Hà Nội

Cảnh báo tai nạn thương tích mắt trẻ em

24-01-2018 07:22 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Mới đây, BV Mắt Trung ương tiếp nhận và xử lý một trẻ bị chấn thương mắt nghiêm trọng với vết dao bổ đôi nhãn cầu. Được biết, đây chỉ là một trong nhiều ca chấn thương mắt ở trẻ em trong thời gian gần đây.

Tại bệnh viện chuyên khoa mắt tuyến cuối này, hàng năm vào thời gian trước và trong Tết Nguyên đán, các thầy thuốc phải tiếp nhận rất nhiều ca tương tự.

Tai nạn đáng tiếc...

Chiều muộn ngày chủ nhật, 21/1/2018, BV Mắt TW tiếp nhận bệnh nhân Triệu T. Ch. (11 tuổi, là người dân tộc Mán, xóm Tân Lập, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) bị chấn thương mắt phải do dao cắm vào nhãn cầu. Em Ch. được phẫu thuật cấp cứu ngay sau đó. Một ngày sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe chung của Ch. tương đối ổn, nhưng tiên lượng về con mắt phải của em là rất nặng.

Cháu Triệu T. Ch. với con mắt phải bị chấn thương do dao đâm.

Cháu Triệu T. Ch. với con mắt phải bị chấn thương do dao đâm.

ThS. Nguyễn Kiên Trung, bác sĩ phụ trách điều trị cho em Ch. sau phẫu thuật tại Khoa Chấn  thương, BV Mắt TW cho biết: Mắt phải của Ch. bị dao cắt vào làm rách giác - củng mạc kéo dài từ kinh tuyến 6h đến kinh tuyến 11h, nói cách khác là con dao đã đi một đường gần như bổ đôi nhãn cầu của Ch. Kíp trực cấp cứu khi đó đã khâu đóng vết thương lại, nhưng Ch. sẽ còn phải trải qua một hay vài cuộc phẫu thuật nữa với mục đích để “sửa đổi, sắp đặt” lại những tổn thương trong mắt. Hiện tại, mắt phải của em Ch. mặc dù đã được khâu kín nhưng vẫn đang trong tình trạng bị xuất huyết nội nhãn, đục vỡ thể thủy tinh... Bên cạnh đó, em Ch. cũng được điều trị nội khoa tích cực bằng các thuốc kháng sinh, chống viêm liều cao để hạn chế hiện tượng viêm và nhiễm trùng rất thường gặp trong những trường hợp chấn thương mắt như thế này. BS. Nguyễn Kiên Trung dè dặt tiên lượng, mắt phải của em Ch. tuy không mù lòa hoàn toàn nhưng có thể thị lực sẽ giảm ở mức trầm trọng, hy vọng chỉ ở mức nhìn được ngón tay trong khoảng cách 1m.

Tại giường bệnh số 69, em Triệu T. Ch. nằm thiêm thiếp với một bên mắt phải băng kín. Mẹ em, chị Triệu T. Ch. kể lại với vẻ xót xa: Hôm đó là ngày chủ nhật nên Ch. xin mẹ cho đi chơi. Được một lúc, bỗng chị T. thấy đứa con nhỏ 5 tuổi chạy về bảo: “Mẹ ơi, anh bị chảy máu mắt”, liền chạy ra xem con làm sao. Trước đó, Ch. đứng chơi, xem một bạn cầm dao nhỏ (kiểu dao bổ cau), cán buộc một sợi dây dài tập phi dao vào cây. Trong lúc bạn cầm dây giật mạnh con dao khỏi cây, dao văng ra cắm luôn vào mắt phải của em. Tai nạn xảy ra lúc 3 giờ chiều ngày chủ nhật (21/1/2018), gia đình đưa Ch. đến trạm y tế xã, em được sơ cứu rồi chuyển qua BV huyện Tân Sơn, rồi tiếp tục chuyển lên BV Việt Trì. Do chấn thương nghiêm trọng, em Ch. được chuyển thẳng về BV Mắt TW. Tại đây, các bác sĩ lập tức phẫu thuật cấp cứu cho Ch. Dù được xử lý cấp cứu trong khoảng thời gian 6 giờ sau tai nạn, là thời gian tốt nhất trong xử lý cấp cứu chấn thương mắt, nhưng chấn thương của Ch. quá nặng nên kết quả điều trị không có nhiều hy vọng.

Theo TS.BS. Thẩm Trường Khánh Vân - Phó trưởng khoa Chấn thương, BV Mắt TW, tai nạn về mắt ở trẻ em đặc biệt tập trung vào thời gian này. Tại khoa, ngoài trường hợp của Ch. còn có trường hợp của bé Trần Q. Th. (8 tuổi, xã Xuân Hòa, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) nhập viện ngày 20/1/2018 do bị chó cắn vào mặt, mắt gây đứt lệ quản. Hay trường hợp của một bé trai 5 tuổi ở Phú Thọ bị bạn bắn que vào mắt gây rách giác mạc. Một trường hợp khác đang nằm điều trị tại Khoa Chấn thương, sau 1 tuần điều trị ở đây, anh H. bố cháu bé vẫn còn chưa hết bàng hoàng vì tai nạn của con: Do chơi đùa với bố, bé bị ngã vào bụi tre và bị rách mi mắt, rách giác mạc do gai tre đâm vào. Bé sẽ còn phải mổ lại lần nữa do máu tụ trong mắt.

Trong một nghiên cứu ở Khoa Chấn thương, BV Mắt TW, do Y tá trưởng Đoàn Thị Minh Huệ thực hiện vào năm 2017, cho thấy các ca chấn thương mắt trẻ em nhiều nhất là vào tháng 1, 2 và tháng 10. Thời gian này người lớn bận việc, lo chuẩn bị Tết Nguyên đán nên không để ý trông nom trẻ. Số trẻ trai chiếm phần lớn các ca chấn thương mắt nhập viện (73%), cho thấy một nguyên nhân khác là trẻ bị chấn thương mắt phần nhiều do hiếu động, nghịch dại. Một điều đáng lo ngại khác là, trẻ thường sợ người lớn la mắng nên hay giấu giếm tai nạn thương tích, hoặc do người lớn chủ quan, coi nhẹ dẫn tới nhiều trường hợp trẻ đến viện muộn khi đã khá nặng. Nghiên cứu này cho thấy, có những trường hợp, bệnh nhi đến điều trị muộn tới 30 ngày sau chấn thương.

Nhận xét về các ca chấn thương mắt nhập viện gần đây tại BV Mắt TW (khoảng 10 ca chỉ trong vòng 1 tuần), TS.BS. Hoàng Cương cho biết: Các chấn thương tại mắt thường để lại di chứng giảm thị lực. Thậm chí giảm tới mức mù lòa. Ở trẻ nhỏ, cấu trúc nhãn cầu chưa ổn định, trẻ dễ bị viêm và viêm thường rất nặng. Ngoài ra, mắt bị viêm do chấn thương nhãn cầu hở (mắt gây nhãn viêm đồng cảm) có thể gây viêm mắt lành (mắt không bị chấn thương hay còn gọi là mắt bị nhãn viêm đồng cảm) làm mù lòa cả 2 mắt. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của trẻ.

Mắt của Ch. sau phẫu thuật 1 ngày.

Mắt của Ch. sau phẫu thuật 1 ngày.

Lời khuyên của thầy thuốc

Theo ThS.BS. Nguyễn Kiên Trung, chấn thương ở mắt cần được đưa đến viện càng sớm càng tốt. Lý do “6 giờ vàng” cấp cứu là vì mắt rất dễ bị nhiễm trùng khi bị chấn thương và điều đó dẫn tới diễn biến bệnh trạng phức tạp hơn nhiều. Sau 6 giờ, nguy cơ nhiễm trùng càng cao.

Khi trẻ bị chấn thương mắt hở, tuyệt đối không day dụi, không tác động để lấy các dị vật ra ngoài. Không cố gắng rửa mắt mà để nguyên trạng. Chỉ được băng phủ mắt (để chống nhiễm khuẩn), không được băng ép. Cho trẻ nhịn ăn để thuận lợi nếu cần phẫu thuật. Chuyển ngay người bệnh lên bệnh viện chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt.

Cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần lưu tâm tới các hoạt động của trẻ, thận trọng đối với các vật sắc nhọn, các chất gây cháy nổ, gây bỏng, các trò chơi có nguy cơ cao.


Bài, ảnh: Lê Minh Thúy - Thanh Loan
Ý kiến của bạn