70% người bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới là phụ nữ
Hiện nay, bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới ngày càng có xu hướng tăng cao, khoảng 70% trong số những người mắc bệnh là phụ nữ, tuy nhiên nhiều người vẫn còn đang mơ hồ và chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.
TS.BS Bùi Long – Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp, BV Hữu Nghị (Hà Nội) cho biết: Có 3 loại tĩnh mạch trong hệ thống tĩnh mạch chân là tĩnh mạch sâu nằm trong các nhóm cơ có tác dụng bơm máu về tim, tĩnh mạch nông nằm trong và dưới da, và tĩnh mạch xiên.
Suy giãn tĩnh mạch sâu là tình trạng các tĩnh mạch sâu bị suy giảm chức năng vận chuyển máu về tim, dẫn đến máu không lưu thông liên tục, gây ứ đọng máu trong lòng tĩnh mạch, gây áp lực lên các tĩnh mạch ở cẳng chân, lâu ngày dẫn đến tình trạng suy tĩnh mạch mạn tính.
TS.BS Bùi Long – Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp, BV Hữu Nghị.
Nguyên nhân gây bệnh suy giãn tĩnh mạch
- Có thể do yếu tố di truyền.
- Do bẩm sinh: Thường là do khiếm khuyết của thành tĩnh mạch, thiểu sản van tĩnh mạch.
- Thói quen tĩnh tại, ít vận động, ngồi yên một chỗ hay đứng quá lâu gây áp lực lên tĩnh mạch chân.
- Suy tĩnh mạch sau huyết khối tĩnh mạch sâu, hội chứng hậu huyết khối.
Ngoài ra, những đối tượng thừa cân, béo phì, phụ nữ có thai, lạm dụng thuốc tránh thai, làm việc lâu dài trong môi trường nhiệt độ cao... đều có nguy cơ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Biểu hiện của bệnh suy giãn tĩnh mạch tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh, các biểu hiện bệnh lý là không giống nhau.
Giai đoạn đầu: Ở giai đoạn này, hầu như không có triệu chứng rõ ràng, thoáng qua nên người bệnh thường không phát hiện được, như: Đau chân, nặng chân, nhức mỏi ở bắp chân và đôi lúc thấy bàn chân có cảm giác to lên. Ban đêm thường hay bị chuột rút. Mắt cá chân bị sưng, phù nề.
Giai đoạn cuối: Càng về sau các triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch càng rõ nét hơn tình trạng ứ trệ tĩnh mạch nặng nề gây ra. Người bệnh sẽ thấy ngứa, đau nóng rát, bong da, lở loét và đôi khi chảy máu ở vùng da bị bệnh.
Những nguy hiểm khó lường
Theo TS.BS Bùi Long, giai đoạn sớm của bệnh, người bệnh sẽ thấy khó chịu, đau đớn và ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày mà không gây nguy hiểm cho tính mạng. Tuy nhiên nếu không kịp thời phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể gây ra các biến chứng ngoài da niêm mạc gây lở loét không lành, viêm da nhiễm trùng tại chỗ, thậm chí nhiễm trùng nặng toàn thân.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch không những làm mất thẩm mỹ mà còn có thể gây ra những nguy hiểm khó lương. Tuy nhiên chúng ta có thể phòng tránh bệnh một cách dễ dàng, chỉ cần thay đổi lối sống và điều chỉnh thói quen sinh hoạt, chẳng hạn:
- Không nên mang giày cao gót để tránh việc dồn trọng lượng cơ thể xuống hai bàn chân, gây áp lực lên các tĩnh mạch chân, nên chọn những đôi giày gót thấp vừa phải, da mềm.
- Nên mặc trang phục rộng rãi, thoải mái, tránh bó sát đặc biệt là ở chân, hông.
- Không nên ngồi xổm, đung đưa, vắt chéo chân gây cản trở máu lưu thông. Nên chọn ghế ngồi phù hợp, và kê cao chân khi nằm khoảng 20cm so với tim.
- Không nên ngồi lâu hay đứng lâu một chỗ, nên đi lại thường xuyên, giãn cơ để các tĩnh mạch không bị quá tải.
- Tập các bài tập nhẹ như chạy bộ, bơi lội, thể dục dưỡng sinh.v.v để nâng cao sức khỏe và có lợi cho hệ thống tĩnh mạch chân.
- Hạn chế tắm nước nóng hay xoa bóp dầu nóng tại vùng da bị bệnh vì sẽ làm các tĩnh mạch giãn nở to hơn, bệnh sẽ càng nặng hơn.
Điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch thế nào?
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị bệnh, nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm, như: Mang tất dài y khoa, sử dụng hàng ngày để giảm phù nề và máu chảy ngược. Sử dụng các loại thuốc làm bền thành mạch, tăng trương lực tĩnh mạch như Rutin C, Daflon… Đối với các trường hợp bị giãn tĩnh mạch nhỏ có thể chích xơ làm xơ hoá các mạch máu.
BS. Long cho biết, phẫu thuật là phương pháp điều trị khá hiệu quả, tỉ lệ tái phát bệnh thấp bằng cách cắt bỏ các tĩnh mạch bị giãn, chỉnh sữa lại các van tĩnh mạch… Tuy nhiên phẫu thuật thường gây đau đớn và để lại sẹo xấu, mất thẩm mỹ.
Điều trị can thiệp nội tĩnh mạch bằng nhiệt (laser hoặc sóng có tần số Radio) là biện pháp đang được áp dụng tại nhiều cơ sở y tế thay thế dần cho phương pháp phẫu thuật. Tuy nhiên nhược điểm của biện pháp này là gây đau cho bệnh nhân trong lúc làm thủ thuật và vẫn phải mang tất áp lực sau can thiệp một thời gian.
Để khắc phục các hạn chế trên, các bác sĩ tại khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Hữu Nghị đang sử dụng phương pháp loại bỏ tĩnh mạch bị suy bằng keo dính sinh học. Đây là phương pháp điều trị mới, nhẹ nhàng, thêm nhiều cơ hội điều trị cho người bệnh, đặc biệt là trường hợp không thể phẫu thuật.
Điều trị cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chi dưới tại BV Hữu Nghị.
(Cyanoacrylate) là phương pháp mới, điều trị khá nhẹ nhàng, ít xâm lấm và có thời gian thực hiện chỉ từ 15 - 20 phút. Các bác sĩ dùng công cụ chuyên dụng để luồn vào lòng tĩnh mạch và bơm keo sinh học gây bít tắc hoàn toàn tại đoạn tĩnh mạch bị bệnh. Bác sĩ quan sát hình ảnh mạch máu qua màn hình siêu âm để thao tác chính xác.
Bệnh nhân sau điều trị hồi phục nhanh. Người bệnh có thể đi lại nhẹ nhàng, trở lại các sinh hoạt bình thường hằng ngày ngay sau thủ thuật và không phải mang tất áp lực nữa. Việc tập luyện và chơi thể thao sẽ trở lại bình thường sau một ngày, không cần dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm hay giảm đau. Triệu chứng lâm sàng cải thiện rõ sau một tuần điều trị.
“Phương pháp này đặc biệt ý nghĩa trong trường hợp người bệnh có chỉ định phẫu thuật nhưng không thực hiện được vì những yếu tố tâm lý, nguy cơ khi gây tê tủy sống hay gây mê, hoặc loét chân ngay vị trí rạch da khi phẫu thuật. Nó cũng loại bỏ hoàn toàn được đau đớn cho bệnh nhân khi làm can thiệp nội tĩnh mạch bằng laser hay RF” - bác sĩ Long cho hay.
Tuy nhiên thủ thuật này chỉ áp dụng cho bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch nông từ cấp độ hai trở lên, không dùng cho những tĩnh mạch nằm sát da. Vì đây là phương pháp mới được áp dụng tại Việt Nam nên chưa nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả.
Theo BS. Long nghiên cứu trên thế giới ghi nhận tỷ lệ thành công của thủ thuật bít tắc bằng keo sinh học là trên 95%.
Hiện nay, nhiều người vẫn chưa thực sự quan tâm đến bệnh suy giãn tĩnh mạch, bệnh có thể gây ra nhiều nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Tự mỗi chúng ta cần chú ý hơn đến thói quen trong cuộc sống hàng ngày để điều chỉnh hợp lý nhằm phòng tránh và giảm nguy cơ mắc bệnh.