Cảnh báo, sốt rét loại trừ nhưng vẫn có khả năng quay trở lại

05-09-2014 09:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những quốc gia nào sau thời gian thực hiện chiến lược phòng chống sốt rét có hiệu quả thì có thể xem xét để chuyển sang chiến lược loại trừ sốt rét

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những quốc gia nào sau thời gian thực hiện chiến lược phòng chống sốt rét có hiệu quả thì có thể xem xét để chuyển sang chiến lược loại trừ sốt rét. Tại Việt Nam, các nhà khoa học cũng đã xây dựng chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét đến năm 2020; mặc dù hiện nay nước ta đang trên lộ trình tiến tới loại trừ sốt rét nhưng bệnh vẫn có khả năng và nguy cơ quay trở lại.

Tổ chức Y tế Thế giới đề xuất chiến lược loại trừ sốt rét được thực hiện qua 4 giai đoạn gồm: phòng chống sốt rét tích cực, tiền loại trừ sốt rét, loại trừ sốt rét và đề phòng sốt rét quay trở lại.

Tích cực tuyên truyền phòng chống sốt rét để tiến đến loại trừ sốt rét (ảnh minh họa).

Tích cực tuyên truyền phòng chống sốt rét để tiến đến loại trừ sốt rét (ảnh minh họa).

Trong giai đoạn phòng chống sốt rét tích cực, nếu tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét trên các lam máu xét nghiệm ở những bệnh nhân có sốt dưới 5% thì có thể xem xét để chuyển sang giai đoạn tiền loại trừ sốt rét.

Trong giai đoạn tiền loại trừ sốt rét, cần định hướng lại chương trình lần thứ nhất; nếu có dưới 1 ký sinh trùng sốt rét trên 1.000 dân vùng sốt rét trong một năm thì có thể xem xét để chuyển sang giai đoạn loại trừ sốt rét.

Trong giai đoạn loại trừ sốt rét, nếu không phát hiện được trường hợp bệnh sốt rét lây truyền tại địa phương, cần định hướng lại chương trình lần thứ hai và xem xét để chuyển sang giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại.

Trong giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại, vẫn tiếp tục định hướng lại chương trình lần thứ hai, nếu không phát hiện được trường hợp bệnh sốt rét lây truyền tại địa phương sau 3 năm thì đề nghị WHO xem xét, đánh giá, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đã loại trừ sốt rét.

Theo quy định ở trên, với thực trạng tình hình hiện nay tại nước ta, các nhà khoa học dự kiến đến năm 2015 sẽ có 16 tỉnh, thành phố triển khai và đạt chỉ tiêu loại trừ sốt rét gồm Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Long An, Tiền Giang và Trà Vinh.

Cũng theo quy định này, căn cứ vào tình hình dịch tễ bệnh sốt rét diễn biến trong giai đoạn từ năm 2011 - 2015 để sàng lọc, chọn lựa thêm các tỉnh, thành phố có bệnh sốt rét đã giảm thấp và ổn định, có điều kiện phù hợp nhằm xác định địa phương đạt tiêu chuẩn loại trừ sốt rét đến năm 2020. Dự kiến có 34 tỉnh, thành phố gồm Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Như vậy, dự kiến đến năm 2015 sẽ có 16 tỉnh, thành phố và đến năm 2020 sẽ có thêm 34 tỉnh, thành phố đạt được tiêu chuẩn, chỉ tiêu loại trừ sốt rét theo khuyến cáo của WHO. Còn lại 13 tỉnh, thành phố vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược phòng chống sốt rét gồm Lào Cai, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Nông, Bình Phước và Đồng Tháp. Các địa phương này chủ yếu nằm trong vùng trọng điểm sốt rét thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ được xem xét, đánh giá, xác định loại trừ sốt rét vào thời điểm sau năm 2020 khi đã đạt được tiêu chuẩn, chỉ tiêu quy định.

Hiện nay, nước ta đang thực hiện chiến lược vừa phòng chống vừa loại trừ sốt rét. Tuy vậy, trong lộ trình tiến tới loại trừ sốt rét, giai đoạn cuối của chiến lược này vẫn khẳng định là giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại. Do đó, thành quả đạt được phải được duy trì và mang tính bền vững vì sau 3 năm không phát hiện được trường hợp bệnh lây truyền tại địa phương thì mới được WHO thẩm định và cấp giấy chứng nhận loại trừ sốt rét. Thực tế trong thời gian qua, một số nước phát triển, đang phát triển trên thế giới tuyên bố đã loại trừ bệnh sởi ra khỏi cộng đồng nhưng sau những năm vắng bóng bệnh sởi vẫn có khả năng quay trở lại nếu không có biện pháp duy trì phòng bệnh bằng vaccin. Đối với bệnh sốt rét cũng có thể nằm trong tình trạng tiên lượng này, mặc dù nước ta chưa tuyên bố loại trừ sốt rét nhưng nguy cơ sốt rét quay trở lại là rất lớn khi chưa có được các yếu tố bền vững để duy trì thành quả đạt được một cách lâu dài. Phải luôn luôn cảnh báo và không nên chủ quan trước vấn đề này.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh

 


Ý kiến của bạn