Việc sử dụng những sản phẩm với các thành phần tiềm ẩn nguy hiểm, có thể khiến người dùng có nguy cơ bị các tác dụng phụ nghiêm trọng, tương tác thuốc và phản ứng dị ứng nguy hiểm...
Dưới đây là một số sản phẩm tiềm ẩn nguy hiểm được tiếp thị cho người tiêu dùng trực tuyến và trong các cửa hàng, có thể chứa những thành phần ẩn gây hại:
1. Một số sản phẩm giảm đau, trị viêm khớp được phát hiện chứa thành phần ẩn gây hại
Theo FDA, có ít nhất 22 sản phẩm giảm đau và trị viêm khớp OTC (không kê đơn) có chứa các thành phần tiềm ẩn có hại:
- Các sản phẩm: Kuka flex forte, Reumo flex, AK Forte, Artri King, Ortiga Mas Ajo Rey Extra Forte, RMFLEX, viên nang thấp khớp tác dụng nhanh, Jianbu Huqian Wan... được quảng cáo chữa đau khớp và viêm khớp.
- Sản phẩm Ortiga Mas Ajo Rey: Được quảng cáo chữa đau khớp, viêm khớp, viêm xương khớp, thấp khớp và xơ cứng động mạch.
- Sản phẩm Tawon Liar: Được quảng bá và bán để giảm đau, trị thấp khớp, mất ngủ, cải thiện hệ thống miễn dịch, tăng năng lượng và giảm cholesterol.
- Trà tapee: Trà được quảng cáo có tác dụng giảm đau.
- Viên nang Rheuma tác dụng nhanh: Điều trị đau khớp và viêm khớp dạng thấp.
- Sản phẩm Ua – Block: Giảm đau khớp, viêm, đau do gout và giải độc gan.
- Các sản phẩm Artri Ajo King, Pyrola Advanced Joint Formula: Được quảng cáo giúp giảm đau khớp và viêm khớp.
- Sản phẩm Linsen Double Caulis Plus: Chữa đau khớp, gout, đau lưng.
- Sản phẩm Saurean Fong Sep Lin: Chữa đau lưng
- Nhân sâm She Lian Wan: Điều trị đau khớp, viêm khớp và bệnh gout.
- Sản phẩm Asihuri Plus Forte: Chữa chứng đau khớp và thần kinh.
- Sản phẩm Arth-Q: Được tiếp thị và bán dưới dạng thực phẩm bổ sung để điều trị đau khớp, cơ và viêm khớp.
- Sản phẩm Pro ArthMax: Bán dưới dạng thực phẩm bổ sung giúp giảm đau khớp, cơ và viêm khớp.
- Sản phẩm Ortiga: Là sản phẩm chưa được phê duyệt, được quảng bá cho nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau…
Các sản phẩm được liệt kê này chỉ là một phần trong số các sản phẩm tiềm ẩn nguy hiểm được tiếp thị cho người tiêu dùng trực tuyến và tại các cửa hàng.
Ngay cả khi một sản phẩm không có trong danh sách này, FDA nhấn mạnh rằng, bạn vẫn nên thận trọng trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm giảm đau và viêm khớp OTC nào.
2. Những thành phần 'ẩn' nào có trong những sản phẩm này?
Thành phần ẩn là bất cứ thứ gì có trong sản phẩm không kê đơn (OTC) không được tiết lộ hoặc liệt kê trên nhãn. Theo TS. Candy Tsourounis, Khoa Dược lâm sàng, Đại học California San Francisco, các thành phần trong sản phẩm OTC có thể hoạt động (ví dụ ibuprofen) hoặc không hoạt động (ví dụ: Chất độn, hương liệu, chất phủ hoặc chất bảo quản).
Nhiều sản phẩm giảm đau và viêm khớp OTC có chứa các thành phần thuộc ba loại thuốc khác nhau, đó là: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), steroid và thuốc giãn cơ.
2.1 Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là nhóm thuốc thường được sử dụng để giảm viêm và điều trị các tình trạng như viêm khớp, đau đầu và chấn thương cơ.
Một số NSAID ẩn đã được tìm thấy trong các sản phẩm giảm đau và trị viêm khớp OTC bao gồm ibuprofen, diclofenac, piroxicam, indomethacin, meloxicam, ketorolac, phenylbutazone và naproxen.
Các sản phẩm có chứa NSAID như diclofenac có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch, chẳng hạn như đau tim và đột quỵ, cũng như nguy cơ tổn thương đường tiêu hóa cao hơn, bao gồm chảy máu, loét và thủng dạ dày và ruột…
FDA cảnh báo rằng, các thành phần ẩn như NSAID cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác và làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ, đặc biệt đối với những người dùng nhiều hơn một sản phẩm có chứa NSAID.
2.2 Thuốc chống viêm corticosteroid (steroid)
Corticosteroid (steroid) là một loại thuốc chống viêm được sử dụng để điều trị các tình trạng viêm như hen suyễn, bệnh chàm và bệnh đa xơ cứng (MS)...
Dexamethasone và prednisone-21-acetate là các steroid đã được tìm thấy trong một số sản phẩm điều trị viêm khớp và giảm đau, vì chúng có thể giúp giảm đau và viêm khớp, cơ và gân. Corticosteroid như dexamethasone hoặc prednisone có thể ảnh hưởng đến khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể cũng như gây ra lượng đường trong máu cao, chấn thương cơ và các triệu chứng tâm thần.
Khi dùng corticosteroid trong thời gian dài và/hoặc với liều lượng cao, chúng có thể ức chế tuyến thượng thận và dẫn đến các triệu chứng cực kỳ mệt mỏi, yếu cơ, sụt cân, đau bụng và chán ăn...
2.3 Thuốc giãn cơ
Thuốc giãn cơ là thuốc kê đơn có thể giúp điều trị các triệu chứng liên quan đến cơ, chẳng hạn như đau cơ hoặc co thắt, cũng như các chấn thương gây ra các triệu chứng như đau lưng dưới.
Thuốc giãn cơ đã được tìm thấy trong các sản phẩm giảm đau và viêm khớp bao gồm methocarbamol và chlorzoxazone.
Thuốc giãn cơ có thể gây ra tác dụng phụ như an thần, chóng mặt và huyết áp thấp. Chúng cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng tinh thần và thể chất của một người, để thực hiện một số nhiệm vụ nhất định, như lái xe hoặc vận hành máy móc tại nơi làm việc.
3. Phải làm gì nếu sử dụng một trong những sản phẩm này
Người bệnh không nên mua bất kỳ sản phẩm nào được liệt kê ở trên. Tuy nhiên, đối với những người đã mua và đang sử dụng, nên dừng lại ngay lập tức và liên hệ với bác sĩ.
Một số thành phần ẩn có thể rất nguy hiểm, đặc biệt đối với người bị dị ứng với thành phần ẩn hoặc nếu bị tổn hại chức năng thận hoặc gan hoặc nếu thành phần ẩn được tìm thấy với số lượng đáng kể có thể tương tác với các loại thuốc khác mà bệnh nhân đang dùng.
Bác sĩ có thể giúp bạn về các lựa chọn an toàn hơn để kiểm soát các triệu chứng của mình. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cho thực hiện một số xét nghiệm chức năng gan, thận… xem đã bị ảnh hưởng thế nào, để tìm ra phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả nhất cho bạn trong tương lai.
Bạn cũng nên báo cáo bất kỳ tác dụng phụ hoặc biến chứng nào có thể gặp phải khi sử dụng các sản phẩm này.
4. Làm cách nào để biết sản phẩm có an toàn hay không?
Người tiêu dùng nên hết sức thận trọng khi sử dụng các sản phẩm OTC (không kê đơn). Nên kiểm tra nhãn và điều quan trọng là phải thảo luận về việc dùng những loại thuốc này với bác sĩ.
Mặc dù nhiều sản phẩm trong số này "được bán ở các cửa hàng phi truyền thống", nhưng tốt hơn hết bạn nên mua các sản phẩm chăm sóc sức khỏe các hiệu thuốc.
Khi bạn mua sản phẩm OTC, nên:
- Tránh mua sản phẩm có nhãn ghi bằng ngôn ngữ mà bạn không thể đọc được.
- Hãy cảnh giác với những lời quảng cáo có cánh như: Sản phẩm có thể "chữa bách bệnh" hoặc dựa nhiều vào lời chứng thực cá nhân mà không có bất kỳ bằng chứng đáng tin cậy nào. Bạn cũng nên tránh bất kỳ sản phẩm nào cung cấp "phương pháp chữa bệnh thần kỳ".
- Hãy lưu ý đến các sản phẩm được tuyên bố là sản phẩm thay thế thuốc chữa bệnh, chưa được chứng minh, chấp thuận hoặc có tác dụng tương tự như thuốc theo toa.
- Hãy xem xét những rủi ro khi mua thuốc trực tuyến hoặc từ các quốc gia khác.
- Không sử dụng hoặc mua thuốc OTC thiếu nhãn thông tin thuốc bắt buộc. Nếu bạn không thể đọc nhãn của bất kỳ đơn thuốc, thuốc OTC hoặc thực phẩm bổ sung nào, đừng sử dụng nó.
- Kiểm tra để đảm bảo tên, địa chỉ và số điện thoại của nhà sản xuất được liệt kê trên nhãn.
- Hãy hỏi nhà thuốc gần nơi bạn sinh sống để được tư vấn về các sản phẩm OTC.
- Nói chuyện với bác sĩ về tất cả các sản phẩm bạn đang dùng cho tình trạng bệnh lý của mình.
Mời độc giả xem thêm video:
6 loại thực phẩm không tốt cho người viêm khớp