3 tháng vừa qua, tại một số địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội... đã có khoảng 110 bệnh nhân mắc sốt rét nhập viện. Đáng chú ý, đây đều là những người đã từng đi lao động xuất khẩu ở các nước châu Phi và nhiễm bệnh ở nước ngoài, một người đã tử vong. Các chuyên gia cảnh báo, nguy cơ “nhập khẩu” bệnh sốt rét ngoại lai này rất có thể kéo theo cả tình trạng kháng thuốc, bao gồm cả những loại thuốc thế hệ mới.
Nguy cơ “nhập khẩu” sốt rét kháng thuốc
TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Côn trùng và Ký sinh trùng Trung ương cho biết, trong 3 tháng qua đã có khoảng 110 bệnh nhân sốt rét nhập viện tại một số tỉnh miền Bắc có đông người đi xuất khẩu lao động ở châu Phi như Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Hà Nội. Đáng lo ngại là Hà Nội nhiều năm nay không có bệnh nhân sốt rét nên việc chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét ở nhiều cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở y tế tuyến dưới chưa được chú trọng. Điển hình là trường hợp một bệnh nhân nam ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đi lao động ở Angola về được 2 tuần thì có biểu hiện sốt. Bệnh nhân này được điều trị viêm phổi khoảng 2 tuần tại BV huyện nhưng không đỡ và bắt đầu có những triệu chứng điển hình của bệnh sốt rét như sốt theo chu kỳ, mỗi lần trong 2-3 giờ đồng hồ, người bệnh xuất hiện những cơn rét run, chuyển sang sốt nóng, vã mồ hôi và giảm nhiệt độ cơ thể. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển lên BV Bạch Mai để điều trị nhưng khi đó người bệnh đã bị suy đa phủ tạng và không cứu được.
Bệnh nhân Nguyễn Quốc T. (58 tuổi), làm việc ở Angola về nước bị sốt rét ác tính kháng thuốc đã được cứu chữa kịp thời. |
Trước đó, vào đầu tháng 5, BV Bạch Mai cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam, 58 tuổi, ở Nam Định, có thời gian làm việc ở Angola trong 10 năm. Về nước được 4 ngày thì bệnh nhân này bắt đầu có sốt, ho, khó thở. Đáng lưu ý là bệnh nhân này không đáp ứng thuốc điều trị thế hệ mới hiện đang sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Do đó, sau 2 tuần điều trị mà hiệu quả vẫn không tiến triển, các bác sĩ của BV Bạch Mai và Viện Sốt rét - Côn trùng - Ký sinh trùng Trung ương đã sử dụng thuốc sốt rét thế hệ cũ quinin hiện hầu như không sử dụng tại Việt Nam để điều trị cho bệnh nhân này. Kết quả thật bất ngờ, bệnh nhân đã dứt cơn sốt rét và bình phục trở lại. Tuy nhiên, TS. Trần Thanh Dương cho rằng, hiện tượng này chỉ mới xuất hiện ở một bệnh nhân nên chưa thể kết luận đây là một hiện tượng.
Bệnh cũ, nhưng đừng chủ quan!
Nhắc đến bệnh sốt rét, từ nhiều năm nay, miền Trung - Tây Nguyên vẫn được coi là vùng nóng. Sốt rét không phải là căn bệnh mới lạ ở Việt Nam nhưng nhiều năm gần đây Hà Nội không có bệnh nhân sốt rét. Thậm chí, trong 6 tháng đầu năm 2013, số mắc sốt rét của cả nước đã giảm 15,11% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên lại đang có những nguy cơ mới nổi lên xung quanh việc phòng, chống sốt rét, đó là nguy cơ từ nhóm lao động tự do, di dân, làm các nghề nghiệp như khai thác mỏ, khai thác cao su, công nhân lâm nghiệp, đặc biệt mới đây xuất hiện nguy cơ phát bệnh sốt rét từ những người đi làm việc tại châu Phi về nước.
TS. Trần Thanh Dương cho biết, hiện không chỉ Việt Nam mà một số quốc gia lân cận như Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Philippines... đều có số ca mắc sốt rét khá lớn. Trong đó, nguy hiểm nhất là Myanmar mỗi năm có cả triệu người mắc bệnh. Trong khi chủng sốt rét ở những người đi châu Phi làm việc về nước vẫn là chủng thường thấy ở Việt Nam thì các địa phương như Gia Lai, Bình Phước, Đăk Nông và Quảng Nam đang gia tăng hiện tượng bệnh nhân sốt rét bị kháng thuốc, kể cả các thuốc điều trị thế hệ mới. Viện Sốt rét, Côn trùng và Ký sinh trùng Trung ương đã mở rộng phòng, chống chủng sốt rét kháng thuốc ra 14 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Riêng đối với những trường hợp mắc bệnh lý sốt rét tại Angola, các nhà khoa học đã cảnh báo biểu hiện bệnh lý của bệnh sốt rét ở vùng này rất khác biệt so với những nơi khác. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, không sốt, nhiệt độ không cao, không thấy rét run... Đôi khi chỉ có triệu chứng giống như bị viêm họng, sổ mũi, nhức đầu và đau bụng đi ngoài... nên người bệnh thường có tâm lý chủ quan, không đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh kịp thời. Thời gian ủ bệnh sốt rét từ 2 tuần đến hàng tháng. Khi đã chuyển thành sốt rét nặng và sốt rét ác tính thì nguy cơ tử vong là rất cao.
Do đó, với những người đi xuất khẩu lao động hay du lịch ở các nước có tình hình bệnh sốt rét đang còn lưu hành nặng và nghiêm trọng như Angola cũng như một số nước khác tại châu Phi, TS. Trần Thanh Dương khuyến cáo, trong thời gian sau khi về nước khoảng 2 tuần đến 1 tháng, nếu thấy có hiện tượng lạ như ốm, sốt có kèm theo rét run..., người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế, đặc biệt là các trung tâm phòng, chống sốt rét chuyên khoa để được khám sàng lọc sốt rét và điều trị kịp thời. TS. Dương cũng lưu ý, do gần đây các địa phương vùng đồng bằng hoặc khu vực đông dân cư đô thị ít gặp bệnh sốt rét nên người bệnh thường chủ quan, cho rằng mình chỉ cảm sốt thông thường và ở nhà tự điều trị. Tuy nhiên, từ nhóm bệnh nhân sốt rét nặng đã đến bệnh viện điều trị cho thấy nguy cơ của căn bệnh này là khá nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ tử vong với những trường hợp bệnh nặng, không được điều trị kịp thời. Năm 2013 này, dồn dập nhiều trường hợp sốt rét từ châu Phi về như vậy nên ngoài việc tổ chức tập huấn cho một số nơi về phát hiện, điều trị bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao để cơ quan này tuyên truyền, nhắc nhở người lao động đến các vùng có sốt rét lưu hành có ý thức phòng bệnh hơn.
Hoài An