | Xã hội
google news

SKĐS - Thủ đoạn của các đối tượng là tiếp tục lập ra các tài khoản, fanpage, website trên không gian mạng mạo danh các đơn vị của Bộ Công an, công ty luật, văn phòng luật sư quảng cáo về các dịch vụ.

Chiêu trò lừa đảo tinh vi giả danh các sàn thương mại điện tử, siêu thị điện máyChiêu trò lừa đảo tinh vi giả danh các sàn thương mại điện tử, siêu thị điện máy

SKĐS - Công an TP Hà Nội vừa ra thông báo về hình thức giả mạo logo, hình ảnh thương hiệu, Website, Facebook, Zalo, công văn, con dấu, tài khoản ngân hàng của một số sàn thương mại điện tử (TMĐT), doanh nghiệp có uy tín thương hiệu trong hoạt động kinh doanh để chiếm đoạt tài sản của người dân.

Ngày 15/4, Bộ Công an phát đi cảnh báo cho biết, thời gian gần đây, các hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên internet vẫn tiếp tục tăng cao và phức tạp, dẫn đến nhiều trường hợp người dân mất tiền do rơi vào các chiêu trò như hưởng hoa hồng từ việc tham gia hoạt động, đầu tư tài chính, hoặc bị lừa trong các mối quan hệ tình cảm.

Thủ đoạn của các đối tượng là tiếp tục lập ra các tài khoản, fanpage, website trên không gian mạng mạo danh các đơn vị của Bộ Công an, công ty luật, văn phòng luật sư quảng cáo về các dịch vụ như: "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo", "thu hồi tiền treo trên sàn thương mại điện tử", "thu hồi tiền treo không cần cọc"... với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại tiền lừa đảo.

Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Bộ Công an, luật sư hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa- Ảnh 2.

Hình ảnh giả mạo luật sư để lừa đảo. Ảnh: BCA

Mục đích của các đối tượng nhằm tiếp cận người dân đang là nạn nhân bị lừa đảo, lợi dụng tâm lý tiếc tiền, cần lấy lại tài sản đã mất để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lần hai đối với họ.

Các đối tượng thường sử dụng hình ảnh, thông tin của các đơn vị công an, công ty luật, văn phòng luật sư… và đăng tải nhiều video, bài viết có nội dung: Cảnh báo về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cắt ghép các phát biểu của một số luật sư, cán bộ công an; đưa hình ảnh hoạt động của các công ty luật và nội dung đã được Bộ Công an, Viện Kiểm sát ủy quyền "thu hồi vốn treo", "đòi lại tiền bị lừa đảo" để tạo sự tin tưởng cho người dân.

Đồng thời, chúng sử dụng tính năng chạy quảng cáo để các video, bài viết này thường xuyên xuất hiện khi người dân truy cập mạng xã hội nhằm thu hút người theo dõi, tương tác. Thậm chí, chúng sử dụng nhiều tài khoản giả mạo để bình luận, tương tác với các bài viết; thường xuyên tham gia bình luận vào các bài viết trên các trang thông tin uy tín, có số lượng lớn người quan tâm tương tác (Ví dụ: Trang Thông tin Bộ Công an trên nền tảng Facebook) để tăng cường độ tin tưởng, thu hút sự quan tâm của người dân về việc sẽ lấy lại được tiền.

Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Bộ Công an, luật sư hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa- Ảnh 3.

Giả mạo công an thu hồi vốn treo.

Bộ Công an và các cơ quan liên quan khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người đã trở thành nạn nhân của lừa đảo trên internet, không nên tin tưởng vào các trang web, fanpage hoặc tài khoản mạng xã hội quảng cáo các dịch vụ như "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ khôi phục tiền bị treo", "thu hồi tiền bị lừa đảo"... và không nên chuyển tiền cho bất kỳ đối tượng nào nhằm được hướng dẫn hoặc hoàn thiện hồ sơ.

Bộ Công an lưu ý, hiện tại, Bộ Công an và các đơn vị liên quan cũng không phối hợp, ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua các mạng xã hội. Người dân cần trực tiếp đến các cơ quan công an để trình báo hoặc gửi đơn, thư theo đường bưu chính về các vụ việc lừa đảo mà mình là nạn nhân để được tiếp nhận, giải quyết.


P.Chinh
Ý kiến của bạn