Giới chức Tây Ban Nha hôm nay cho biết, cảnh sát nước này vừa bắt giữ hai đối tượng khủng bố làm việc cho Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng. Trước đó, cùng thời điểm, một loạt các vụ báo động khủng bố khác đã diễn ra ở Mỹ, Thụy Sỹ, Đức cũng đồng thời diễn ra. Giới phân tích lo ngại một làn sóng tấn công khủng bố mới đang nhắm vào người dân vô tội.
Cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt giữ các nghi phạm là hai em ruột 22 và 23 tuổi đến từ Morroco, bị buộc tội tài trợ cho Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS. Những tên này làm việc theo nhóm chuyên tuyên truyền tư tưởng cực đoan, tuyển mộ chiến binh và gửi tiền cho các tổ chức của IS. Theo Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, người anh em thứ ba của hai đối tượng này cũng nằm trong nhóm, song tên này đã bị chết khi trốn cùng với vợ sang Syria để gia nhập IS.
Cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ 2 nghi phạm khủng bố ngày 27/7
Tại Thụy Sỹ,cơ quan an ninh nước này đã phải nâng mức độ cảnh báo an ninh tại sân bay sau khi nhận được một lời cảnh báo đánh bom ngày hôm qua sau thông tin về một người phụ nữ mang bom xuất hiện tại khu vực làm thủ tục sân bay, cùng với hai đứa trẻ. Còn tại thành phố Washington (Mỹ), một nhà ga tàu điện ngầm chính đã phải sơ tán khẩn cấp vì bị đe dọa đánh bom. Trong khi đó, cảnh sát Đức đã bắt giữ một thiếu niên 15 tuổi được cho đã lên kế hoạch thực hiện một cuộc cuồng sát, tương tự vụ một đối tượng xả súng ở thành phố Munich.Đối tượng vừa bị bắt đã đăng tải các bức ảnh và những kế hoạch cho thấy có thể hắn đang nung nấu thực hiện một vụ thảm sát theo “kiểu sói đơn độc”.
Tất cả những diễn biến xảy ra cho thấy an ninh đang trở thành một thách thức hàng đầu đối với nhiều quốc gia.“Những kẻ khủng bố đã có mặt tại Đức và chúng đang gia tăng các hoạt động tấn công khiến người dân Đức vô cùng lo sợ. Nước Đức đang đứng trước những thách thức nguy hiểm về khủng bố và cực đoan. Chính vì thế, nước Đức cần phải đoàn kết và hành động một cách kiên quyết”, Thủ hiến bang Bavaria ông Horst Seehofer thừa nhân khủng bố và chủ nghĩa cực đoan đã xuất hiện ở khắp các ngõ ngách ở nước Đức. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin nhận định: “Khủng bố quốc tế và chủ nghĩa cực đoan đã trở thành mối đe dọa toàn cầu và thách thức nền văn minh nhân loại”.
Đâu là giải pháp?
Chưa bao giờ châu Âu, Mỹ và các nước lại trải qua một tuần nhiều biến động như vậy. Tất cả các vụ việc này đều có một điểm chung: do một hoặc rất ít thủ phạm tiến hành. Trong một số trường hợp có liên quan tới Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Phải chăng các quốc gia đang bất lực trước làn sóng bạo lực và khủng bố?
Đã có nhiều lý do được nêu ra, đã có nhiều nguyên nhân được mổ xẻ. Nhưng dâu là căn nguyên cốt lõi? Đâu là chìa khoá để vượt qua khủng hoảng? lại là những câu hỏi khó trả lời. Con số 10.000 người di cư “gõ cửa” nước Đức mỗi ngày; hàng triệu người di cư đổ xô vào châu Âu mỗi năm liệu có phải là nguyên nhân thực sự của bất ổn? của bạo lực và khủng bố? Nhiều nhà phân tích cho rằng đó không phải là nguyên nhân khiến châu Âu bất ổn mà chính hố sâu mâu thuẫn về tư tưởng, rào cản về văn hoá-tôn giáo, tham vọng bá chủ và tư tưởng áp đặt chính trị mà một số chính phủ phương Tây và Mỹ dựng lên mới là nguyên nhân chính khiến các quốc gia phải hứng chịu những hệ luỵ nguy hiểm như ngày nay.
Những vụ tấn công khủng bố, xả súng liên tiếp; sự hình thành ngày càng nhiều “con Sói đơn độc”, bạo lực và chủ nghĩa khủng bố xảy ra trong thời gian gần đây; được ví như cái “gậy đập vào chính lưng của các quốc gia phương Tây”, mà không một quốc gia nào có đủ năng lực để chống đỡ.
Dưới góc nhìn phân tích, để chống lại bạo lực và chủ nghĩa khủng bố, Mỹ, châu Âu và các quốc gia không thể dựa trên những dạng thức cũ, chỉ dựa vào việc ngăn chặn “phần ngọn” mà quên đi phần gốc. Châu Âu không thể chỉ cứ phát hiện và xử lý những tên khủng bố, những tư tưởng cực đoan mới nảy sinh mà điều cần làm là phải điều chỉnh chính sách lâu dài về chủng tộc, tôn giáo, văn hoá và chính trị. Chống bạo lực-khủng bố là chặng đường dài phải đi và châu Âu cần một sự thay đổi về tư duy chiến lược mới có thể đến được cái đích cuối cùng loại trừ chủ nghĩa khủng bố./.