Nam bệnh nhân 50 tuổi, tiền sử mắc bệnh gout nhiều năm đến khám tại BV Đại học Y Hà Nội trong tình trạng sốt cao, khó thở dữ dội. Sau 2 giờ vào viện, bệnh nhân ngừng tuần hoàn, các bác sĩ nỗ lực cấp cứu sau 1 giờ không tái lập, bệnh nhân tử vong. Xét nghiệm cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn.
Theo BS. Nguyễn Tiến Thành, BV Đại học Y Hà Nội, chẩn đoán ban đầu ở bệnh nhân là sốc nhiễm khuẩn, theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân được nhanh chóng xử trí truyền dịch, cấy máu, kháng sinh sớm, đặt ống nội khí quản, lấy máu và làm các xét nghiệm thăm dò. "Tuy nhiên, tiên lượng bệnh nhân rất nặng, các bác sĩ đã giải thích với gia đình về tình trạng cụ thể. Bệnh nhân trụy tim mạch không đáp ứng vận mạch và hồi sức dịch, sau 2 giờ vào viện thì ngừng tuần hoàn, cấp cứu sau 1 giờ không tái lập, bệnh nhân tử vong" - BS. Thành chia sẻ thêm.
Theo các bác sĩ, đây không phải là lần đầu tiên những trường hợp sốc nhiễm trùng, nhiễm độc được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Nhưng với diễn biến nặng và tử vong khá đường đột như trường hợp bệnh nhân nói trên thì không những gia đình mà nhân viên y tế cũng thấy bất ngờ.
Sau đó 2 ngày, xét nghiệm cấy máu của bệnh nhân cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn Streptococus suis (S.suis). Với xét nghiệm này, các bác sĩ đã có lý giải cho bệnh cảnh lâm sàng mà bệnh nhân gặp phải.
Trước đó không lâu, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 cũng tiếp nhận điều trị thành công người bệnh nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn. Bệnh nữ Đ.T.P.N (40 tuổi) vào viện trong tình trạng lâm sàng nguy kịch. Người bệnh có tiền sử đau khớp tay, chân và đau lưng nhiều, khoảng 1 tháng nay uống thuốc nam kèm theo thuốc giảm cân. Hai ngày trước vào viện, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi nhiều, ăn uống kém, đau mạn sườn phải âm ỉ liên tục, có lúc đau quặn thành cơn.
Sau đó người bệnh diễn biến nặng, tự điều trị tại nhà nhưng đến chiều không đỡ. Bệnh nhân vào bệnh viện huyện cấp cứu, phát hiện suy chức năng gan, thận, tụt huyết áp, chuyển khoa Hồi sức nội viện 103. Tại đây các bác sĩ ghi nhận tình trạng bệnh nhân sốc nặng, vật vã kích thích, da niêm mạc vàng, xuất huyết dưới da dạng mảng và nốt vùng ngọn chi, ngón cái bàn tay phải có vết thương 1cm đã liền mép nhưng còn sưng màu xanh tím… Ngay lập tức người bệnh được hồi sức hô hấp, tuần hoàn, lọc máu liên tục và thực hiện điều trị đặc hiệu.
Trong quá trình cấp cứu điều trị và tầm soát căn nguyên, các bác sĩ nhận thấy người bệnh có biểu hiện: viêm do nhiễm khuẩn kèm theo có ban xuất huyết dưới da tay chân, vàng da, tan máu rõ, đã định hướng căn nguyên là nhiễm liên cầu tan máu và bổ sung thêm kháng sinh Linezolid. Kết quả cấy máu lúc nhập viện (trả kết quả 3 ngày sau đó): Dương tính với liên cầu lợn.
Cùng sự nỗ lực trong điều trị cũng như chăm sóc tích cực của tập thể các y bác sĩ người bệnh dần dần qua cơn nguy kịch, biểu hiện lâm sàng cải thiện tốt, chức năng các tạng về ngưỡng bình thường. Người bệnh tiến triển tốt và ra viện sau 28 ngày điều trị.
Không chủ quan khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn liên cầu lợn
Theo thông tin Cục Y tế dự phòng, bệnh do liên cầu lợn S.suis rất đa dạng bao gồm: viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết… Tỷ lệ tử vong có thể tới 7%.
S.suis được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Tỷ lệ mang S.suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60 - 100%. Những người bị suy giảm miễn dịch và lợn bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao. Lợn mang vi khuẩn là nguồn lây nhiễm chính. S.suis có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Hiện nay, chưa có bằng chứng bệnh liên cầu khuẩn có thể lây trực tiếp từ người sang người.
Vi khuẩn liên cầu lợn không khó điều trị, đáp ứng với nhiều kháng sinh thông thường. Tuy nhiên, một số đối tượng đặc biệt với thể trạng suy giảm miễn dịch thì diễn biến lâm sàng rầm rộ, nguy cơ tử vong cao.
Các bác sĩ khuyến cáo, S.suis có thể lây truyền qua người tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương, trầy xước trên da đồng thời qua người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn chưa được nấu chín thịt luộc tái, lòng lợn và nội tạng trần, tiết canh, nem chạo, nem chua…
Hiện nay trong dân cư nhiều nơi vẫn có thói quen cũng như phong tục tập quán ăn tiết canh và những món ăn tái sống chưa được chế biến chín, điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhiễm liên cầu lợn. Nếu không được phát hiện kịp thời nguy cơ tử vong với nhóm bệnh này là rất cao, do đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để kịp thời phòng chống bệnh do liên cầu lợn gây ra.