Cảnh báo tật khúc xạ ở trẻ em ngày một gia tăng

28-05-2017 07:12 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tật khúc xạ là một vấn đề thường gặp ở mắt và ngày càng gia tăng trong nhịp sống hối hả, ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực của con người hiện đại. Hiện Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ em có tật khúc xạ cần được chỉnh kính, và con số này ngày một tăng cao.

Tại hội thảo “Giải pháp an toàn, hiệu quả trong điều trị tật khúc xạ” do Bệnh viện Mắt Quốc tế DND tổ chức ngày 27/5 các chuyên gia cho biết, tật khúc xạ là một vấn đề thường gặp ở mắt và ngày càng gia tăng trong nhịp sống hối hả, ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực của con người hiện đại.

Năm 2050, ước tính là 49,8% dân số thế giới tức hơn 4 tỷ người có thể mắc tật cận thị. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ cận thị cao dẫn đến thoái hóa bán phần sau nhãn cầu và mất thị lực chiếm đến gần 1 tỷ người trong số này. Tình trạng mất thị lực do cận thị cao được dự báo sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2050. Cận thị có nguy cơ thành nguyên nhân gây khiếm thị hàng đầu trên thế giới.

“Nếu so với thế giới, tình hình thị lực ở dân số Việt Nam không khả quan hơn, thậm chí còn mang nhiều nguy cơ khác do độ phổ cập kiến thức về chăm sóc sức khỏe thị lực tại Việt Nam còn chưa cao. Các chuyên gia về khúc xạ thuộc Viện thị giác Brien Holden tại Việt Nam, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Hiệp hội các chuyên gia khúc xạ nhãn khoa của Úc cho biết, các số liệu nghiên cứu họ thu được gần đây tại Việt Nam đều rất đáng lo ngại”- BS Nguyễn Đăng Dũng – Giám đốc Bệnh viện Mắt Quốc tế DND cho hay

Theo đó, tỷ lệ tật khúc xạ tại Việt Nam hiện nay chiếm khoảng từ 15-40%, tương ứng khoảng từ 14-36 triệu người mắc. Trẻ em trong độ tuổi từ 6-15 tuổi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 20-40% ở khu vực thành thị, và từ 10-15% tại khu vực nông thôn. Điều này có nghĩa có khoảng 3 triệu trẻ em đang có tật khúc xạ cần được chỉnh kính và con số này sẽ ngày một tăng cao.

Khám mắt cho học sinh để sớm phát hiện tật khúc xạ

Riêng tại Hà Nội, BS Dũng cho biết qua các chương trình hỗ trợ cộng đồng của Bệnh viện Mắt quốc tế DND phối hợp cùng Thành đoàn Hà Nội, cho thấy có tới 4 triệu trẻ em trong độ tuổi học sinh 6-8 tuổi mắc tật khúc xạ. Ở một số trường học nội thành, tỷ lệ mắc tật này là 50%.

Về nguyên nhân, BS Dũng cho rằng bên cạnh yếu tố gia đình (nhà có bố mẹ, anh chị mắc tật khúc xạ), việc nhìn gần quá nhiều, sai tư thế, nằm đọc, học tập trong điều kiện ánh sáng kém ở nhà trường và gia đình, đặc biệt việc tiếp xúc quá nhiều với máy vi tính, điện thoại, tivi, máy tính bảng khiến ngày càng nhiều người, nhất là trẻ em mắc các tật về khúc xạ.

Trước thực trạng hiện nhiều bố mẹ đã cho trẻ lệ thuộc quá nhiều vào các thiết bị điện tử như smartphone, máy tính bảng, đặc biệt, cho trẻ dùng các thiết bị này khi đã lên giường đi ngủ trong điều kiện tắt đèn, thiếu sáng, BS Dũng cảnh báo khi chúng ta sử dụng các nguồn thiếu sáng, ánh sáng không đạt chuẩn hoặc ánh sáng quá sáng sẽ kích thích quá ngưỡng, buộc mắt phải điều tiết quá mức, lâu dần sẽ có nguy cơ dẫn tới việc mắc tật cận thị. Các chuyên gia cũng khuyến cáo nên hạn chế dùng điện thoại vào ban đêm để tránh hại mắt.

Tật khúc xạ không được được điều trị sớm sẽ dẫn tới hậu quả người bệnh bị nhược thị, lác, thậm chí giảm thị lực vĩnh viễn. Người dân nên cẩn trọng khi thấy các dấu hiệu như nhìn mờ, nhức, mỏi mắt, đọc sai hoặc nhầm…

Hiện tại, các phương pháp điều trị tật khúc xạ phải kể đến kính gọng, kính áp tròng thông thường, kính áp tròng ban đêm Ortho-K... và phẫu thuật bằng tia laser. Mỗi phương pháp sẽ có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau vì thế người có tật khúc xạ cần trang bị cho mình kiến thức cơ bản về các phương pháp điều trị này để cùng bác sĩ đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.

Để cải thiện tình hình thị lực chung tại Việt Nam, các tổ chức y tế đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị cộng đồng nhằm phổ cập tới người dân những hiểu biết khoa học về sức khỏe thị lực, phương pháp chăm sóc và điều trị với những tật khúc xạ và bệnh lý về mắt phổ biến nhất.

Cũng tại hội thảo này, BS Nguyễn Đăng Dũng cho biết, trong dịp hè 2017, bệnh viện đã và sẽ đồng hành cùng Thành Đoàn Hà Nội tổ chức chuỗi chương trình Mắt sáng sinh viên 2017 (khám và tư vấn mắt miễn phí) thuộc khuôn khổ Festival Sinh viên Thủ đô tại 65 trường đại học trên cả nước; phối hợp với Trung tâm Y tế tổ chức khám mắt cho học sinh các cấp trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân…; Khám sàng lọc và phẫu thuật thay Thuỷ tinh thể miễn phí cho nhân dân 62 huyện nghèo thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Cao Bằng, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Quảng Nam, Quảng Ngãi…


Thái Bình
Ý kiến của bạn