Nhiều tai nạn thương tâm
Thời gian qua, liên tiếp những tai nạn đau lòng từ thói quen dùng điện thoại trong lúc sạc pin gây ra những hậu quả đáng tiếc. Đây là một thói quen hết sức nguy hiểm và luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn thương vong.
Gần đây nhất, ngày 20/5, Công an TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương thông tin, đang phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ điều tra nguyên nhân vụ việc một nam thanh niên tử vong nghi do bị điện giật tại nhà kho ở phường Đông Hòa.
Theo ghi nhận từ camera trong kho, vào khuya ngày 18/5, nạn nhân vừa cắm sạc pin vừa ngồi bấm điện thoại thì bất ngờ té ngã ra nền nhà, nằm bất động. Qua kiểm tra bằng bút thử điện, chiếc điện thoại anh L. sử dụng vẫn còn dấu hiệu bị nhiễm điện, bàn tay của nạn nhân bị bỏng.
Nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, nguyên nhân gây ra cái chết cho nạn nhân có thể do bị điện giật.
Trường hợp tương tự, vào ngày 13/9/2023, trên địa bàn xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, Hà Giang xảy ra vụ tai nạn làm nam thanh niên sinh năm 1998 tử vong trong lúc vừa cắm sạc, vừa dùng điện thoại thì sét đánh gây chập ổ điện.
Ngoài những sự cố liên quan đến điện giật, việc vừa sử dụng điện thoại, vừa sạc pin có thể gây cháy nổ điện thoại, dẫn đến tai nạn gây thương tật cho sức khỏe cũng như có thể dẫn đến chết người.
Điện thoại đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người, họ phải cầm trên tay mọi lúc mọi nơi. Việc sử dụng điện thoại trong lúc cắm sạc là thói quen của không ít người, nhiều vụ tai nạn đau lòng đã xảy ra từ những thói quen này.
Không nên vừa dùng điện thoại vừa sạc
Theo TS. Bùi Thăng (Giảng viên Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN) cho biết, trong quá trình vừa sạc vừa sử dụng điện thoại, nếu các linh kiện điện tử như dây cáp, củ sạc không đảm bảo chất lượng có thể dẫn tới việc điện áp cao phóng thẳng tới điện thoại liên tục hoặc tức thì, gây ra hiện tượng điện giật nguy hiểm cho người sử dụng, nhất là các dòng điện thoại có vỏ kim loại.
Sử dụng bộ sạc điện thoại không chính hãng, kém chất lượng hay thường xuyên dùng điện thoại trong quá trình sạc làm cho pin nóng lên nhanh chóng. Từ đó có thể dẫn đến tình trạng quá tải, chập điện, nghiệm trọng hơn là phát nổ gây thương tích.
Đặc biệt, trong quá trình sạc điện thoại không nên sử dụng điện thoại để chơi game, xem phim, nghe nhạc. Bởi các hoạt động này gây tổn hao nhiều năng lượng, tỏa nhiều nhiệt và gây nguy hiểm cho người dùng.
Khi vừa sử dụng điện thoại vừa sạc, lúc này điện thoại sẽ lấy trực tiếp nguồn điện từ chính bộ sạc và dòng điện cung cấp cho tuổi thọ pin bị giảm. Quá trình này diễn ra trong thời gian dài dẫn đến những hư hỏng về pin, gây nguy cơ cháy, nổ pin trong khi đang sử dụng hoặc cắm sạc.
Trong trường hợp khẩn cấp, nếu điện thoại cạn pin nhưng có việc gấp phải sử dụng, chúng ta nên sạc tạm một khoảng thời gian tính bằng phút để đủ lượng pin cho việc sử dụng. Sau khi đã rút dây sạc ra khỏi điện thoại, khi nào sử dụng xong mới nên sạc tiếp, TS. Thăng khuyến cáo.
Ngoài ra nhiều người có thói quen kéo cả dây sạc lên giường để sạc điện thoại. Sau khi sạc xong chỉ rút mỗi điện thoại ra, để nguyên bộ sạc cắm tại ổ điện. Việc không rút ra có thể khiến độ nóng tăng cao dẫn đến nổ cục sạc, từ đó bén vào những vật dụng dễ cháy như mền, mùng, chiếu, gối... dẫn đến hỏa hoạn.
Cũng theo TS. Thăng, nếu cảm giác bị điện giật khi thiết bị di động đang cắm sạc, nên lập tức ngắt nguồn sạc điện để tránh gây tai nạn cháy nổ, đồng thời mang thiết bị đến các cửa hàng điện thoại có uy tín để kiểm tra.
Xem thêm video được quan tâm:
Điện thoại sạc qua đêm phát nổ khiến hai người nỏng nặng.