Cảnh báo sốt xuất huyết dễ thành dịch ở Đồng bằng sông Cửu Long

09-06-2020 15:23 | Xã hội
google news

SKĐS - Mùa mưa đến, kéo theo nỗi lo về dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng. Trong bối cảnh cả nước, nhất là ngành y tế đang căng mình chống dịch COVID-19, bên cạnh đó vẫn tiếp tục triển khai tích cực công tác phòng, chống dịch SXH, đề phòng nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát, nếu để xảy ra “dịch chồng dịch” sẽ rất nguy hiểm.

Tại Khoa SXH Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, có hơn 270 ca mắc sốt xuất huyết; trong đó, Cần Thơ là hơn 150 ca, không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, trong 2 tuần trở lại đây bệnh có dấu hiệu gia tăng do bước vào thời điểm mùa mưa tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản, phát triển truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH).

Chị Nguyễn Thị Bảo Phương, ở quận Bình Thủy, có con trai là Lê Bảo Tín, 8 tuổi bị SXH nặng điều trị tại Khoa SXH cho biết, lúc đưa con trai nhập viện gia đình rất lo lắng, vì bé sốt cao li bì và có biểu hiện mệt mỏi nên được các bác sĩ lập tức đưa vào Khoa Cấp cứu để xử trí kịp thời. Do chủ quan nghĩ bé bị sốt thông thường nên gia đình chỉ mua thuốc hạ sốt cho uống đến khi thấy bé không thuyên giảm mới tức tốc đưa bé đến bệnh viện khám.

BSCKI. Huỳnh Văn Nhanh – Phó giám đốc Sở Y tế kiểm tra công tác phòng chống SXH tại huyện Cờ Đỏ.

BSCKI. Huỳnh Văn Nhanh – Phó giám đốc Sở Y tế kiểm tra công tác phòng chống SXH tại huyện Cờ Đỏ.

Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Nhật Trường - quyền Trưởng khoa SXH, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, với bệnh SXH các bậc phụ huynh cần phải chú ý đến các biểu hiện như: trẻ sốt cao kéo dài 3 ngày không hết, kèm theo đau đầu và có thể phát ban đó là dấu hiệu của SXH. Nếu phát hiện muộn, để trẻ rơi vào tình trạng có chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, đây là trường hợp bệnh tình đã trở nặng dẫn đến bị xuất huyết nội tạng, việc điều trị sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.

“Nếu trẻ sốt từ 2 ngày trở lên, đến ngày thứ 3 chưa hết sốt thì cần phải tiến hành xét nghiệm máu. Chỉ có xét nghiệm máu thì mới chẩn đoán được bé có sốt xuất huyết hay không” - bác sĩ Nhật Trường cho biết.

BS Ông Huy Thanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ nói, mùa mưa là mùa SXH gia tăng hơn so với những thời điểm khác trong năm. Do đó, bệnh viện đã chủ động mọi mặt cả nhân lực, trang thiết bị, máy móc, thuốc để đảm bảo công tác điều trị đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt, bệnh viện bố trí số giường bệnh để tránh tình trạng nằm ghép 2-3, tạo sự thông thoáng cho bệnh nhân. “Khi mùa mưa đến thường SXH sẽ tăng, do đó Ban lãnh đạo cùng với các khoa, phòng nhanh chóng chủ động. Về công tác điều trị, bệnh viện tổ chức buổi sinh hoạt khoa học để các anh em nắm lại những kiến thức cập nhật mới trong điều trị và chăm sóc SXH một cách hiệu quả. Quan trọng nhất, cập nhật phác đồ của Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến trên để điều trị một cách thành công, hiệu quả hơn trong điều trị SXH”.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, tính từ đầu năm 2020 đến 23/5, toàn thành phố ghi nhận 362 ca SXH, giảm 28 ca so với cùng kỳ 2019, không có ca tử vong. Trong đó, 5/9 quận, huyện có số ca mắc SXH giảm, có 4 quận, huyện tăng so với cùng kỳ là Ninh Kiều, Bình Thủy, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh.

Các ca bệnh, ổ dịch đều được điều tra, xử lý theo đúng quy định. Trong tháng 6/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ triển khai Kế hoạch Hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH (15/6) và Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân tại thành phố Cần Thơ năm 2020, nhằm thực hiện Chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng trên địa bàn các quận/huyện.

Cùng những khuyến cáo của ngành y tế, mỗi người dân nêu cao ý thức trong việc phòng bệnh ngay tại gia đình của mình. Đặc biệt, đối với gia đình có con nhỏ, các bậc cha mẹ cần đề phòng và trang bị những kiến thức về phòng bệnh SXH để có được cách chăm sóc, phát hiện con em mình nghi ngờ mắc SXH, cần đưa ngay đến cở sở y tế.


Lê Qúy
Ý kiến của bạn