Hà Nội

Cảnh báo sốt rét quay trở lại từ mầm bệnh ngoại lai

31-08-2011 07:40 | Tin nóng y tế
google news

Qua những năm tác động các biện pháp can thiệp, tình hình bệnh sốt rét ở nhiều địa phương trên cả nước đã có chuyển biến tốt. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2011, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, sốt rét tăng chủ yếu tập trung tại tỉnh Bình Thuận - một nguy cơ cảnh báo sốt rét quay trở lại.

Qua những năm tác động các biện pháp can thiệp, tình hình bệnh sốt rét ở nhiều địa phương trên cả nước đã có chuyển biến tốt. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2011, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, sốt rét tăng chủ yếu tập trung tại tỉnh Bình Thuận - một nguy cơ cảnh báo sốt rét quay trở lại.

Trong 6 tháng đầu năm 2011, đa số các tỉnh thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tình hình sốt rét giảm nhưng chỉ 2 tỉnh Bình Thuận và Gia Lai lại có sốt rét gia tăng. Tỉnh Gia Lai, số bệnh nhân sốt rét tăng 15,58% (1.104/953); đặc biệt, tỉnh Bình Thuận có số bệnh nhân sốt rét tăng lên đến 62,78% (433/266). Phân tích tình hình cụ thể ghi nhận tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; một địa bàn trước đây trong hơn 5 năm liền không phát hiện được một trường hợp nào bị mắc bệnh sốt rét và địa phương đã chuyển vùng chiến lược thực hiện biện pháp khi tổ chức phân vùng dịch tễ sốt rét và can thiệp vào năm 2009. Tuy vậy sau đó, vào tháng 3/2011, một trường hợp bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét ngoại lai từ tỉnh Đăk Nông trở về địa phương được phát hiện, điều trị tại bệnh viện nhưng người bệnh đã bỏ trị, tự ý ra viện trong quá trình theo dõi quản lý. Đến tháng 5/2011, tại đây đã phát hiện thêm 5 bệnh nhân sốt rét, rồi tiếp đó lên đến 66 bệnh nhân bị mắc mới. Điều tra muỗi truyền bệnh đã ghi nhận có sự hiện diện của loài muỗi truyền bệnh chủ yếu Anopheles mininus hoạt động với tỷ lệ và mật độ cao. Điều này có thể khẳng định rằng bệnh nhân sốt rét gia tăng do có sự lây truyền bệnh tại chỗ từ mầm bệnh ngoại lai do người bệnh bị nhiễm ở nơi khác thuộc tỉnh Đăk Nông mang về. Sốt rét tại đây gia tăng đột biến và đặc biệt có sự lây truyền tại chỗ qua trung gian của loài muỗi truyền bệnh chủ yếu hoạt động dù mầm bệnh xuất phát từ một bệnh nhân sốt rét ngoại lai là có thể xác định nguy cơ dịch sốt rét đã bùng phát tại đây.

Đứng trước thực trạng này, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã cử một đoàn cán bộ về ngay tại địa phương cùng phối hợp với y tế tỉnh, huyện, xã và thôn bản để xác định cụ thể tình hình; đồng thời tổ chức thực hiện xử lý kịp thời các biện pháp can thiệp phòng chống muỗi truyền bệnh bằng hóa chất diệt muỗi, phát hiện, điều trị bệnh nhân và mở rộng cho các đối tượng có nguy cơ để chủ động khống chế nguy cơ dịch sốt rét có thể xảy ra. Sau can thiệp biện pháp, đến tháng 7/2011, tình hình sốt rét tại đây đã dần dần ổn định, không có trường hợp nào bị sốt rét ác tính và tử vong, không phát hiện các ca mắc bệnh mới.

Đây là một hồi chuông cảnh báo cho các địa phương khác trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung cần quan tâm đến vấn đề sốt rét quay trở lại từ mầm bệnh ngoại lai. Trong phân vùng dịch tễ sốt rét và can thiệp năm 2009 đang triển khai thực hiện, phải chú ý đến các biện pháp can thiệp ở vùng có nguy cơ sốt rét quay trở lại một cách phù hợp để chủ động kiểm soát được tình hình; trong đó có nhiệm vụ giám sát sốt rét ngoại lai, giám sát định kỳ hoạt động của muỗi truyền bệnh nhằm phát hiện muỗi Anopheles chủ yếu có thể có khả năng phục hồi để lây lan bệnh tại chỗ từ sốt rét ngoại lai.

TTƯT.BS.Nguyễn Võ Hinh


Ý kiến của bạn