Mới đây, trên địa bàn xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) vừa xảy ra vụ ngạt khí làm 2 người chết, 2 người phải nhập viện cấp cứu do đốt than tổ ong để sưởi ấm. Theo đó, tối ngày 3/2 vừa qua (mùng 3 Tết), bà T.T.C. (66 tuổi, trú thôn Điền, xã Quảng Nham) đốt than tổ ong sưởi ấm để ngủ. Ngủ cùng bà C. còn có con gái là chị D.T.Ph. (40 tuổi) và các cháu Đ.D.A. (12 tuổi), Đ.V.T. (9 tuổi, đều là con chị Ph.). Đến khoảng hơn 9h ngày 4/2, người thân không thấy bà C. cùng mẹ con chị Ph. dậy như bình thường, nên vào phòng gọi thì phát hiện bà C. cùng cháu T. đã tử vong. Riêng chị Ph. và cháu A. bị hôn mê nên được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa để cấp cứu.
Hiện, chị Ph. và cháu A. đã tỉnh táo, nhưng phải thở oxy. Được biết, mẹ con chị Ph. từ Hà Nội về gia đình mẹ đẻ ăn Tết. Những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần thời tiết tại Thanh Hóa giá rét, có lúc xuống khoảng 10 độ C, nên gia đình bà C. đã đốt than tổ ong sưởi ấm trong phòng ngủ rộng chừng 10m2.
Vụ việc trên không phải là trường hợp duy nhất khi cứ đến mùa lạnh, những vụ tai nạn do đốt than, củi sưởi ấm lại có nguy cơ bùng phát. Vào tháng 1/2021, tại xã Lê Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) cũng đã xảy ra vụ việc bé gái tử vong sau khi sưởi ấm bằng than củi.
Theo đó, chiều 10/1/2021, em T.H.P. (15 tuổi) rủ em họ là Đ.T.T.H. (13 tuổi) đến nhà học bài và ngủ lại. Thấy trời giá rét, cả hai đốt than củi sưởi ấm trong phòng ngủ. Sáng 11/1/2021, người thân vào phòng thì phát hiện 2 em ngất lịm trên giường. Các nạn nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng P. không qua khỏi. Nạn nhân còn lại đã được chuyến lên tuyến trên điều trị trong tình trạng nguy kịch.
Trước đó, vào tháng 12/2020, trên địa bàn xã Phố Cáo (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) cũng xảy ra sự việc 2 trẻ nhỏ bị ngạt khí thương vong. Nạn nhân trong vụ việc trên là cháu Vàng Thị Ngọc T. (SN 2009) và cháu Vàng Minh Đ. (SN 2011).
Theo ông Vàng Dính P. (bố 2 cháu nhỏ), vào khoảng 22h30 ngày 17/12/2020, do thời tiết quá lạnh nên gia đình có đặt chậu than trong phòng ngủ riêng của 2 cháu T. và Đ. để sưởi ấm. Tuy nhiên, đến sáng ngày hôm sau (18/12), gia đình hoảng hốt phát hiện cháu T. đã tử vong. Còn cháu Đ. bị ngất lịm, được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Vào ngày 3/12/2020, ở Quảng Bình cũng xảy ra vụ việc 4 mẹ con thương vong do đốt than sưởi ấm. Theo đó, người thân của gia đình chị Trần Thị Thúy L. (SN 1989, trú thôn 3, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) phát hiện chị cùng các 3 con là Dương Thị Hồng T. (SN 2011), Dương Đức H. (SN 2016) và đứa con út mới 1 tháng tuổi nằm bất động trên giường. Trong đó, 2 cháu T. và H. được phát hiện đã tử vong. Chị L. và cháu nhỏ đã được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Nguyên nhân dẫn đến sự việc được xác định do 4 mẹ con bị ngạt khí than.
Hồi tháng 11/2019, nước ta cũng đã ghi nhận 3 trường hợp thương vong vì ngộ độc khí CO khi đốt than sưởi. Nạn nhân bao gồm, sản phụ Mã Thị Tr. (trú tại thôn Măng Đen, xã Đăk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) cùng con nhỏ mới sinh 3 ngày tuổi và chồng chị Tr.
Vào tháng 11/2018, gia đình 4 người trú tại TP Vinh (Nghệ An) cũng đã bị ngộ độc khí CO do đốt than trong nhà để sưởi ấm. Cụ ông cao tuổi nhất đã tử vong trước khi vào viện.
Những câu chuyện thương tâm trên là chính hồi chuông cảnh báo đến cộng đồng về những nguy hiểm của của việc sử dụng phương pháp này để sưởi ấm, đặc biệt ở gia đình có phụ nữ sau sinh, người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ.
Cách xử trí và phòng ngộ độc khí CO
Khi người thân phát hiện nạn nhân bị nhiễm độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi, cần khẩn trương làm những việc theo trình tự như sau: Nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa nạn nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt; nếu bệnh nhân thở yếu hoặc ngừng thở, phải tiến hành ngay việc thổi ngạt bằng hô hấp nhân tạo miệng-miệng hay miệng-mũi; nếu nạn nhân không còn tỉnh thì đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở tư thế an toàn rồi vừa hà hơi thổi ngạt, vừa nhanh chóng chuyển đến bệnh viện.
Khi nạn nhân đã được chuyển đến các cơ sở y tế, cần tiến hành các biện pháp hồi sức: khai thông đường thở, hỗ trợ hô hấp, khi cần phải đặt ống nội khí quản và thở máy; chống co giật, hôn mê; nếu bệnh nhân tụt huyết áp, phải truyền dịch, đặt catheter, cho thuốc vận mạch; dùng thuốc điều trị toan chuyển hóa, tiêu cơ vân, suy thận; đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân... Trong điều trị đặc hiệu: dùng liệu pháp oxy, cung cấp oxy liều cao càng sớm càng tốt. Những bệnh nhân bị ngộ độc nặng, cần cho thở oxy cao áp.
Để tránh những vụ tai nạn đáng tiếc, các chuyên gia y tế cảnh báo mọi người dân không nên dùng các loại than để sưởi trong phòng kín; không nên dùng lò nướng, bếp gas để sưởi. Thường xuyên kiểm tra thiết bị an toàn của bếp gas, lò sưởi, hệ thống thông hơi. Không đặt máy phát điện ở nơi kín như tầng hầm, nhà để xe hoặc để gần cửa phòng ở. Nếu có điều kiện, gia đình nên mua thiết bị phát hiện khí CO (carbon monoxidee detecter) để trong nhà. Ở nơi làm việc có khí CO như lò gạch, lò luyện kim, xưởng máy... phải đo nồng độ CO định kỳ và có biện pháp xử lý để nồng độ CO không vượt quá ngưỡng cho phép.
Nếu bắt buộc phải sử dụng than để sưởi, người dân nên chú ý:
- Không dùng trong phòng kín
- Nên để hé cửa sổ để có lối thoát khí
- Không dùng khi nhà có người già, trẻ em
- Không để gần những vật dễ bắt lửa
- Chỉ nên sử dụng tối đa 1 tiếng và dùng các loại than sinh nhiệt an toàn.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng ở địa phương, nhất là vùng kinh tế đặc biệt khó khăn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân. Từ đó, giúp người dân sử dụng than, củi sưởi ấm đúng cách để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình; tránh xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản.
Xem thêm video đang được quan tâm
7 lợi ích của vitamin C