Hà Nội

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới qua facebook

04-03-2015 10:12 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, một loại hình lừa đảo tương tự với thủ đoạn dụ người dùng nạp thẻ điện thoại lại xuất hiện trên mạng xã hội facebook.

Thời gian gần đây, một loại hình lừa đảo tương tự với thủ đoạn dụ người dùng nạp thẻ điện thoại lại xuất hiện trên mạng xã hội facebook. Lợi dụng facebook yêu cầu người dùng phải sử dụng tên thật, các chủ tài khoản có nhiều bạn bè sẽ phải chuyển đổi trang cá nhân của mình thành trang fanpage… một số đối tượng đã lợi dụng thông tin này để thực hiện hành vi lừa đảo.

Các thành viên tố cáo đối tượng lừa đảo qua việc chuyển đổi từ fanpage về tài khoản facebook cá nhân.

Thực hiện lừa đảo và liên tục “biến hình”

Theo tìm hiểu, chị Y là chủ tài khoản facebook có tên Miranda’s Style - một shop chuyên bán hàng thời trang nữ online cho biết: “Gần đây, facebook có yêu cầu người dùng phải sử dụng tên thật. Mọi thông tin đã đăng ký trước đây nếu chưa chính xác bắt buộc phải điều chỉnh lại. Thêm nữa, facebook cũng buộc các chủ tài khoản có nhiều bạn bè sẽ phải chuyển đổi trang cá nhân của mình thành trang fanpage. Nếu không đổi, họ sẽ không thể đăng nhập vào để sử dụng như trước. Trong quá trình tìm hiểu để thực hiện các yêu cầu trên, chị Y vô tình thấy một tài khoản facebook mang tên “Chuyển đổi từ trang fanpage cộng đồng sang trang tài khoản facebook cá nhân”. Chủ tài khoản này tự xưng là Giang Gia Huy (hay còn gọi là Huy BKAV, công tác tại Trường Chính trị Bắc Giang), nhận xử lý mọi sự cố liên quan tới việc khắc phục tài khoản facebook chỉ trong 3 ngày với giá rẻ. Tin tưởng và số tiền để thực hiện không lớn, chị Y đã chuyển mật khẩu facebook, tuy nhiên, sau 3 ngày kể từ khi trả tiền mà không nhận được hồi âm và mất liên lạc, chị Y kiểm tra lại tài khoản facebook của mình thì tài khoản này đã bị đổi mật khẩu. Trắng trợn hơn, đối tượng này còn dùng chính facebook của chị Y để đăng quảng cáo dịch vụ của mình và tiếp tục trò lừa đảo với những bạn bè trong danh sách bạn bè của chị Y.

Tương tự như trường hợp của chị Y, trên diễn đàn Sinh viên IT (sinhvienit.net), nickname “dangkimcuc” - cũng là một nạn nhân cho biết: Do có một nick facebook bị khóa, qua tìm hiểu trên mạng, có một chủ đề trên diễn đàn quảng cáo mở được khóa nên đã liên hệ để nhờ giúp. Lần thứ nhất nickname “dangkimcuc” đã chuyển 50.000 đồng để mua mã khuyến mãi. Lần thứ hai, nickname này tiếp tục chuyển thêm 100.000 đồng như yêu cầu. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, nickname “dangkimcuc” không thể liên lạc với đối tượng này.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày một gia tăng

Theo tìm hiểu, sau mỗi lần bị các nạn nhân tố cáo, Giang Gia Huy lại lập một tài khoản facebook khác, thậm chí sử dụng chính tài khoản facebook chiếm đoạt được để tìm kiếm những con mồi mới. Theo đó, đối tượng này quảng cáo: “Hướng dẫn mở khóa tài khoản facebook yêu cầu xác định danh tính - tài khoản vô hiệu hóa” và sử dụng số điện thoại mới là 0969997xxx. Qua trên có thể thấy, các nạn nhân của Giang Gia Huy rất khó thống kê, bởi sau khi facebook của họ bị đổi mật khẩu thì không ai có thể vào để khiếu nại được nữa. Các nạn nhân của trò lừa này, người mất ít nhất là 50.000 đồng, người mất nhiều là 400.000 đồng. Cũng chính vì số tiền không đáng là bao nên đa số nạn nhân đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Tuy nhiên, với con số nạn nhân cả chục người mỗi ngày, số tiền hẳn không hề nhỏ.

Liên quan đến vấn đề này, Đại tá, PGS.TS. Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, trên cơ sở phân tích diễn biến tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về công nghệ cao cho thấy số vụ vi phạm pháp luật và tội phạm sử dụng công nghệ cao năm sau cao hơn năm trước, chiều hướng ngày càng phức tạp với diễn biến tăng cả về số vụ và tính chất, mức độ, hậu quả. Đề cập về nguyên nhân của thực trạng này, PGS.TS. Nguyễn Minh Đức cho biết, về nguyên nhân và điều kiện khách quan, tính “ẩn danh” và phương thức hoạt động “phi truyền thống” của tội phạm mạng máy tính làm cho các đối tượng phạm tội khó bị phát hiện là một trong những yếu tố kích thích đối tượng hoạt động phạm tội với niềm tin không thể hoặc rất khó bị phát hiện. Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng phạm tội không cần có một giao tiếp trực tiếp nào với người hoặc cơ quan tổ chức bị hại, nhiều trường hợp, người bị hại không xác định được máy tính, hệ thống thông tin của mình đã bị tấn công, thâm nhập, sao chép dữ liệu... do đó, đối tượng phạm tội thường che giấu được tung tích với người bị hại. Khác với các dấu vết truyền thống của các vụ án hình sự, các dấu vết quan trọng phản ánh về hoạt động phạm tội về mạng máy tính thường tồn tại dưới dạng dữ liệu điện tử, ẩn trong các thiết bị lưu trữ và rất dễ bị xóa bỏ, thay đổi, làm ẩn, mã hóa. Với chủ ý phạm tội, bằng kiến thức chuyên ngành và sự hỗ trợ của các phần mềm được cung cấp rất phổ biến trên các trang mạng, các thiết bị phần cứng sẵn có trên thị trường, các đối tượng không khó khăn để thay đổi, xóa bỏ ngay từ đầu các dữ liệu điện tử liên quan đến quá trình phạm tội. Đối tượng cũng có thể dễ dàng tiêu hủy các thiết bị lưu trữ, đặc biệt gây ra những hỏng hóc về mặt vật lý làm cho việc phục hồi dữ liệu trở nên vô cùng khó khăn và hoặc nếu có phục hồi thì cũng cần có những phương tiện chuyên dụng kỹ thuật cao và tốn nhiều thời gian với những kỹ sư, chuyên gia giỏi. Bên cạnh đó, ý thức của người sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng thông tin ở Việt Nam đối với việc đảm bảo an toàn cho thiết bị và hệ thống thông tin còn thấp, biểu hiện dẫn đến làm tăng nguy cơ mất an toàn đối với các thiết bị và hệ thống thông tin của chính người sử dụng.

Anh Nguyên

 

 

 


Ý kiến của bạn